Chúa Nhật 5 Phục Sinh (B): Đức Giêsu – Cây Nho Thật

Các ngôn sứ trong Cựu Ước nhiều lần đã nhân danh Thiên Chúa nói về dân tộc Israel như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa: “Vườn nho của Đức Chúa, là nhà Israel (Is 5,1-7). “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt” (Gr 2,21). Tác giả Thánh Vịnh bảo việc Thiên Chúa giải thoát dân Người khỏi nô lệ ở Ai cập là, “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập” (80,8). Cây nho đã trở thành biểu tượng của dân tộc Israel, và niềm tự hào này được biểu lộ cách trang trọng bằng một cây nho bằng vàng, đặt ở trước Cung Thánh trong Đền Thờ Giêrusalem.

Nhưng vườn nho Thiên Chúa đã cất công vun trồng ấy đã trở nên hoang dại, biến chất, “đã sinh ra quả đắng đót” (Gr 2,21), nên Thiên Chúa đã phá đổ tường rào, bỏ hoang vườn nho cho dã thú dày xéo (Is 5,3-4).

Khi bảo mình là Cây Nho Thật và Cha của Người, Thiên Chúa, đã trồng vào thế gian này, Đức Giêsu khẳng định Người mới chính là điều Chúa Cha nhắm đến trong kế hoạch cứu độ nhân loại; Người có nguồn gốc thần linh, và những ai tin vào Người như các môn đệ, mới chính là những cành nho phát sinh từ Cây Nho Thật. Như vậy, cả dân Do thái, dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn cũng chỉ là hình bóng, phải hướng đến thực tại mới mẻ này.

Dùng hình ảnh cây nho quen thuộc và dễ hiểu để nói về mình, về thân nho sinh ra các nhành nho, ám chỉ các môn đệ, để làm nên một dân riêng mới của Thiên Chúa, chính Người sẽ nuôi dưỡng các nhành nho bằng dòng nhựa sống thần linh của mình, nhưng họ phải gắn bó với Người bằng đức tin, phải luôn kết hợp mật thiết với Người bằng đức ái, như những nhành nho phải gắn liền với thân nho mới sống, mới sinh được hoa trái.

Để sinh ra những hoa trái đúng ý Thiên Chúa, những nhành nho còn phải chịu cắt tỉa, để sinh nhiều hoa trái hơn, và phải cắt tỉa sạch để tạo nên những mầm mới. Ở đây Đức Giêsu bảo các môn đệ không cần tỉa sạch, vì họ đã được sạch, nhờ gắn bó với giáo huấn của Người.

Điều Đức Giêsu tha thiết, là mong muốn họ hãy ở lại trong Người như Người ở lại trong họ, để họ được sống, sống sự sống thần linh dồi dào và sẽ sinh nhiều hoa trái đúng ý Thiên Chúa. Ngược lại, họ sẽ trở nên khô cằn, sẽ chết và bị gom đi đốt, nếu không gắn bó với Người, ngay cả những nhành nho không sinh hoa trái, Người cũng sẵn sàng chặt bỏ, vì không có Người, họ chẳng làm gì được. Đó là những kẻ nghe không nghe lời Người, không tin vào Người, không gắn bó với Người, hoặc trở nên vô dụng, chẳng sinh ra hoa trái như Người mong đợi.

Công việc cắt tỉa sẽ luôn được thực hiện trong Hội Thánh, qua những thử thách, bách hại, những đau khổ và hi sinh vì Chúa, để tôi luyện đức tin, lòng nhẫn nại cậy trông và tình mến Chúa bền bỉ. Chúa dùng thử thách để thanh luyện những kẻ Người mến yêu, để họ trở nên những con người đem lại nhiều hoa trái như lòng Chúa mong ước.

Cũng như nhiều lần Đức Giêsu nhấn đến việc các môn đệ phải “ở lại trong lời” (8,31), “ở lại trong tình yêu” (8,31), và trong ánh sáng (x.1Ga 2,10), việc lặp lại nhiều lần câu: “Ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong anh em,” Đức Giêsu nhấn đến điểm quan trọng của mối tương quan gắn bó bền chặt sống còn ấy, qua hình ảnh Cây Nho.

Nếu luôn kết hợp gắn bó với Đức Giêsu như những nhành nho, các môn đệ sẽ làm được những điều Người làm, sẽ được như ý khi cầu xin. Điều đó vừa thúc đẩy họ “ở lại” để ngày càng “bám sâu”vào trong sự sống của Đức Giêsu mà không sợ bị khô héo, bị đốt đi, vừa sinh hoa trái tốt lành(Ga 15,2.4.5.8.16)
Nếu Đức Giêsu đã chứng tỏ Người là cây nho thật, đúng ý Chúa Cha là sinh ra các nhành, nuôi dưỡng chúng và làm chúng sinh nhiều hoa trái, thì các môn đệ, những ai tin vào Người cũng phải chứng tỏ họ là nhành của Cây Nho Thật ấy, khi luôn gắn bó với cây nho, sống nhờ cây nho và nhất là phải sinh ra nhiều hoa trái. Hoa trái minh chứng họ là những nhành hữu ích, xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu, Cây Nho Thật.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.