Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (14.9.2015) – Truyện kể rằng, ngày xưa, thời thập tự chinh, anh em Kitô giáo và Hồi giáo thù nghịch, tàn sát lẫn nhau và thánh Phaxicô Assisi muốn có sự hòa giải để kết thúc các cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai bên. Vì vậy, một ngày kia thánh nhân đến thăm vị lãnh đạo Hồi giáo để bày tỏ sự hòa giải. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Hồi giáo muốn thử thách ngài bằng cách rải đầy các cây thập giá ở lối đi vào trong nhà để bắt ngài phải bước lên đó thì mới có chuyện đối thoại, hòa giải. Cứ tưởng thánh nhân quay gót ra về, như ai ngờ đâu ngài vẫn vui vẻ bước lên trên các cây thập giá ấy mà đi vào nhà gặp vị lãnh đạo Hồi giáo kia. Khi vào nhà, vị ấy nhắc lại cho thánh nhân biết rằng thánh nhân đã vừa giẫm đạp lên trên những cây thập giá. Thánh nhân thản nhiên trả lời: “Trên đồi Calvê xưa có tới ba cây thập giá, nhưng chỉ có một cây được gọi là THÁNH GIÁ; tôi vừa bước lên trên những khổ giá mà vào đây gặp ông, chứ tôi không giẫm đạp lên thánh giá!”
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta mừng lễ suy tôn thánh giá Chúa. Mừng lễ này, Giáo hội không suy tôn sự đau khổ, nhưng suy tôn tình yêu và sự hiến mình của Chúa được biểu lộ nơi khổ đau thập giá. Khổ đau hay thập giá tự nó không có giá trị gì; không những thế, ta cần phải vượt lên trên nó để mà sống, để mà bước đi trên đường đời, chứ ta không được phép ưa thích khổ đau.
Nhưng thực tế, đau khổ là điều ta không thể tránh được trong trần gian, bởi lẽ trần gian này đã bị nhuốm màu đen tối của tội lỗi và sự gian ác của chúng ta. Nói cách khác, đau khổ ở trần gian luôn có là do bàn tay con người chúng ta đã dính dáng đến sự yếu hèn và tội ác. Nhưng đau khổ sẽ có giá trị cứu vớt ta nếu trong đau khổ có chất chứa tình yêu và sự hiến mình đích thực. Thật vậy, đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá xưa có giá trị cứu độ nhân loại bởi vì ở trong chính sự đau khổ, nhục hình mà do lòng độc ác, hận thù của con người gây nên cho Ngài, Ngài sẵn sàng đón nhận nó với một tinh thần yêu thương, tha thứ cho đến cùng. Chính lúc con người dùng nhục hình thập giá khổ đau để bôi nhọ, hạ giá Ngài, thì Ngài lấy lòng yêu thương, tha thứ để đáp lại họ. Chính lúc người ta hành hạ, nhục mạ Ngài bằng cách treo Ngài lên trên cây khổ giá, lại là lúc Ngài sẵn sàng yêu thương, tha thứ cho đến cùng bằng cách kêu xin lòng rộng lượng và tình thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên những kẻ đang làm khổ Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ!”
Do bởi tình yêu và sự hiến mình cho đến cùng của Chúa được biểu lộ ra qua khổ đau Ngài phải chịu trên thập giá nơi đồi Calvê xưa, nên thập giá khổ đau đã trở thành THÁNH GIÁ, đã trở thành giá cứu độ chúng ta. Và vì vậy, trong bài Tin mừng hôm này, Chúa cho ta biết: “Như xưa Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.
Hôm nay, suy tôn thánh giá cứu độ của Chúa, bạn và tôi cũng được mời gọi sống yêu thương, tha thứ cho đến cùng trong chính đau khổ, thập giá mà người khác gây ra cho mình. Người khác ở đây có thể là chính chồng, vợ, hoặc con cái, hoặc những người bạn xung quanh mình. Biết đâu đấy, hôm nay có những người vợ đang phải đau khổ, đang phải vác thập giá vì lấy phải người chồng rượu chè be bét, cờ bạc phá phách tối ngày. Nhưng những người vợ đó không vì thế mà loại bỏ người chồng ra khỏi cuộc đời mình được. Trong chính hoàn cảnh như thế, người vợ được mời gọi yêu thương, tha thứ cho chồng mình đến cùng và hiệp dâng chính khổ đau mà mình đang phải chịu với hiến tế thập giá của Chúa mỗi ngày, thì rồi trong chính khổ đau, người vợ có được bình an của Chúa và rồi cũng sẽ có ngày Chúa dùng chính gương hy sinh, nhẫn nại của người vợ mà cảm hóa, thánh hóa người chồng tội lỗi. Cũng vậy, có những người cha người mẹ đang phải chịu vác thập giá khổ đau vì có những đứa con hư hỏng, tội lỗi. Nhưng nếu họ sẵn sàn yêu thương, tha thứ, đón nhận những đứa con đó cho đến cùng, thì rồi một ngày kia Chúa sẽ dùng chính gương hy sinh, nhẫn nại của họ để làm thay lòng đổi dạ những đứa con hư hỏng đó. Thập giá đời ta sẽ trổ sinh hoa trái cứu độ nếu ta biết giẫm đạp hay biết vượt lên trên đau khổ để yêu thương, tha thứ cho người khác đến cùng.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT