Thái Hà (08.12.2018) – Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08.12.2008, 8 giáo dân trong biến cố Thái Hà bị nhà cầm quyền đưa ra xử tại tầng 4 UBND phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầu với cáo buộc “phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng“. Có thể nói, phiên tòa xử 8 giáo dân Thái Hà là đỉnh điểm của việc nhà cầm quyền đàn áp giáo dân trong vụ Tòa Khâm Sứ – Thái Hà hồi năm 2007-2008 và tiếp tục thời gian sau này.
8 giáo dân bị buộc tội là các bà Ngô Thị Dung, Lê Thị Hợi, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn thị Việt, và các ông Lê Quang Kiện, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải, Phạm Chí Năng.
Nhân đúng 10 năm ngày diễn ra phiên tòa lịch sử này, chúng tôi gửi tới quý vị và các bạn bài tường thuật của Trà Mi trên RFR về phiên tòa.
…………………….
Diễn tiến phiên tòa xử 8 giáo dân Thái Hà
Trà Mi, phóng viên RFA
Diễn biến trong phiên xử như thế nào? Những điểm nào đặc biệt đáng chú ý trong phiên xử đó? Trà Mi trao đổi với bị cáo và thân nhân của họ có mặt tại toà hôm nay sau khi phiên xử kết thúc.
Xử kín
Ông Phạm Văn Không, chồng bị cáo Ngô Thị Dung, thuật lại: “Sau vấn đề này gọi là công khai nhưng thực chất là phòng xử kín, mỗi một gia đình nạn nhân chỉ cho phép được một người thôi ạ.”
Trà Mi: Và vì sao mà ông nghĩ rằng đây là phiên toà kín?
Ông Phạm Văn Không: Chưa có một phiên toà nào mà họ đặt máy dò soi tất cả những ai vào dự phiên toà như là mình đi qua cửa hàng không đấy à, cửa sân bay đấy. Mà cái máy thiết bị có uy thế và họ rà khắp từ trên người xuống.
“Chưa có một phiên toà nào mà họ đặt máy dò soi tất cả những ai vào dự phiên toà như là mình đi qua cửa hàng không đấy à, cửa sân bay đấy. Mà cái máy thiết bị có uy thế và họ rà khắp từ trên người xuống.” Ô. Phạm Văn Không
Trà Mi: Số lượng tham gia phiên toà có đông không, thưa ông?
Ông Phạm Văn Không: Toà đặc kín nhưng mà toàn là những người như hưu trí, tổ trưởng, tổ phó, thành phần không ưa gì tôn giáo, và họ đến đấy để họ cản trở công việc của mình, gần như một cuộc đấu tố 8 người giáo dân đấy.
Trà Mi: Vâng. Ông nói đấu tố tức là họ cũng có tham gia phát biểu ý kiến hay sao?
Ông Phạm Văn Không: Không ạ. Ví dụ như lời luật sư bào chữa cho bị cáo thì họ có vẻ họ bác bỏ.
Trà Mi: Tức là họ có tỏ thái độ phản ứng ngay trong phiên toà?
Phạt cảnh cáo…
Ngay sau khi phiên tỏa kết thúc, ông Lân, chồng bị can Lê Thị Hợi, cho biết thêm:
Ông Lân: Hôm nay như vậy là buổi sáng 8 giờ cho đến lúc 12 giờ, rồi buổi chiều làm từ 1 giờ rưỡi đến khoảng 3 giờ là xong rồi. Có 3 loại hình phạt. Thứ nhất là phạt tù nhưng cho hưởng án treo và kèm theo hai mươi mấy tháng hay ba mươi tháng gì đó về thử thách. Thế còn một cái loại phạt cải tạo không giam giữ; nếu anh bị giữ 1 tháng thì anh được trừ đi 3 tháng. Thế còn trường hợp cháu Hải là cảnh cáo.
Trà Mi: Những ai chịu hình phạt thứ nhứt và hình phạt thứ hai gồm những ai, thưa ông?
Ông Lân: Hình phạt thứ nhất là cô Nhi. Cô Nhi như vậy là 15 tháng tù, 24 tháng thừ thách, nhưng cho hưởng treo. Cô Dung 13 tháng tù, 22 tháng thử thách, cho hưởng treo. Ông Kiện 13 tháng tù, 22 tháng thử thách, cho hưởng treo. Bà Việt 12 tháng tù, 24 tháng thử thách, cho hường treo. Bà Hợi 15 tháng cải tạo không giam giữ, đã nhốt 29 ngày thì còn khoảng 12 tháng nữa thì hết. Ông Năng 12 tháng cải tạo không giam giữ, chỉ còn phải thi hành 11 tháng nữa. Hùng 12 tháng cũng trừ đâu được mười mấy ngày. Thế còn ông Hải thì coi như là phạt cảnh cáo. Tất cả các bài bản đều sắp hết cả rồi. Viện Kiểm Sát tổ chức lại thì cũng không đối nổi với luật sư, nhưng họ không sửa mà cứ giữ nguyên thôi.
Trà Mi: Thưa ông, tại phiên toà có giáo dân tham gia không ông?
Ông Lân: Chỉ có gia đình được vào thôi ạ. Gia đình chỉ được có một người thôi ạ. Giáo dân không được vào. Có vài ngàn người không được vào nhưng mà người ta yêu cầu phải thả, người nói là họ vô tội mà tại sao lại phạt. Còn cảnh sát , trật tự, rồi đặc nhiệm gì đấy thì ôi thôi nhiều lắm chị ạ.
Trà Mi: Thế ông nhận xét phiên toà này thì ông thấy có những đặc điểm gì mà ông muốn chía sẻ với công luận không?
“Tôi thấy rằng luật sư Lê Trần Luật có nói là cần phải nói tới nguồn gốc đất thì nó mới xảy ra sự việc của giáo dân người ta vi phạm, nhưng mà toà không cho nói.” Ông Lân
Ông Lân: Tôi thì thấy rằng luật sư Lê Trần Luật có nói là cần phải nói tới nguồn gốc đất thì nó mới xảy ra sự việc của giáo dân người ta vi phạm, nhưng mà toà không cho nói. Họ chỉ dựa trên văn bản là đất thuộc quyền sở hữu nhà nước thì nhà nước muốn như thế nào là quyền của nhà nước.
Trà Mi: Thế còn những lập luận mà luật sư đưa ra thì phía toà có…
Ông Lân: Viện Kiểm sát phản bác, nhưng mà phản bác thì không rõ nét được.
Trà Mi: Thưa ông, còn phía bên toà thì có những luận điểm nào của toà đưa ra mà phía bị can hoặc là người thân của bị can có những thắc mắc bức xúc không?
Ông Lân: Nói chung là tất cả 8 bị cáo này người ta đều phản đối, mặc dù trong công an bảo là người ta nhận, nhưng ra đây người ta bảo là vì bức tường đó không còn nữa thì không thể phạt người ta được. Cái bức tường nhà nước đã phá đi rồi thì không phạt được. Nhưng mà toà vẫn cứ lập luận theo sự buộc tội của công tố viên và họ kết tội thôi. Ví dụ người ta đưa ra cái đất thì toà bác đi không cho nói và bảo nếu muốn làm như vậy thì vào phiên toà khác, phải đi mà khiếu nại.
Vẫn còn bức xúc
Trà Mi: Bây giờ với những bản án, kết qủa của phiên toà này, thì ông là người thân của bị cáo thì ông có cảm nghĩ như thế nào? Ông muốn chia sẻ không?
Ông Lân: Ở Việt Nam có những cái mà mình không thể hiểu được. Với luật pháp này thì mình có nói cũng không ăn thua, không giải quyết được cái gì cả. Nó không phải là cái luật như các nước mà mình có thể khiếu nại đòi sự công bằng.
Bản thân các bị cáo nhận xét ra sao về phiên toà và các bản án dành cho họ? Trà Mi hỏi thăm bà Ngô Thị Dung, một trong hai bị can bị biệt giam kể từ ngày 24/9:
Trà Mi: Tại phiên toà ngày hôm nay bà có được dịp lên tiếng để mà nói lên những điều mình muốn trình bày không?
Bà Ngô Thị Dung: Dạ ngắn gọn lắm ạ, toà không cho nói nhiều.
Trà Mi: Thế bà có những bức xúc gì mà bà muốn phản ánh sau phiên toà này không?
Bà Ngô Thị Dung: Trong phiên toà này xét xử thì tôi cũng không có bức xúc gì nhưng mà trong thời gian tôi bị tạm giữ thì tôi có nhiều bức xúc quá, tức là trong cuộc điều tra này người ta ép cung tôi quá nhiều, không dùng bạo lực nhưng mà dùng nhiều lời lẽ xúc phạm, không những xúc phạm đến tín ngưỡng tôn giáo của tôi mà còn xúc phạm đến bản thân tôi nữa. Tôi nói thật là tôi rất bức xúc trong thời gian tạm giữ.
Trà Mi: Kết qủa phiên toà ngày hôm nay, hình phạt đối với bà thì bà có cảm nghĩ gì, muốn chia sẻ hay không?
Bà Ngô Thị Dung: Tức là phạt tôi 15 tháng án treo nhưng mà tôi cảm thấy vẫn chưa thoả đáng với tôi bởi vì tôi vẫn nghĩ rằng phải xét xử tôi về dân sự chứ không thể xét xử tôi theo hình sự được.
“Đây là một mức án rất nhẹ, phải nói là rất nhẹ, mà chưa từng có, tức là cải tạo không giam giữ và cảnh cáo thôi, nhẹ hơn án treo.” LS Lê Trần Luật
Trà Mi: Ngay sau phiên toà, Luật sư Lê Trần Luật, người tham gia biện hộ cho các bị cáo, cho chúng tôi biết các bản án như sau:
LS Lê Trần Luật : Tức là người ta vẫn kết án hai tội nhưng người ta chỉ phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ, tức là đã được tự do hết. Đây là một mức án rất nhẹ, phải nói là rất nhẹ, mà chưa từng có, tức là cải tạo không giam giữ và cảnh cáo thôi, nhẹ hơn án treo, tức là 2 người án treo, 4 người là cải tạo không giam giữ và 1 người là cảnh cáo.
Phiên tòa xét xử 8 giáo dân Thài Hà
(bài của Trà Mi, Thiện Giao RFA, đăng trên RFA ngày 05.12.2008)
Dư luận đang hướng về phiên toà với rất nhiều câu hỏi đựơc đặt ra rằng liệu các bị can này có tìm được luật sư can thiệp và người thân của họ có được phép tham dự buổi xét xử hay không.
Kiểm soát hạn chế số người tham dự
Mặc dù phiên toà đựơc gọi là xét xử công khai, nhưng đơn của các linh mục, tu sĩ nhà thờ Thái Hà xin phép tham dự phiên xử đã bị chính quyền công khai từ chối.
Linh mục Nguyễn Văn Thật từ nhà thờ Thái Hà:
Mặc dù phiên toà đựơc gọi là xét xử công khai, nhưng đơn của các linh mục, tu sĩ nhà thờ Thái Hà xin phép tham dự phiên xử đã bị chính quyền công khai từ chối.
Linh mục Nguyễn Văn Thật
“Các linh mục có làm đơn xin dự phiên toà nhưng người ta trả lời là không có chỗ cho các linh mục dự. Họ trả lời bằng văn bản của Toà án nhân dân quận Đống Đa và chánh án Trần Hồng Nhân.
Họ nói là xử vụ này là công khai, vì phòng không đủ chỗ và các giấy mời đã phát hết rồi, nên không có chỗ cho các linh mục và tu sĩ. Nguyên văn họ trả lời như thế. Dự phiên toà họ chỉ mời một mình linh mục Phụng thôi.”
Hỏi thăm người thân các bị can, chúng tôi được biết có người được đồng ý cho tham dự phiên toà như trường hợp của gia đình anh Thái Thanh Hải:
‘Tôi là mẹ của cháu Hải. Gia đình được tham dự. Họ bảo cứ đến đấy rồi vào dự thôi, còn đến ngày ấy thì cũng không biết thế nào cả.’
Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Việt. Ông Minh chồng bà Việt khẳng định:
“Có ạ. Tôi là chồng và một đứa con gái, họ cho có 2 người vào thôi.”
Gia đình bị can không được thông báo ngày giờ phiên tòa
Tuy nhiên cũng có những trường hợp mà gia đình của bị can thậm chí không được chính quyền thông báo ngày giờ, địa điểm của phiên toà xét xử người thân của họ, như lời thuật lại của anh Thanh, con trai bà Ngô Thị Dung:
“Từ 24/9 tức ngày mẹ tôi bắt đầu ra công an trình diện đến bây giờ chúng tôi cũng chưa có một tin tức nào về mẹ tôi, chưa được thăm gặp hay liên lạc gì, chỉ được phép gửi quà hàng tuần thôi. Đặc biệt gia đình tôi không được chính quyền thông báo ngày xét xử.
Tất cả thông tin chúng tôi biết được về phiên toà do chúng tôi tìm hiểu qua báo chí trên mạng và qua những người sắp bị xét xử mà được tại ngoại. Hiện tại gia đình tôi chưa có được giấy mời hay một thông tin, hay một cuộc gặp gỡ nào với phía chính quyền về ngày xét xử mẹ tôi.
Gia đình tôi sẽ đến dự phiên toà nhưng cũng không chắc đựơc là có đựơc vào không. Tôi nghĩ là rất khó khăn. Luật sư Lê Trần Luật sẽ tham gia bào chữa cho mẹ tôi.”
Người thân của ông Lê Quang Kiện cho biết:
“Em thì nghe nói là phải có đơn xin phép thì người ta mới cho tham dự. Không biết là ra đấy người ta có cho vào hay không.”
Ông Lân, chồng bị can Lê Thị Hợi cũng xác nhận điều tương tự:
“Kể cả tôi là chồng mà hiện nay cũng không thấy có giấy báo nào, chẳng nghe người của toà nói là phải làm đơn gì cả.”
Luật sư Lê Trần Luật ở miền Nam, người nhận lời bênh vực cho anh Hải và bà Việt trong phiền toà này bức xúc:
“Vấn đề là ở chỗ toà án xét xử công khai nhưng người ta vẫn cố tình hạn chế số lựơng người tham gia. Trừ luật sư và bị can ra, những người còn lại nếu muốn tham gia phải xin phép của toà. Đây là điều trái pháp luật và vi hiến. Chúng ta đang mong muốn nhà cầm quyền tuân thủ pháp luật nhưng đó là điều rất khó trong một chế độ độc tài.”
Trong số 8 bị can bị đưa ra xét xử vào ngày 8/12 tới đây về tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản, ngoài anh Hải và bà Việt được luật sư Luật đại diện, bà Dung cũng đựơc luật sư Kim Hương tại Hà Nội nhận lời giúp đỡ. Luật sư Luật cho biết thêm:
“Hai bị cáo bị tại ngoại nên việc tiếp xúc với họ cũng dễ dàng, không có vấn đề gì. Có một luật sư bào chữa cho chị Dung đó là luật sư Hương ở Hà Nội đã gặp chị Dung rồi, tiếp xúc với chị rồi.
Tất cả đều có một hành vi giống nhau là xô ngã bức tường mà vào cầu nguyện thôi. Cho nên khi mình bào chữa cho 1, 2 người thì cũng là bào chữa cho tất cả mọi người khác rồi.”
Dù có luật sư, nhưng nhìn vào đầu đuôi sự việc vụ tranh chấp đất tại giáo xứ Thái Hà, người ta không mấy tin tưởng rằng công lý sẽ đựơc tôn trọng tại phiên toà sắp tới. Ông Minh, chồng bà Việt ngao ngán:
“Có luật sư Luật đấy. Cũng không biết đằng nào mà lần. Ở Việt Nam nhiều vấn đề tế nhị lắm, chả hiểu thế nào.’
Ông Lân, chồng bà Hợi góp lời:
“Thật ra tôi thấy các vụ án mà có luật sư bảo vệ cũng có giải quyết đựơc gì đâu. Nếu theo luật thì khác, còn ở đây họ có theo luật đâu. Thì thôi họ muốn làm gì thì làm mình tất cả chỉ vì công bằng, chân lý và sự thật. Mình có phân tích có nói thì chắc cũng chẳng đựơc nói, mà họ quyết thì họ vẫn cứ quyết thôi.”
Dựa vào thực tế và kinh nghiệm hành nghề tại Việt Nam, chính luật sư Luật cũng tỏ ra không mấy lạc quan về phiên toà ông sắp tham gia:
“Trong một phiên toà của nhà độc tài, tôi không lạc quan lắm. Tôi đang bào chữa cho những giáo dân vô tội trước công luận bất chấp nhà cầm quyền và toà án đang hành xử như thế nào. Tuỳ theo kết quả phiên toà, nếu toà kết luận rằng những giáo dân này có tội, điều này phản ánh rằng nhà cầm quyền đang ngày có xu hướng độc tài hơn, chèn ép công lý, sự thật.”
Bày tỏ cảm nghĩ trước thềm phiên toà diễn ra, các bị can và thân nhân của họ chia sẻ:
“Tôi cũng chỉ muốn chia sẻ rằng chúng tôi sẵn sàng đón nhận những gì khó khăn nhất. Dù có thế nào chăng nữa thì chúng tôi vẫn phải yêu cầu sự thật và chân lý phải được hiện diện, nhưng tôi chắc cũng hơi khó. Trong một phiên toà muốn làm gì cũng phải để người ta tâm phục khẩu phục.’’
Thoạt đầu, 8 giáo dân bị truy tố tội « gây rối trật tự công cộng » và « phá hoại tài sản ». Vào khoảng cuối tháng 10, công an quận Đống Đa thông báo các bị can được giảm tội danh « phá hoại tài sản ». Thế nhưng đến nay, tin tức cuối cùng cho biết những người này sẽ ra toà với cả hai tội danh bị cáo buộc như ban đầu.
Phiên xử dành cho 8 giáo dân không diễn ra tại Toà, mà sẽ được tổ chức ở lầu 4 Ủy ban nhân dân phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầm, Hà Nội.
Ngoài ra, phiên xử dành cho 8 giáo dân tham gia vụ đập bức tường ở linh địa Đức Bà trong vụ tranh chấp đất giữa giáo xứ Thái Hà với chính quyền cũng bị dời từ ngày 5 đến ngày 8/12, và không diễn ra tại Toà, mà sẽ được tổ chức ở lầu 4 Ủy ban nhân dân phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầm, Hà Nội.
Phỏng vấn đặc biệt với Bí thư Đảng uỷ phường Ô Chợ Dừa
Biên tập viên Thiện Giao liên lạc với ông Phạm Quang Bình, Bí thư Đảng uỷ phường Ô Chợ Dừa để tìm hiểu nguyên nhân và ghi nhận ý kiến từ phía chính quyền:
Ông Phạm Quang Bình : Tôi là Bình đây ạ.
Thiện Giao : Tôi xin tự giới thiệu tôi là phóng viên của đài Á Châu Tự Do, muốn hỏi về vụ toà sắp xử vụ 8 giáo dân giáo xứ Thái Hà, thưa ông.
Ông Phạm Quang Bình : Dạ vâng.
Thiện Giao : Thưa chúng tôi đựơc biết là phiên xử ngày 8/12 sẽ tổ chức tại Ủy ban nhân dân phường Ô Chợ Dừa. Cho tôi hỏi là tại sao phiên xử không diễn ra ở toà mà lại ở phường ?
Ông Phạm Quang Bình : Dạ cái này hôm nay Ban tuyên giáo thành ủy cũng họp thông tin với các nhà báo đấy.
Thiện Giao : Vâng, lý do chính họ đưa ra là gì ?
Ông Phạm Quang Bình : Tức là Toà án cấp quận không đủ điều kiện xử ạ, bởi vì nó rất nhỏ, mà đây là toà án công khai, do vậy mà muốn ở một vị trí mà tiện cho nhiều người đến dự hơn.
Thiện Giao : Ông vừa nói phiên toà sẽ công khai. Theo thông tin chúng tôi đựơc biết là có một số người phải xin phép mới đựơc dự. Còn các tu sĩ ở Nhà thờ Thái Hà có xin giấy phép mà không được cho, không biết có đúng không ?
Ông Phạm Quang Bình : Về công khai mà nói thì thưa đó là toà án công khai, nhưng do điều kiện hội trường cũng như là khung cảnh, thì nó cũng có những điều kiện, chứ không phải công khai là tất cả mọi người có thể đến dự cả.
Thiện Giao : Mặc dù câu hỏi này chúng tôi nên hỏi bên phía Toà án nhưng sẵn đây, vì ông là Bí thư đảng uỷ của phường, xin hỏi thăm là vì sao tội danh của các bị can bị thay đổi nhiều lần ?
Ông Phạm Quang Bình : Thưa việc này đã do các bộ phận như Toà án cũng như Viện kiểm sát người ta căn cứ vào các hành vi đó, theo quy định của pháp luật, thì người ta đã đặt vào cái khung đó, chứ còn chúng tôi thì không nắm đựơc cụ thể lắm ạ.
Thiện Giao : Thưa ông, hôm rồi phiên xử bị dời ngày, có lý do gì cụ thể ạ ?
Ông Phạm Quang Bình : Cái này thì Toà cũng đã báo với các đương sự rồi. Theo tôi biết thì là do việc sửa chữa hội trường chưa xong, nên dời lại.
Thiện Giao : Có tin cho rằng có thể vụ việc trùng với ngày phong Giám mục Chu Quang Minh, không biết có phải vì như vậy không ?
Ông Phạm Quang Bình : Cái việc đó tôi không được rõ lắm, nhưng theo tin tức thì do việc sửa chữa hội trường chưa xong, đến ngày mùng 7 mới xong. Tôi cũng chỉ được biết thông tin là như vậy. Phiền ông tôi phải đi họp bây giờ.
Thiện Giao : Vâng, xin cảm ơn ông.
Truyền Thông Thái Hà tổng hợp