“Cô giáo ở Quảng Bình” mấy hôm nay trở thành chủ đề được nhắc đến mọi nơi, mọi lúc.
Khi nghe chuyện đó, ban đầu tôi cảm thấy một cơn giận bùng lên khi nghĩ đến tình huống nếu như đứa trẻ đó là con mình. Nhưng càng theo dõi câu chuyện, diễn biến như một cuộc marathon để xem ai có thể chửi bền, chửi dai, chửi cay nghiệt hơn, thì tôi càng thấy cơn giận đó nguội đi.
Cô giáo đó đã có một hành động bạo lực không thể chấp nhận được đối với một đứa trẻ. Điều đó đúng! Nhưng tôi nghĩ rằng hành động bạo lực đó không quá đặc biệt trong một xã hội thượng tôn bạo lực mà cô đang sống. Một xã hội mà rất nhiều người mong muốn được áp dụng bạo lực với người khác, dù chỉ bằng câu chữ trên mạng.
Hành vi bạo lực của cô giáo Quảng Bình thực chất là gì? Tôi nghĩ đó là sự lạm quyền, một hành vi rất phổ biến trong hầu hết các ngành nghề mà người ta có thể có quyền lực đối với một ai đó. Lạm quyền là một thói xấu căn bản của con người, ở bất cứ dân tộc, văn hoá, thể chế nào. Vì thế, hệ thống luật pháp tốt nhất chính là hệ thống có khả năng chống lạm quyền một cách hữu hiệu nhất. Giáo dục của chúng ta coi trọng thành tích nên nuông chiều quyền hạn của thầy cô. Vì thế, những cô giáo Quảng Bình không phải là cá biệt.
Tôi hiểu, khi nạn nhân là một đứa trẻ thì cảm xúc xã hội dễ bị đẩy lên cao. Đặc biệt, vụ việc này còn rất phản giáo dục khi cô buộc những đứa trẻ phải đánh bạn mình, một hình thức phủ nhận nhân cách của cả một lớp chứ không chỉ riêng mình đứa bé phạm lỗi. Điều đó cũng giống như rất nhiều người trong chúng ta đang chỉ vì lỗi của một cô giáo, dù không phải cá biệt, mà chửi rủa cả một hệ thống giáo dục, với hàng chục vạn thầy cô giáo trên đất nước này.
Một đứa trẻ bị tát và hơn 40 đứa trẻ bị cướp mất nhân phẩm.
Một cô giáo thần kinh, và cả ngành giáo dục bị tổn thương.
Thực ra, đó là sự phóng chiếu của một câu chuyện mà thôi.
Sẽ có nhiều người không thể chia sẻ suy nghĩ này của tôi. Điều đó bình thường, vì chúng ta có những trải nghiệm về cuộc đời khác nhau. Bởi vì có thể tôi may mắn khi các con tôi luôn có các cô giáo tử tế đồng hành.
Con trai tôi không phải đứa trẻ ngoan. Nó nghịch, hiếu động, và rất hay trêu trọc bạn bè. Cô giáo nó thường xuyên phải liên lạc với tôi vì tội lỗi của nó. Nhưng không phải để mách tội nó, mà để khiến tôi bình tĩnh, bớt nóng giận và đừng quá khắt khe với con. Tôi luôn biết ơn cô giáo của con mình vì điều đó.
Tôi nghĩ, khi chọn nghề giáo viên, các thầy cô đều xuất phát từ tình yêu con trẻ. Có điều, bạo lực và thói lạm quyền là một thứ bệnh tập nhiễm.