Thái Hà (01.8.2015) – Ngày 01.8 hàng năm, các tu sĩ DCCT trên toàn thế giới cùng với Giáo hội cử hành lễ thánh Anphongsô, Đấng sáng lập Nhà Dòng. Thánh Anphongsô cũng được Giáo hội chọn làm bổn mạng của các nhà thần học luân lý và các cha giải tội.
Mỗi khi nói về thánh Anphongsô, các nhà giảng thuyết hay đề cập đến ba “cuộc xuất hành”, hay ba “cuộc trở lại” trong đời ngài. Đây là ba bước ngoặt lớn trong đời của thánh nhân để ngài trở nên một vị linh mục, rồi quy tụ anh em cùng chí hướng lập dòng lo cho người nghèo với tấm lòng của một vị mục tử đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thánh Anphongsô với các tu sĩ trong Dòng
Cuộc xuất hành thứ nhất, hay bước ngoặt thứ nhất trong đời của thánh Anphongsô là biến cố ngài rời bỏ pháp đình để dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục.
Thánh Anphongsô sinh năm 1696 trong một gia đình quý tộc. Gia đình, nhất là người cha của ngài mong Anphongsô – người con trai đầu có thể thành đạt làm vẻ vang dòng tộc. Ước vọng ấy của gia đinh dường như đã thành hiện thực khi mới 16 tuổi, Anphongsô đã đậu bằng tiến sĩ cả luật đạo lẫn luật đời. Ngài gia nhập giới luật sư của vương quốc Napoli, và chẳng mấy chốc trở thành một vị luật sư có thế giá, nổi tiếng với những chiến thắng nơi pháp đình.
Cuộc xuất hành thứ nhất trong cuộc đời Anphongsô bắt đầu với một vụ kiện lớn liên quan đến gia đình các hoàng thân quốc thích, đến các quận công tranh giành đất đai, nợ nần. Anphongsô đại diện cho bên bị đơn. Trước pháp đình, ngài hùng biện với những lý lẽ vững chắc, hùng hồn. Ai cũng nghĩ thân chủ do Anphongsô biện hộ cho sẽ thắng. Nhưng rốt cuộc thân chủ của Anphongsô thua kiện. Chàng luật sư Anphongsô như sụp đổ và thốt lên: “Thế gian, ta biết mi rồi…tạm biệt pháp đình”.
Anphongsô đặt thanh kiếm hiệp sĩ dưới chân tượng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi. Cuộc đời của ngài rẽ hướng. Anphongsô dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa để trở thành linh mục, cho dù người cha phản đối kịch liệt.
Thánh Anphongsô thụ phong linh mục năm 1726 khi ngài tròn 30 tuổi. Một linh mục xuất thân từ gia đình thế giá, có học vấn nên nhiều người nghĩ ngài có thể tiến xa, có một chỗ đứng nào đó ngay trong cơ cấu Giáo hội. Ngay cả cha của ngài cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên Anphongsô đã chọn cho mình các công việc phục vụ hướng tới những người nghèo khổ, bị bỏ rơi hơn cả. Ngài thường xuyên thăm viếng, đến chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh bất trị tại nhà thương. Ngài mở các nguyện đường về đêm để quy tụ những người lao động nghèo phải làm quần quật từ sáng tới chiều, không có điều kiện đến nhà thờ. Cha Anphongsô quy tụ những người nghèo này lại, cùng cầu nguyện với họ và dạy họ những điều liên quan đến đời sống đức tin.
Cuộc xuất hành, hay biến cố lớn thứ hai trong đời của ngài là lập dòng Chúa Cứu Thế. Do làm việc quá sức, linh mục trẻ Anphongsô cần phải đi nghỉ. Trên đường đi nghỉ, Anphongsô ghé qua làng Scala (Miền Nam nước Ý). Đây là ngôi làng nghèo nằm trên sườn đồi. Nơi đây, linh mục Anphongsô phát hiện ra không ai lo chăm sóc đời sống tâm linh cho những người chăn cừu, chăn dê. Họ bị xã hội bỏ rơi, bị Giáo hội lãng quên. Không có linh mục chăm sóc cho họ, trong khi tại thành thị Napoli có hàng ngàn linh mục nhà nhã, sống thoải mái, sung túc.
Chạnh lòng trước những con người bị bỏ rơi, linh mục Anphongsô đã quy tụ những người bạn cùng chí hướng với mình để lập nên hội dòng mà ngài xác tín là công trình của Thiên Chúa. Ngày 9.11.1732 dòng Chúa Cứu Thế chính thức được thành lập với mục đích là “Noi gương Chúa Giêsu Cứu Thế để rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả”
Cuộc xuất hành hay bước ngoặt thứ ba trong cuộc đời của thánh Anphongsô liên quan đến xác tín của ngài về những vấn đề luân lý để ngài áp dụng vào việc hướng dẫn các linh hồn nơi tòa giải tội.
Thời thánh Anphongsô, Giáo hội bị ảnh hưởng bởi nên thần học luân lý khắt khe theo phái Jansenisme. Phái này trình bày khuôn mặt một vị Thiên Chúa như quan tòa khắt khe, thích giáng phạt. Quan niệm ấy làm cho người ta sợ hãi Thiên Chúa hơn là yêu mến Ngài. Bên cạnh nền thần học luân lý khắt khe có tính vụ luật ấy, lại xuất hiện khuynh hướng luân lý có phần dễ dãi, phóng túng. Cả hai khuynh hướng thần học luân lý ấy đều cực đoan, đi tới chỗ sai lầm.
Từ kinh nghiệm mục vụ, nhất là từ việc lắng nghe các hối nhân là những người nghèo trong tòa giải tội, thánh Anphong đã viết một tổng hợp về đề tài luân lý mang tính quân bình, phù hợp với Tin Mừng. Điểm nổi bật trong thần học luân lý của thánh nhân là chương nói về lương tâm: Phải tôn trọng lương tâm nơi mỗi người và đề cao sự tự do để người ta được làm điều thiện (kể cả khi lương tâm ấy là sai lầm bất khả thắng, nghĩa là họ không thể, không có khả năng nhận ra điều sai lầm ấy).
Với lối nhìn thần học đúng đắn ấy, thánh Anphongsô khẳng định, mọi người đều được mời gọi nên thánh (thời đó quan niệm chỉ một số ít, nhất là chỉ có những người sống đời tu mới có thể nên thánh). Ngài nói rằng: “Tu sĩ như là tu sĩ, giáo dân như là giáo dân, linh mục như là linh mục, người lập gia đình như người lập gia đình, thương gia như là thương gia, binh sĩ như là binh sĩ, và cứ như thế đối với mọi tầng lớp xã hội”
Ba cuộc xuất hành, ba biến cố trở lại trong đời của thánh Anphongsô đã làm nên con người của ngài: lắng nghe tiếng Thiên Chúa để lo cho những con người nghèo khổ, bị bỏ rơi hơn cả. Ngài giới thiệu cho con người khuôn mặt một vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương, nhân hậu.
Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế và những ai muốn noi gương thánh Anphongsô cũng được mời gọi sống tinh thần ba cuộc xuất hành, ba cuộc trở lại ấy của thánh nhân. Họ được mời gọi nhận ra con đường Thiên Chúa đang mời gọi họ dấn thân. Trong con đường ấy, họ “noi gương Chúa Giêsu Cứu Thế để loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ”. Rao giảng Tin Mừng và liên đới với người nghèo để người nghèo được giải thoát cách toàn diện. Họ được mời gọi loan báo và sống lòng xót thương của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa mà nơi Ngài “ơn cứu độ đầy tràn chan chứa”.
Hướng Việt