Nữ tu người Pháp chia sẻ hành trình tâm linh qua buổi triển lãm tranh tại Hồng Kông và Ma Cao
Các bức họa của nữ tu Marie-Anastasia Carre phản ánh chính xác những gì Đức Thánh cha Phanxicô từng nói trong cuốn sách La mia idea di arte (Ý của tôi về nghệ thuật): “Nghệ thuật, một bằng chứng đáng tin cậy về vẻ đẹp của sự sáng tạo, còn là công cụ truyền giáo”.
Ngắm nhìn Chúa Kitô, Đức Mẹ Đồng Trinh và các thiên thần trong bức vẽ của sơ, người ta có thể gặp gỡ Chúa và lắng nghe tiếng nói của Ngài từ trong tâm hồn.
Nữ tu người Pháp thuộc Cộng đoàn Các Mối Phúc Thật tổ chức triển lãm tranh có tựa đề: “Hành trình Trái tim: một chuyến hành hương từ trong tâm hồn”, tại nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh ở Wanchai, Hồng Kông.
Sơ Marie từng tổ chức triển lãm ở Pháp, Ma Cao và Hồng Kông. Cuộc triển lãm mới nhất của sơ được tổ chức phối hợp với Trung tâm Thính Thị Giáo phận Hồng Kông, kết thúc vào ngày 20-5.
51 tác phẩm màu nước, sơn acrylic, tranh thủy mặc và hỗn hợp, chủ yếu tập trung vào chủ đề Chúa Giêsu, Đức Mẹ Đồng Trinh, thiên thần và đám cưới tại Cana, thể hiện tình thương, lòng thương xót và các mối liên hệ tốt đẹp.
Các bức họa nổi bật bao gồm bức The Merciful Grace (Ơn Lòng Thương Xót), một tác phẩm sơn acrylic có kích thước 160 x 120 cm, được vẽ trong 10 phút tại một buổi hòa nhạc và loạt bức vẽ về Đám cưới tại Cana bằng sơn acrylic bao gồm 3 bức vẽ về đám cưới theo kiểu Hồng Kông.
Cuộc triển lãm sẽ được chuyển đến nhà thờ chính tòa Mẹ Chúa Hài Đồng ở Ma Cao vào tháng 6.
Sơ Marie hy vọng các tác phẩm của mình sẽ giúp mọi người đáp lại tiếng Chúa gọi và bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của họ. Sơ khuyến khích khách tham quan chiêm ngắm Chúa Kitô và gặp gỡ Chúa trong khi tham quan buổi triển lãm.
Sơ Marie sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ ở Pháp và học nghệ thuật thị giác tại trường đại học.
Vào một đêm Giáng sinh, trời đổ mưa trong lúc viếng thăm thành phố Brussels ở Bỉ, sơ đến một con hẻm và thấy một bức tranh phấn màu vẽ hình Đức Mẹ Đồng Trinh với hài nhi Giêsu dường như đang phát sáng trong mưa.
“Lúc đó tôi không sùng đạo cho lắm và thậm chí còn tránh xa Giáo hội. Nhưng khi nhìn thấy bức tranh, tôi choáng váng khi nhận ra Ngài vẫn luôn tìm kiếm tôi và nói chuyện với tôi bằng thứ ngôn ngữ tôi dùng trong hội họa, mặc dù tôi xa cách Ngài”, sơ Marie chia sẻ.
“Tình yêu tuyệt vời của Ngài ở khắp mọi nơi. Trước đây tôi từng yêu, nhưng chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu mãnh liệt như tình yêu của Ngài, vốn có thể biến đổi mọi thứ. Dường như bạn gặp được sự tha thứ”.
Sau khi tốt nghiệp, sơ Marie làm giáo viên mỹ thuật. Tuy nhiên, ý thức được tiếng gọi đi tu trong lòng, sơ từ bỏ nghệ thuật và trở thành nữ tu ở tuổi 23.
Sơ toàn tâm toàn ý dành đời mình phục vụ cộng đoàn và không hề cầm cọ vẽ trong 11 năm sau đó.
Nhiều năm sau, sơ đến Philippines làm việc trong một trường giáo dưỡng giới trẻ, tại đây sơ được chỉ định tổ chức các hoạt động hội họa. Sơ phát hiện hội họa mang lại sức mạnh mới cho nhiều người trẻ và họ có được một cuộc sống mới.
Sau đó sơ nghe Chúa nói một lần nữa: “Con dùng nghệ thuật giúp đỡ người khác thật là tốt, con nghĩ sao?”.
Sơ lại cầm cọ lên và bắt đầu vẽ. Gần 2 năm sau, sơ được gọi về Pháp và hoàn thành chương trình thạc sỹ về thần học. Luận văn của sơ nói về nghệ thuật và thần học.
Sau khi tốt nghiệp, cộng đoàn sai sơ đi thuyết giảng và tham gia nghệ thuật. Sơ tập trung quảng bá nghệ thuật Công giáo để thăng tiến đời sống đạo đức và chia sẻ niềm vui Phúc Âm, khích lệ mọi người ngợi khen Chúa và gặp gỡ Ngài thông qua nghệ thuật.
Cảm hứng sáng tạo của nữ tu xuất phát từ trải nghiệm trong cuộc sống và lời cầu nguyện nhưng chủ yếu từ Lời Chúa.
Sơ Marie miêu tả trải nghiệm của mình là tiếng gọi trong tiếng gọi. Sơ đi đến nơi nào Chúa muốn sơ đi rao giảng những giá trị chung về mối quan hệ tốt đẹp, đức tin, niềm hy vọng, tình thương và tình yêu với các tín hữu và người không tín ngưỡng vì sự sáng tạo của sơ chứa đựng sứ mạng truyền giáo.
Trong bài phát biểu khai mạc tại buổi triển lãm, sơ nói: “Cuộc sống của chúng ta là một chuyến hành hương, một cuộc hành trình liên tục cho đến khi ta tìm thấy sự yên nghỉ trong Chúa.
“Trong cuộc hành hương này, nghệ thuật có một sứ mạng đặc biệt. Nó biến cái vô hình thành hữu hình. Nghệ thuật diễn tả ân sủng và phép lành qua ánh sáng và màu sắc; nó giúp chúng ta cảm nghiệm được đức tin”.
“Sáng tạo nghệ thuật còn là một môn học về sự linh hoạt của trái tim. Tôi tin rằng nghệ thuật là sứ mạng của tôi. Tôi chia sẻ cuộc hành trình của mình là người đi tìm kiếm vô cực, tìm kiếm Chúa”.
Nguồn: vietnam.ucanews