Thái Hà (16.8.2015) – Trong tư cách là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến, Đức Giêsu mời gọi mọi người đến với Người. Vì chỉ có Người mới làm thỏa mãn cơn đói khát thiêng liêng, đói khát sự sống lại và được hiệp thông vào sự sống sự sống vĩnh cửu của Người.
Nhưng không phải tự sức mình, mà người ta có thể đến với Đức Giêsu. Chỉ những ai biết lắng nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, và được Chúa Cha lôi kéo, thì mới đến với Đức Giêsu. Và ai đến với Đức Giêsu và tin vào Người, Người sẽ đón nhận, không để mất một ai. Điều quan trọng là Người sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.
Sự Sống lại và sự sống chính là Người (Ga 11, 25). Khi mặc khải mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, Đức Giêsu mời gọi người ta tin vào Người, vì Người từ trời xuống, vì Người là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian. Nếu con người muốn sống, cần phải ăn, ai tiếp nhận Người như một của ăn, người ấy sẽ có sự sống đời đời. Và Của ăn thường tồn đem lại sự sống ấy, chính là Thịt – Máu của Người, là chính bản thân Người với trọn vẹn cuộc sống của Người.
Tuyên bố của Đức Giêsu gây sốc cho người Do thái: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”, Nếu “ăn thịt người” đã là một chuyện phi lý, thì “ăn thịt” một kẻ tầm thường như ông này, còn phi lý hơn nữa! Nếu hiểu theo nghĩa ẩn dụ, ăn và uống ở đây chính là việc học hỏi lề luật và sự khôn ngoan, thì còn chấp nhận được, nhưng lời Đức Giêsu lại không bao hàm ý đó.
Trong Kinh Thánh, từ ngữ “ăn thịt ai” diễn tả sự thù nghịch (x. Tv 27,2; Dcr 11,9). Còn việc uống máu bị coi như một việc ghê tởm bị lề luật cấm triệt để. Mặc khải mầu nhiệm cao cả ấy, Đức Giêsu bất chấp sự khinh bỉ, chống đối. Vì ý nghĩa căn bản của “bánh” Đức Giêsu ban tặng, chính là “thịt”, là tất cả bản thân của Người.
Bản thân Người, là Thịt – Máu. Thịt – Máu ấy sẽ chịu sát tế, để ai “ăn” sẽ nhận được sự sống.
Đức Giêsu đã không ngần ngại dùng từ ngữ sống sượng, chói tai, để diễn tả tính hiện thực của bí tích Thánh Thể. Ai muốn được thông phần vào sự sống muôn đời, cần phải ăn thịt Con Người và uống máu Người. Bản thể của bánh, chính là thịt Đức Giêsu, và bản thể của rượu, là máu Người, Đức Giêsu ban tặng chính bản thân, như đã trao ban mạng sống trên thập giá, để cho thế gian được sống. Thánh Thể là tặng phẩm Thần linh, là bằng chứng cao cả về tình yêu Thiên Chúa đối với loài người. Ai đón nhận quà tặng này trong đức tin và lòng cảm mến, sẽ được “ở lại trong” Đức Giêsu, và Đức Giêsu ở lại trong người ấy; Như Đức Giêsu sống trong Chúa Cha thế nào, kẻ ăn Thịt – Máu Người cũng sẽ được sống như vậy (Ga 6, 55-57)
Được thông phần vào sự sống của Đức Giêsu, có nghĩa là được hiêp thông với Người, và cùng Người, được kết hợp chặt chẽ trong sự sống vĩnh cửu của Chúa Cha.
Mặc khải mầu nhiệm cao cả này, Đức Giêsu quy hướng tất cả về Chúa Cha. Đấng chính là nguồn phát xuất ra mọi sự: Người sai Chúa Con đến với nhân loại như “bánh ban sự sống” (6, 32.44), và cũng dẫn đưa những ai được Người tuyển chọn, là những người đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, sẽ đến với Đức Giêsu, trong tư cách là “bánh ban sự sống” (cc. 37.44.65). Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, là nguồn sự sống Thần linh, mà trong tư cách con người, Đức Giêsu đã luôn sống nhờ Chúa Cha, Người cũng thông ban sự sống thần linh cho những ai tiếp nhận Người, trong tư cách là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. “Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
Thật là lời tuyên bố long trọng và hữu lý; Bí tích Thánh Thể là bữa tiệc Chúa Cha thết đãi loài người. Bàn thờ dâng lễ cũng chính là bàn thờ tế hiến và yến tiệc, nơi Thịt và Máu Đức Kitô được dọn ra làm thức ăn thức uống.
Những ai được Chúa Cha lôi kéo, đều được mời gọi đến bàn tiệc này. Lương thực Thần linh này không được dùng để duy trì sự sống trần gian, hoặc ngăn cản cái chết thể lý, nhưng là tiếp nhận sự sống vĩnh cửu ngay lúc này, sự sống này không tan biến đi trong cái chết, mà sẽ được viên mãn trong ngày sống lại.
Bí tích Thánh Thể là bằng chứng cao cả nhất, về tình yêu của Chúa Cha và của Chúa Con đối với nhân loại, là bảo chứng về sự sống đời, là bảo đảm cho ta luôn được ở trong Chúa, trong tình trạng ân phúc, cho đến khi triển nở thành vinh quang trong cuộc sống vĩnh cửu. Trọn vẹn ý nghĩa và những giá trị ấy, đã có ngay bây giờ, lúc này, khi ta lên đón nhận Mình thánh Chúa Kitô.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT