Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (14.01.2016) – Người mắc bệnh phong cùi trong xã hội Do thái xưa kia dù có sống thì cũng bị coi như đã chết. Họ bị coi là nhơ uế và tội lỗi (Ds 12, 10 – 15; Đnl 28, 27; 2 V 5, 25 – 27) và bị loại ra khỏi cộng đoàn để khỏi làm cho người khác bị nhơ uế theo (Lv 14, 45 – 46). Nếu họ được chữa lành khỏi căn bệnh đó, thì chẳng khác nào họ coi như đã chết mà nay được sống lại (Ds 12, 10 – 12; 2 V 5, 7).
Trong bài Tin mừng thứ Năm tuần I Thường Niên hôm nay, Chúa đã chữa lành cho một người phong cùi, nghĩa là đưa anh ta từ cõi chết trở về cõi sống. Với tất cả lòng chạnh thương trước nỗi khốn khổ của anh ta, Chúa đã sẵn sàng mở rộng vòng tay đón anh về lại cuộc sống. Đang khi mọi người sợ bị nhơ uế mà không dám tiếp xúc với anh ta, thì nay Chúa đã đưa tay ra và chạm đến anh. Cánh tay chất chứa lòng xót thương của Ngài đã nối kết giữa sự thánh thiện, tốt lành của Thiên Chúa với tình trạng bị coi là nhơ uế, tội lỗi của con người. Sự thánh thiện của Thiên Chúa đã thánh hóa tình trạng nhơ uế, tội lỗi của con người.
Lẽ ra người phong cùi theo luật thì phải kêu lên “nhơ uê, nhơ uế” để Chúa tránh xa mình, nhưng đằng này lại phủ phục trước Ngài và chấp nhận để cho Ngài đụng chạm đến mình.
Bạn và tôi cũng có khi ngập ngụa trong nhơ uế, tội lỗi. Chúng ta có dám tiến gần Chúa và chấp nhận cho Ngài đụng chạm đến ta hay không? Hay là ta cứ ở lỳ trong sự nhơ uế, hoặc vì mặc cảm tội lỗi, xấu xa mà ta chạy trốn Ngài?