Từ Hà Nội có người nhắn tin cho tôi biết cha Hùng vừa qua đời. Tôi giật mình và tự hỏi không biết ngài bị làm sao mà ra đi nhanh vậy. Tôi biết ngài, bố mẹ và các anh chị em ngài từ năm 1987 khi tôi gia nhập DCCT Thái Hà. Hai năm sau ngài cũng xin Cha Già Bích cho nhập bọn với chúng tôi. Ngài là người con của DCCT và giáo xứ Thái Hà. Ngài là người đầu tiên của giáo xứ Thái Hà đi tu sau năm 1954 và cũng là người đầu tiên của giáo xứ Thái Hà làm linh mục của TGP Hà Nội. Nhớ đến ngài, tôi có thể nói ngay, theo hiểu biết của tôi, ngài là người có lòng đạo đức, rất kiên trì nhẫn nại và nhiệt thành phục vụ.
Tôi cảm phục về lòng đạo đức của ngài. Vào cuối những năm 80, tôi thấy dường như ngài có mặt ở nhà thờ Thái Hà hàng ngày. Ngài coi nhà thờ Thái Hà như nhà mình. Tôi có cảm tưởng như vậy. Tôi thấy ngay khi còn trẻ, tay ngài hay cầm tràng hạt đi lại tư lự trong vườn tu viện và trước hang đá Đức Mẹ. (Ai ở Thái Hà thì biết trước năm 1993 cái sân nhà thờ hiện nay là cái vườn nhỏ có dựng thánh giá ở giữa và hang đá Đức Mẹ Lộ Đức thì ở cạnh tháp chuông bây giờ). Tôi không quên được cái cách mà mỗi lần ngài vào nhà thờ, quỳ gối, lấy nước thánh làm dấu thánh giá. Tất cả đều toát lên một vẻ gì đó tự nhiên và thành kính lạ lùng. Ngài đặc biệt có lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Khi đã làm linh mục và làm cha phó nhà thờ Chính Tòa, ngài vẫn trở về nhà thờ Thái Hà làm lễ kính Đức Mẹ. Lễ đầu tiên vào mỗi sáng thứ bẩy. Khi sang Roma theo học Thần học Luân lý, trường ngài và chỗ ngài ở thuộc ngoại thành, vậy mà thứ bẩy nào ngài cũng lặn lội đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở trung tâm thành phố để dâng lễ kính Đức Mẹ. Ngài không bỏ thứ bẩy nào. Thầy Nguyễn Đức Huỳnh là người làm việc ở đấy nói cho tôi biết vậy. Trong đời tu, có lúc ngài gặp khủng hoảng. Hồi năm 2001, sau năm thực tập mục vụ, ơn gọi của ngài cũng bị chao đảo vì một số thử thách bên trong bên ngoài. Tôi thấy ngài phờ phạc và tóc bạc đi nhiều. Một số người trong đó có Cha Bề trên Hiên cũng lo không biết ngài có tiếp tục tu nữa hay không. Ít bữa sau tôi thấy ngài đi hành hương Đức Mẹ La Vang. Rồi khi trở về ít hôm thì ngài vào lại Chủng viện. Tôi biết là nhờ lòng đạo đức, đặc biệt là lòng yêu mến Đức Mẹ mà ngài đã vượt qua thử thách và trung thành với ơn gọi tu trì.
Tôi cảm phục tính nhẫn nại của ngài. Năm chị em trong gia đình ngài (Thanh-Tiến-Liên-Hùng và Kim Anh) đều là thành viên của ca đoàn Thái Hà. Hồi năm 1989 ca đoàn có chị Phượng và anh Bình biết chơi đàn. Đột nhiên chị Phượng bị bệnh, còn anh Bình thì bận công việc nên cũng không có mặt thường xuyên. Cha Già Bích kêu gọi nhóm trẻ học đàn. Cha Hùng có tham gia. Ngài tập đàn rất chậm. Cha Già Bích thấy vậy thì nói với tôi rằng chú Hùng khó có thể học đàn được. Ấy vậy mà ngài thành công nhờ nhẫn nại. Tôi thấy ngài kiên trì luyện tập. Luyện tập vào bất cứ lúc nào có thể. Có khi vã mồ hôi với cái harmonium đạp bằng chân đặt trong nhà thờ. Cuối cùng ngài đã thành công. Đến năm 1991 tôi thấy nhóm học đàn kia chỉ còn lại anh T và ngài và cả hai đều đã đã đệm được đàn cho ca đoàn. Hầu hết những người khác, dù nhanh, nhưng thiếu kiên trì nên đã bỏ ngang cả. Ngài cũng nhẫn nại như vậy trong việc học tập. Lhi đã làm linh mục, ngài kiên nhẫn trau dồi thêm Anh văn để đi học bên Úc. Sau mấy năm chuẩn bị, cuối cùng kế hoạch đi Úc không thành, rồi các đấng bề trên lại có ý gửi ngài đi học bên Roma. Phải như người khác thì có lẽ sẽ nản chí và bỏ cuộc, nhưng ngài thì không. Ngài không than van mà vui vẻ chấp nhận ý Chúa. Khi tôi hỏi thăm thì ngài nói: “Em bắt đầu học tiếng Ý bác ạ! Có lẽ các đấng bề trên gửi em đi học bên Roma”. Tiếng Ý khó học hơn tiếng Anh và khi ấy ngài chưa biết một từ tiếng Ý nào, nhưng tôi tin ngài sẽ thành công. Quả đúng vậy. Ngài đã nhẫn nại học tập. Cuối cùng ngài cũng thành công. Năm 2014 ngài đã tốt nghiệp tiến sĩ Thần học Luân lý tại Học viện Giáo hoàng Regina Apostolorum.
Tôi cảm phục lòng nhiệt thành phục vụ của ngài. Như đã nói, ngài có mặt ở nhà thờ Thái Hà hầu như mỗi ngày. Tôi có cảm tưởng Ngài coi nhà thờ và tu viện Thái Hà như nhà mình. Ngay cả những lúc không phải giờ lễ giờ chầu, nếu rảnh ngài cũng đến. Và ngài làm bất cứ việc gì: hát lễ, dọn lễ, giúp lễ, dọn bài hát, ghi sổ tạm trú tạm vắng giúp tu viện, tiếp khách, dẫn khách ngoại quốc của Nhà Dòng đi tham quan Hà Nội, Phát Diệm và các tỉnh, vì ngài biết tiếng Anh. Về sau khi đã vào Chủng viện, mỗi kỳ hè ngài và mỗi dịp tết ngài vẫn về lại Tu viện Thái Hà và ở tại đây. Nhà Dòng dành cho ngài một phòng trong tu viện. Ngài ngủ nghỉ tại đây như một tu sĩ của Dòng và làm việc có khi còn hơn một tu sĩ chúng tôi. Lý do là lúc đấy các tu sĩ DCCT như chúng tôi, Thật-Phong-Khải, bị nhà nước coi là tu sĩ “chui” và họ cấm chúng tôi tham gia các việc mục vụ ở nhà thờ, trong khi ngài là chủng sinh chính thức nên có thể làm các việc mục vụ trong giáo xứ mà không bị sách nhiễu. Ngài lúc ấy thật đắc dụng, vì Thái Hà có nhiều nhu cầu mục vụ. Cha Bề trên Hiên giao cho ngài nhiều việc: Việc dạy giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân, việc giao tiếp đạo đời, việc giúp các em thiếu nhi, etc. Tôi thấy ngài tận tình làm việc và không nề hà bất cứ việc gì. Ngay cả những việc ngài chưa quen ngài vẫn can đảm nhận lời và tìm cách chu toàn bất chấp lời khen tiếng chê. Chưa bao giờ tôi thấy ngài than van với tôi về một công việc nào. Ngài là con người đáng để tôi bắt chước.
Thêm mấy chuyện vặt
Tại sao cha Hùng không đi tu DCCT? Năm 1989 sau khi tốt nghiệp PTTH thì cha Hùng đến xin đi tu với cha Già Bích, Bề trên-Chính xứ Thái Hà. Lúc đấy trong tu viện chỉ có Cha Già và tôi. Tôi ở đấy với tư cách là cháu giúp ông lúc tuổi già, còn mấy anh em dự tu khác, Triều cũng như Dòng do Cha Già Bích phụ trách, thì mỗi tháng mới tụ về Thái Hà một lần tĩnh tâm. Trong một bữa ăn Cha Già nói: “Này chú Khải, chú Hùng có ý muốn xin vào đây tu với chú thì chú tính sao?” Tôi trả lời: “Thưa Bố, con làm sao biết được. Nhưng nếu có chú Hùng, người ở Thái Hà mà vào Dòng ở nữa thì vui!”.. Thực sự lúc đó trong nhà chỉ có Cha Già và tôi nên tôi phải làm việc vất vả hơn trâu cầy. Mùa hè mà nhiều ngày không đủ thời gian tắm giặt. Rồi mấy hôm sau, cũng trong bữa ăn, Cha Già Bích nói: “Chú Khải à, về việc chú Hùng ấy mà, Bố suy tính rồi, Bố thấy có lẽ chú Hùng đi tu Triều thì tốt hơn. Bố sẽ nhận chú ấy và hướng dẫn chú ấy tu. Hàng tháng chú ấy cứ đến đây tĩnh tâm và ăn cơm với chú và các anh em dự tu. Nhưng bố hướng dẫn và giúp chú ấy vào chủng viện”. Cái này thì Cha Già Bích có định hướng đúng. Cha Hùng đã làm linh mục trong TGP Hà Nội và làm một linh mục rất tốt, rất mẫu mực theo như tôi thấy.
Lễ tạ ơn linh mục của cha Hùng- tôi ăn theo. Tu viện Thái Hà coi cha Hùng như con. Ít bữa sau Tu viện tổ chức thánh lễ tạ ơn cho ngài tại nhà thờ Thái Hà. Hôm đấy, không biết Chúa Thánh Thần tác động thế nào khiến Cha Bề trên Hiên hết sợ. Lúc cha Hùng và các cha cùng lớp mặc áo lễ chuẩn bị tiến ra nhà thờ, cha Bề trên nói với tôi: “Hôm nay Khải mặc áo lễ vào và xếp hàng đi lên đồng tế chung!”. Đấy là lần đầu tiên tôi xuất hiện trước công chúng ở Hà Nội với tư cách là linh mục, khiến nhiều người ngỡ ngàng vì không biết tôi chịu chức lúc nào. Khi nghe Cha Bề trên nói thế thì tôi rất ngạc nhiên vì hồi ấy ngài rất nhát và rất cẩn trọng trong những quyết định kiểu như thế này. Về sau tôi nghĩ có lẽ hôm đấy nhân dịp lễ tạ ơn của Cha Hùng, Cha Bề trên Hiên muốn gửi một thông điệp hy vọng cho cộng đoàn rằng: Cũng như TGP Hà Nội, DCCT Thái Hà nay cũng đã có tân linh mục nhằm gia tăng thêm niềm vui cho giáo dân. Cũng có thể là vì khi ấy Cha Già Bích đã tuổi cao sức yếu không biết còn sống được bao lâu, nên Cha Bề trên Hiên muốn trong thánh lễ tạ ơn ấy có sự xuất hiện của cả hai linh mục Triều-Dòng- vốn là những ơn gọi đầu tiên mà Cha Già Bích đã hướng dẫn- để Cha Già cảm thấy an vui hơn khi nhìn về tương lai của DCCT Thái Hà và của TGP Hà Nội. Có thể như thế chăng?
Về cung giọng của cha Hùng khi giảng. Lúc cha Hùng mới chịu chức. Khi nghe cha Hùng giảng ở nhà thờ Thái Hà, tôi cũng như mọi người thấy ngài giảng bằng một cung giọng đều đều, rõ ràng, nhưng không to, không nhỏ, không trầm, không bổng, không nhanh chậm, không nhấn nhá. Bài giảng cứ chảy một nước bằng cái cung giọng gần như học sinh vỡ lòng đọc bài tập đọc, dù có ngài không nhìn giấy. Nghe hơi ngộ nghĩnh. Cái cung giọng giảng ấy của ngài, theo tôi có lẽ bắt nguồn từ việc ngài giúp lễ Cha Già Bích. Từ hồi năm 1987 Cha Già bị mờ mắt và không còn đọc được. Vì thế mỗi khi làm lễ phải có người đọc trước và ngài lập lại theo. Nhiều người giúp cha Bích làm lễ, trong đó có những người khá thường xuyên như ông Vịnh, ông Đang và tôi, nhưng tôi thấy khi ấy chỉ có cha Hùng giúp là cha Già Bích ưng ý nhất. Cái hay của cha Hùng là ngài vừa nhìn sách lễ, vừa ghé vào tai cha Bích mà đọc. Đọc vừa đủ to để Cha Già nghe được mà lại vừa nhỏ để tiếng của ngài không vọng vào micro. Đọc vừa đủ chậm để Cha Già có thể lập lại chính xác trong micro một cách liên tục mà câu chữ lại không rời rạc đến nỗi giáo dân phải chia trí. Ngài đọc làm sao đó để Cha Già có thể lập lại song song mà không cần dừng lại và giáo dân nghe thì thấy như chính Cha Già đang tự mình làm lễ vậy. Có lẽ chính cái kiểu đọc này của ngài từ lúc làm chú giúp lễ về sau đã ảnh hưởng đến cách giảng lễ của ngài khi làm linh mục. Không biết những năm sau này thế nào, vì từ năm 2007 khi ngài đi du học thì tôi không có dịp nghe ngài giảng nữa.
Hè năm 2013 trong dịp kết thúc án phong chân phước ĐHY Nguyễn Văn Thuận ở cấp giáo phận tại Roma Đức Giáo Hoàng có tiếp kiến riêng phái đoàn Việt Nam tại Dinh Tông Đồ. Khi kết thúc buổi gặp gỡ thì cũng đã quá 1 giờ chiều. Lúc đó ai cũng vội vàng tất bật và ai cũng đói. Vậy mà khi tôi đang đi chỗ hàng cột Bernini trên Quảng trường Thánh Phêrô với một số giáo dân gốc Thái Hà từ bên Đức sang, thì cha Hùng nhận ra và ngài reo lớn tiếng gọi chúng tôi. Ngài ân cần và vồn vã hỏi thăm từng người. Từ cái nhìn đến lời nói toát lên một vể gì đó rất thân thiện, rất trìu mến, rất hòa đồng, rất cởi mở, rất hạnh phúc, không có gì ra vẻ là ta đây. Xem cách ngài thăm hỏi các giáo dân cũng xứ cũ tôi rất cảm động. Trước lúc chia tay ngài nói với tôi: “Chào bác! Cầu chúc bác mạnh khỏe và hẹn gặp lại bác!”. Không ngờ đấy cũng là lần cuối tôi gặp ngài. Xin Chúa cho ngài được ngài nghỉ yên và xin ngài cầu nguyện cho tôi là người còn lênh đênh giữa biển đời lữ thứ trần gian này./.
Roma ngày 5 tháng 7 năm 2018
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT