“Người ta lũ lượt đến với Người” (22.1.2015 – Thứ năm, sau Chúa Nhật II Thường Niên)

“Người ta lũ lượt đến với Người” (Mc 3, 7-12)

7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.

9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.

10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa! “12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

***

Một loạt bất đồng của “họ” với Đức Giê-su (Mc 2, 1 – 3, 6) đã dẫn tới ý định thuần túy, nghĩa là vô cớ, loại trừ Người. Thật vậy, lúc đầu họ nhân danh lề luật để chất vấn Đức Giê-su: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2, 7) Sau đó, tiếp tục dựa vào lề luật để dò xét, họ nêu ra nhiều thắc mắc: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (c. 16); “Sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (c. 18); “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép” (c. 24).

Và sau cùng, như bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua kể lại, “họ làm thinh” (3, 4). Sự thinh lặng của họ diễn tả lựa chọn sự chết trong nội tâm: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su” (c. 6).

* * *

Tuy nhiện, Đức Giê-su không đối đầu với họ bằng sức mạnh, nhưng lánh đi cùng với các môn đệ:

Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ.

(c. 7)

Điều này loan báo cách Ngài đối đầu với họ trong cuộc Thương Khó; nghĩa là, Ngài không dùng sức mạnh chống lại sức mạnh, bạo lực chống lại bạo lực, vì sức mạnh biểu hiện dưới dạng bạo lực không phù hợp với căn tính đích thật của Ngài, nhưng dùng sự hiền lành và sự tín thác nơi Thiên Chúa, là Nguồn Sự Sống mạnh hơn sự chết, như Tv 8 loan báo:

Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Nhưng chính khi Ngài lánh đi, chính khi Ngài “vượt qua” họ, Ngài trở thành điểm qui tụ muôn người:

Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người.

(c. 7-8)

Và từ nơi Ngài lan tỏa năng lực chữa lành khỏi bệnh tật và thần dữ, nghĩa là năng lực phục hồi sự sống cho con người:

Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để đụng vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”

(c. 10-11)

Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử; nhưng sự sống của con người bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ mới là bi đát hơn, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Và chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là “Lời Thập Giá” (1Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.

* * *

Những gì thánh sử Mác-cô kể lại ở đây đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Phục Sinh rồi, nghĩa là mầu nhiệm Đức Ki-tô chiến thắng sự dữ và sự chết và Ngài chia sẻ sự sống viên mãn mạnh hơn sự dữ và sự chết của Ngài cho chúng ta ngay từ cuộc đời này. Hình ảnh Đức Giê-su ngồi trên thuyền ở Biển Hồ, diễn tả Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng sự chết, được tượng trưng bằng khía cạnh hủy diệt của Biển Cả.

Như thế mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc khắp nơi trong cuộc đời của Đức Giê-su, cũng như đã được ghi khắc khắp nơi trong sáng tạo: đó là ơn lương thực hướng tới Lương Thực Hằng Sống, hạt lúa mì nói lên hành trình Vượt Qua; và trong lịch sử: đó là lịch sử cứu độ được Thư Do-Thái nhắc lại (Dt 8, 6-13) nhắc lại, đó là tương quan giữa Gô-li-át với vua Đa-vít; sau đó giữa vua Sa-un và vua Đa-vít, được kể lại trong 1Sm 17-18.

Xin cho chúng ta cũng nhận ra những dấu vết của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, vì đó là niềm hi vọng, và cũng là lời hứa, hướng chúng ta đến mầu nhiệm Vượt Qua viên mãn của Đức Ki-tô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc