Chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Nhật Bản đến Việt Nam được xem như là cơ hội nêu lên vấn đề tự do tôn giáo và chính trị
Một tổ chức nhân quyền quốc tế vừa đề nghị ngoại trưởng Nhật Bản thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam để cho người dân có quyền tự do tín ngưỡng và chính trị khi ông viếng thăm nước này.
Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Taro Kono cùng với phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh sẽ đồng chủ trì phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản vào ngày 13-9 tới đây.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khẩn thiết kêu gọi ông Kono nêu lên mối lo ngại về nhân quyền ở Việt Nam với người đồng nhiệm phía Việt Nam trong đó gồm giới hạn tự do ngôn luận và hội họp, hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, giam cầm những nhà hoạt động dân chủ và vi phạm quyền lao động.
“Những nhà bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ thường bị quấy rối và họ cũng thường bị công an mặc sắc phục hay thường phục tấn công”, HRW cho biết.
“Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thực tế xem các nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền là tội phạm đe dọa an ninh quốc gia”.
Vẫn theo HRW, có ít nhất 130 tù nhân chính trị đang bị giam cầm. Chỉ trong năm nay, ít nhất 28 nhà hoạt động và blogger bị kết án tù dài hạn.
“Nhà cầm quyền theo dõi, quấy rối và dùng cả vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài sự kiểm soát của họ”.
Các tín hữu thuộc các tổ chức tôn giáo độc lập thường bị bêu rếu, buộc phải từ bỏ đức tin, bị bắt giữ, tra hỏi, đánh đập và giam cầm.
Giám đốc vùng châu Á của HRW, Brad Adams viết trong thư gởi ngoại trưởng Kono hôm 9-9 kêu gọi ông thúc dục nhà cầm quyền Việt Nam để các tổ chức tôn giáo tự do hoạt động.
Ông Adams đề nghị ông Kono nhấn mạnh đến việc trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị ngay lập tức.
“Chúng tôi hy vọng ngài bộ trưởng và Nhật Bản đứng về phía những nhà hoạt động cho nhân quyền kiên cường trong cuộc đấu tranh đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người”.
Hôm 9-9 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam cấm nhập cảnh đối với bà Debbie Stothard, tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền. Bà đến Hà Nội tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á, sự kiện với 900 nhân vật tham dự gồm các chính trị gia, doanhh nhân, học giả và các vị lãnh đạo xã hội dân sự từ 12 quốc gia.
Cùng chung số phận với bà Debbie Stothard, ông Minar Pimple giám đốc cấp cao toàn cầu của tổ chức Ân xá Quốc tế cũng bị từ chối visa vào Việt Nam để dự hội nghị trên, thông báo sau đó một ngày của tổ chức này cho hay.
Nguồn: vietnam.ucanews.com