VOA – Tổ chức Amnesty International (Ân xá Quốc tế) kêu gọi chính phủ Việt Nam điều tra cáo buộc về việc công an tra tấn và hành hung những người đến tham dự đêm trình diễn ca nhạc của ca sỹ đấu tranh dân chủ Nguyễn Tín hồi đầu tuần này tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Các quan chức Việt Nam phải ngay lập tức điều tra các cáo buộc cho rằng một nhóm các nhà hoạt động bị công an tấn công và đánh trọng thương trong khi tham dự một buổi trình diễn các ca khúc thời tiền Cộng sản ở Tp HCM hôm 15/8,” Amnesty International nói trong một thông cáo ra ngày 16/8.
Sau khi ập vào làm gián đoạn buổi diễn, trong đó ca sỹ từng tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu ngày 10/6 Nguyễn Tín trình diễn các tình khúc phi chính trị được sáng tác trước năm 1975, cảnh sát kiểm tra chứng minh thư của người đến dự và sau đó đánh đập ‘dã man’ những khách tham dự và người biểu diễn.
—
Đọc thêm:
LIVE SHOW ĐẠI CHIẾN…
[Nguyễn Đại]
1. Trận chiến
Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản: nếu chúng nó có phát hiện địa điểm thì chương trình đã diễn ra rồi. Thật lòng mà nói, chúng tôi chỉ lo chúng nó biết địa điểm và đe dọa chủ nhân thôi, chứ khi chương trình đã diễn ra, chúng chỉ vào quay phim lập biên bản chứ không thể phá ngang được. Về phía chúng nó, mệnh lệnh bên trên đưa xuống là “bằng mọi giá không để liveshow diễn ra”. Không làm được điều đó coi như thua. Tại sao lại có mệnh lệnh này thì tôi xin giải thích cuối bài. Và giờ.. 2 bên bắt đầu cuộc chiến của mình.
2. Theo dõi đối tượng
Nhìn thoáng qua, công việc của chúng nó quá đơn giản “chỉ việc xem thằng Đại / Tín đặt quán nào và đe dọa chủ quán” là xong. Chúng làm sao ngờ được việc đó được giao cho một anh em khác. Chúng tôi chỉ việc nhận thông tin chốt các khâu tiền bạc, thời gian. Đến tối thứ Hai (13/8), chúng nó bắt đầu sốt ruột và canh gác chung cư chỗ nhà Tín ở. Thật ra, ngay từ chiều hôm đó, linh tính đã mách Tín phải “dạt vòm”. Không theo được Tín, chúng nó chuyển qua tôi.
Trưa thứ Ba, tôi phát hiện ra chúng nó lởn vởn trước công trường. Tôi đoán có 2 khả năng. Một là chúng sẽ theo dõi tôi để dò ra địa điểm, hai là nếu không dò được, chúng sẽ khống chế để tôi không đến được nơi cần đến. Tất nhiên, tôi không thể chấp nhận thua cuộc. Tôi ở lì trong công trường, chúng nó 7 tên ngồi ngoài. Càng về khuya, 2 bên càng sốt ruột… Khoảng 12h đêm, mệt mỏi, tôi ngồi lướt mạng đọc Tam quốc và tôi vô tình thấy một cách mà Gia Cát Lượng đã dùng. Tôi liên lạc với Tín “em thu xếp đồ đạc, ra chỗ này gặp anh”. Tôi gọi tiếp cho một bạn “đến đón anh ở đây…”. Tôi thoát ra được và đến Nhà Bè lúc 1h đêm. Tại đây, tôi tắm rửa, đem quần áo đi giặt, phơi khô và mặc một cái quần rộng gấp… rưỡi bụng. Tín có đồ đem sẵn nên trông khá hẳn. Sẵn ưu thế trẻ trung, hắn ngủ ngon lành; còn tôi thì như thường lệ, luôn mất ngủ khi đến chỗ lạ. Một đêm thức trắng…
Chúng tôi ở lì Nhà Bè đến 4h chiều ngày 15/8 thì bắt taxi vô Thành phố. Đầu tiên là đi ngang công trình. Lúc đó là 5h chiều, mọi người bắt đầu về, bọn chúng nó vẫn đang…canh. Chúng tôi vừa buồn cười, vừa yên tâm là chúng chưa biết gì, và biết chúng đang sốt ruột lắm rồi. Đã gần giờ G mà chưa ra địa điểm, cấp trên chắc đang lồng lộn. Chúng càng sốt ruột hơn khi bên cạnh việc theo dõi thì trước đó “mưu hèn kế bẩn” giả vờ mua vé cũng đã thất bại đau đớn. Chuyện là vầy…
3. Mưu hèn kế bẩn (và ngu)
Để tránh tình trạng đặt chỗ xong không tới, chúng tôi yêu cầu quý khách chuyển tiền vào tài khoản trước, đến ngày hôm đó mới nhắn địa chỉ. Thật ra đây không phải chương trình kinh doanh nên chúng tôi đã tính đến việc khi khách tới coi ca nhạc, chúng tôi sẽ trả lại tiền, quý khách chỉ việc trả tiền nước cho quán. Việc yêu cầu chuyển tiền trước chỉ để quý khách có trách nhiệm đi cho đông đủ. Đồng thời, qua vài tin nhắn, đối tượng nào tỏ ra ngần ngừ chuyển tiền trước sẽ bị đặt dấu hỏi (chỉ là đặt dấu hỏi, chứ chưa kết luận).
Có một đối tượng nằng nặc đòi chính tôi giao vé mời và trả tiền mặt. Ra chỗ hẹn, tôi thấy 2 thanh niên chở nhau, tên ngồi trước đeo khẩu trang, tên ngồi sau mặt mũi rất…an ninh hỏi tôi “cho xem vé”. Cầm tờ vé xem thật kỹ, lật trước lật sau hắn hỏi “sao không thấy địa chỉ”. Ka ka. Lộ mặt rồi nhóc ạ “anh đưa tiền đây, tới ngày đó tôi nhắn địa chỉ cho”. Hai thằng thì thầm bàn nhau cái gì đó và chắc do tiếc tiền nên trả lại tôi “vậy hôm đó anh nhắn tôi địa chỉ. Đến đó tôi đưa tiền luôn”.
Một đối tượng khác còn…ngô nghê hơn. Giả vờ nhắn cho mình “chị chuyển tiền rồi, em nhắn chị địa chỉ đi”. Mình kiểm tra tài khoản thì chưa có. Hỏi lại đối tượng thì 2 ngày sau trả lời “hôm bữa chị nhầm, để chuyển lại”. Lại không có! Đối tượng tung chiêu khác “hay em giao vé cho chị đi, chị ở gần chỗ công trình em nè”. Ka ka. Lại lộ mặt chuột rồi, tự nhiên biết mình làm ở đâu mới ghê!
4. Cay cú làm bậy
Khi đã yên vị trong quán rồi (6h00 tối), chúng tôi mới lần lượt bắn tin ra ngoài cho quý khán giả. Tất nhiên, chúng tôi biết rồi chúng nó cũng biết địa điểm thôi, làm sao dấu luôn được. Việc vô tình hay cố ý để lộ thông tin của 1 trong số gần 100 khách là chuyện rất dễ hiểu. Vấn đề là chúng còn phải tốn thời gian để lập thanh tra liên ngành, tập trung lực lượng về P7Q3 v.v.. Đến lúc đó chương trình đã diễn ra rồi… Đúng như vậy, chương trình được gần 60 phút, chúng nó mới kịp dở trò.
Đấu trí thua, không thể thực hiện mệnh lệnh “bằng mọi giá không cho liveshow diễn ra”, chúng nó cay cú lắm. Nói thật, chỉ cần phá được liveshow, mọi người giải tán là chả có chuyện gì xảy ra. Chả ai bị đánh, chả ai bị bắt, và mãi mãi chúng ta không có tự do. “Chúng ta yếu hơn, ít hơn nhưng phải mưu trí hơn chúng nó”, đó là lời tâm sự của mấy anh em.
Việc đánh đập chúng tôi, chỉ có thể là vì cay cú, vì hận, vì nhục nhã. Cả một bộ máy mà để 2 thằng, một thanh niên ca sĩ và một trung niên kỹ sư qua mặt. Đau lắm chứ!
Thế tại sao chúng nó điên cuồng không muốn liveshow diễn ra. Tôi cũng mới tìm ra được lời giải đáp sau ngày hđó. Chúng ta hãy coi lại những video clip hay hình ảnh Tín trên sân khấu. Đó là hình ảnh một chàng trai đẹp về ngoại hình, đẹp về nhân cách và đẹp về tài năng. Vâng, chân dung một thằng phản động là như thế đấy, và hình ảnh đó sẽ lan tỏa trong quần chúng. Chúng nó không thể chấp nhận được những điều đó. Chúng không dám chấp nhận sự thật!
5 Đất thép thành đồng
Sau khi 2 đối tượng đã như cái mền, chúng nó trói chặt 2 tay ra sau, lục túi cướp hết đồ đạc và chùm túi vải lên đầu. Đến lúc này, tôi chỉ còn dùng được tai để cảm nhận chung quanh. Chúng nó đẩy 2 đối tượng lên xe, tôi lên trước ngồi băng dưới, Tín ngồi băng trên. Xe lăn bánh.
Đầu tiên, tôi đoán sẽ bị đưa vào đồn công an Bộ nào đó để ăn đòn tiếp, chúng bịt mặt chỉ để tôi không biết mình đang ở đồn nào. Nhưng…quái lạ! Xe đi rất lâu, có vẻ ra ngoại thành. Bình Dương? Đồng Nai? Ra đó làm gì. Hay chúng sẽ tống mình vào một trại cải tạo nào đó. Người ê ẩm, bị trói 2, mỗi lần đi qua ổ gà là đau. Thôi kệ, hít thở Yoga để phục hồi sức khỏe đã. Hít chậm, sâu 4 nhịp 1,2 3, 4 thở ra nhẹ nhàng 8 nhịp…
Xe dừng, tiếng mở, đóng cửa băng trên. Vậy là chúng bỏ Tín xuống trước. Xe lại đi. Chà, 2 anh em ở 2 trại cải tạo khác nhau chăng? Nhưng xe chỉ đi chừng 15 phút là đến lượt tôi xuống. Chúng lôi tôi chân mang vớ trên vùng đất nhão nhẹt và dựa tôi vào một cái cột. Không lẽ chúng bắn mình? Lũ điên này có gì nó không dám làm. Sợ…xém nữa đái ra quần, may mà trấn tĩnh kịp. Tự mắng mình “hèn”! Lát nghe chúng nó đề xe chạy… Mình đứng đây đến bao giờ nhỉ? Mắc đái thật thì sao? Lỡ chúng quay lại thấy mình đái ra quần chắc chúng nó hả hê lắm. Loay hoay sao cũng cởi dây và bao trùm mặt ra được: Rừng cao su, vậy là Bình Dương rồi. Lò mò theo ánh sáng đi ra lộ: Phạm Văn Cội, Củ Chi, đất thép thành đồng!
Chọn một hướng đi đại. Cứ chân mang vớ đi bộ. Củ Chi ban đêm vắng hoe. Cầu mong có nhà ai đó còn sáng đèn để xin giúp đỡ. Thỉnh thoảng có xe tải chạy qua, giơ tay nhờ giúp nhưng không ai dừng. Cũng thông cảm cho họ. Nửa đêm có thằng đứng giữa đường, ai dám lại gần… Lại một xe máy chạy ngược chiều, giơ tay cầu may. Xe hơi ngần ngừ rồi chạy tiếp. Đứng thẫn thờ, chỉ muốn quỵ xuống, thì…xe quay đầu. Chàng trai tốt bụng hỏi thăm và giúp tôi gọi điện về nhà, gọi taxi dùm… Chàng trai mập mạp, vui tính trực ca đêm về đang chạy qua nhà bạn gái. Người con của Đất thép thành đồng!
—
CHỈ LÀ MỘT CƠN CHẤN ĐỘNG NÃO
[Pham Doan Trang]
Tôi đã về nhà từ 2h sáng nay (17/8) và không còn chóng mặt hay buồn nôn, chỉ hơi nhức đầu. Bác sĩ nói đó là một cơn chấn động não và cần theo dõi thêm.
Xin chân thành cảm ơn tất cả bà con cô bác, anh chị em, bạn bè đã quan tâm, hỗ trợ, thăm hỏi hoặc trực tiếp chăm sóc tôi.
Nhân viên an ninh lởn vởn rất nhiều trong phòng bệnh, gần như lúc nào mở mắt, tôi cũng thấy họ đứng đó, có lúc đeo khẩu trang, có lúc đang chụp hình bằng điện thoại, mặc dù bệnh viện có nhắc là mỗi gia đình chỉ một người thân ở lại trông bệnh nhân. Điều đáng nói là họ vẫn gây sự và đuổi đánh một số người vào thăm tôi, chẳng hạn đá anh Tuất, tát Dương Lâm, và đuổi, đe dọa em Cao Trần Quân.
Chiếc mũ bảo hiểm bị vỡ mà các bạn thấy trong hình hôm qua là cái mà họ dùng để đánh người. Nửa đêm 15/8, công an chở tôi từ đồn phường 7, quận 3 về bằng taxi. Tới đoạn đường tối họ thả tôi xuống, nói tôi phải tự đi về vì họ có việc phải vào viện gấp thăm người nhà bị tai nạn; tôi vẫn đủ quan tâm để hỏi thăm họ người bị tai nạn có làm sao không. Họ không trả lời mà bảo tài xế táp xe vào lề đường, và cho tôi 200.000 đồng để gọi xe khác. Tôi đương nhiên là cảm ơn và cầm tiền; thật sự là ngoài 200.000 đó, tôi cũng chẳng còn xu nào, họ đã lấy hết mấy trăm ngàn đồng, cả thẻ ATM và chứng minh thư.
Sau đó tôi xuống và đứng bên vỉa hè vẫy xe khác về nhà. Chỉ vài phút sau, có 6 “đồng chí” to cao đi ba xe máy lao đến, bỏ xe xông vào đánh hội đồng. Mũ bảo hiểm bị vỡ là mũ của họ. Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn.
Ở Hà Nội, tôi có thói quen đi lại thường đeo đàn guitar, ngoài việc để tiện chơi thì còn vì một lý do quan trọng là để… đỡ bị tấn công bất thình lình – tôi nghĩ là dù sao công an cũng khó đánh một người đeo đàn. Bây giờ mới biết là công an có xu hướng dùng đồ của chính nạn nhân để đánh nạn nhân, ví dụ như dùng giày của kỹ sư Nguyễn Đại để quật vào mặt anh (anh Nguyễn Đại – kỹ sư xây dựng – là người bị đánh nặng nhất trong liveshow Nguyễn Tín 15/8, cùng với ca sĩ Nguyễn Tín). Tôi cũng được biết là đêm đó, công an đã dùng luôn cây guitar của quán (mà tôi có chơi trước giờ biểu diễn rồi bỏ quên không cất) để đập vào đầu Tín. Đâm ra lại thấy may mà mình không mang đàn theo người.
Cầm chiếc mũ vỡ nát, tôi nghĩ hoặc là đầu tôi quá cứng, hoặc là công an xài mũ rởm. Càng về sau tôi càng ngả về khả năng thứ hai hơn.
Tôi cũng muốn xin lỗi cả những người đã vì tôi mà gặp phiền lụy; sự thực là tôi không bảo vệ nổi chính mình thì làm sao bảo vệ nổi ai! Để khỏi có chuyện không hay xảy ra, kính mong bà con cô bác, anh chị em, bạn bè hạn chế đến thăm, gặp tôi thời gian này. Tấm lòng của tất cả mọi người, tôi xin ghi nhận và không bao giờ quên ơn.
(Hình chỉ có tính minh họa. May mà tôi không mang đàn theo những ngày qua).
Fb: Lm. Lê Ngọc Thanh