Trong một tình huống có lẽ chưa từng thấy trong đời chúng ta, Venezuela đã trở thành một quốc gia có đến hai tổng thống. Chỉ trong mấy ngày, hầu hết các quốc gia tại Mỹ Châu đã đồng loạt ủng hộ tân tổng thống Juan Guaidó.
Bản đồ sau của thông tấn xã Bloomberg cho thấy: tại Mỹ Châu chỉ còn 3 quốc gia ủng hộ cho tên độc tài Nicolas Maduro là Cuba, Nicaragua và Bolivia. Mễ Tây Cơ và Uruguay đứng trung lập, kêu gọi hòa giải. Tất cả các quốc gia khác tại lục địa Mỹ Châu đã lần lượt lên tiếng ủng hộ tân tổng thống Juan Guaidó.
Trong một chương trình truyền hình hôm thứ Sáu 25 tháng Giêng, Maduro tuyên bố “Chúng ta sẽ đánh bại cuộc đảo chính này” và đe dọa sẽ dùng biện pháp mạnh với những người biểu tình. Tuy nhiên, khác với tình huống diễn ra vào những năm 2017 và 2018, một cuộc tấn công tổng lực của quân đội vào những người biểu tình cho đến giờ này vẫn chưa xảy ra.
Đáp lại những lời đe dọa của Maduro, tân tổng thống Juan Guaidó kêu gọi tổng biểu tình trên toàn quốc, và cá nhân ông, bất kể những nguy hiểm, đã tham gia trong cuộc biểu tình hôm thứ Sáu tại thủ đô Caracas. Theo tờ Crux, đông đảo các giám mục Venezuela cũng đích thân xuống đường cùng với người dân. Tiêu biểu là Đức Cha Luis Enrique Rojas Ruiz, Giám Mục Phụ Tá của Mérida; Đức Cha Mario del Valle Moronta Rodriguez của San Cristóbal; Đức Cha Víctor Hugo Basabe của San Felipe; và Đức Cha Ulises Antionio Gutiérrez Reyes của Ciudad Bolívar.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, 76 tuổi, nguyên Tổng Giám mục thủ đô Caracas, là người có lẽ đã phải về hưu sớm vì liên tục va chạm với chế độ Maduro, đã nhắc lại một ý kiến thời danh của ngài theo đó bất tuân dân sự là cần thiết để thay đổi một chế độ vô luân.
Ngài nhắc lại một tuyên bố thời danh của các Giám Mục nước này tựa đề “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi” (Isaia 41:10) được thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc công bố vào ngày 17 tháng 7, năm ngoái 2018.
Trong bản tuyên bố này các Giám Mục viết:
“Giáo Hội, với sứ mệnh tâm linh được Chúa Kitô chỉ rõ trong Tin Mừng, không có ý định thay thế vai trò và ơn gọi của những ai hiểu biết và điều hành guồng máy chính trị. Giáo Hội cũng không khao khát thống trị cảnh quan xã hội, và cũng không muốn trở thành một nhân tố của chính phủ hay của các thành phần đối lập.
Tuy nhiên, Giáo Hội khuyến khích người dân, là những người được giáo dục phù hợp và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân họ, hãy gióng lên tiếng nói và can thiệp tích cực trong trường chính trị, để cả các nguyên tắc và các giá trị cao cả của đức tin được truyền bá cho chúng ta được thể hiện trong lĩnh vực công cộng và chuyển dịch thành những công việc mang lại thiện ích chung”
“Những người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua là nhà cầm quyền của quốc gia này, là những kẻ đã đặt các dự án chính trị của mình lên trên bất kỳ sự cân nhắc nào khác, kể cả những vấn đề nhân đạo. Họ thất bại trong các chính sách tài chính, vì thái độ khinh thị của họ đối với các hoạt động sản xuất và tài sản tư nhân, và vì liên tục đưa ra các trở ngại cho việc giải quyết một số khía cạnh của vấn đề hiện tại. Điều này không gì khác hơn là lời thú nhận bất lực trong việc điều hành đất nước”.
Do đó các giám mục nhấn mạnh: “Venezuela cần một hàng lãnh đạo chính trị khác có thể đặt người dân Venezuela vào trung tâm của những suy tư và hành động của mình, nhận thức được rằng chính trị không phải là tập chú vào quyền kiểm soát quyền lực, nhưng là công việc của những người, được thúc đẩy bởi các nguyên tắc cao quý và đạo đức, biết cách đặt mình trong sự phục vụ các công dân chứ không phải lợi ích của một nhóm nhỏ.”.