Tòa án Tối cao Pakistan đã bác bỏ các yêu sách của các thành phần Hồi Giáo cực đoan Pakistan muốn tòa này hủy bỏ phán quyết tha bổng cho Asia Bibi, người phụ nữ Công Giáo đã bị cáo gian tội báng bổ, và phải ngồi tù oan gần 9 năm trời.
Trong phiên xử ngày 29 tháng Giêng, Tối Cao Pháp Viện đã giữ nguyên quyết định lật ngược án tử hình Bibi mà tòa này đã truyền hồi tháng 10 vừa qua.
Năm 2009, Bibi bị buộc tội đưa ra những nhận xét phỉ báng tiên tri Hồi giáo Muhammad sau một cuộc tranh luận bắt nguồn từ một ly nước. Bibi đang thu hoạch quả dâu với các công nhân nông trại khác khi được yêu cầu đi lấy nước từ giếng.
Một người nhìn thấy cô uống nước từ một cái ly mà trước đó đã được những người Hồi giáo sử dụng. Người ấy nói với Bibi rằng một Kitô hữu không thể sử dụng chung một ly nước với người Hồi Giáo, vì Kitô hữu là người ô uế. Một cuộc cãi vã xảy ra sau đó, và năm ngày sau đó người ta báo cáo với một giáo sĩ Hồi giáo rằng Bibi đã phỉ báng Muhammad. Bibi và gia đình cô là những Kitô hữu duy nhất trong khu vực, và đã phải đối mặt với những áp lực buộc cải đạo sang Hồi giáo.
Cô bị kết tội phạm tội phạm thượng vào năm 2010, và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Cô kháng cáo ngay lập tức. Tòa án Tối cao Lahore đã y án vào năm 2014, sau đó cô đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Pakistan. Tòa án tối cao đã đồng ý nghe kháng cáo của cô vào năm 2015 nhưng khất lần hẹn nữa cho đến nay mới xử.
Kể từ khi bị bắt giữ, Bibi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã tiếp chồng và con gái cô và cầu nguyện cho cô.
Ở Pakistan, những người Hồi giáo cứng rắn đã kêu gọi tử hình cô ngay từ khi cô bị kết tội lần đầu. Luật phỉ báng của Pakistan áp đặt hình phạt nghiêm khắc đối với những người xúc phạm Kinh Qur’an hoặc phỉ báng Mohammed. Hồi giáo là quốc giáo của Pakistan, và khoảng 97% dân số là người Hồi giáo.
Phán quyết tha bổng Asia Bibi đã làm nổ ra các cuộc biểu tình dữ dội của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan, như nhóm Tehreek-e-Labbaik do Khadim Rizvi, một thày giảng Kinh Qu’ran cực đoan lãnh đạo.
Khadim Rizvi đã tổ chức các cuộc biểu tình dữ dội được ghi nhận là lớn chưa từng thấy trong lịch sử của Pakistan cận đại sau khi Tối Cao Pháp Viện nước này tuyên bố Asia Bibi vô tội.
Trong một Fatwa, Khadim Rizvi còn táo bạo đến mức yêu cầu những người nấu ăn, những người tôi tớ và các cận vệ của ba vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Pakistan hãy tìm cách giết chết những vị này.
Trước các cuộc biểu tình này, chính phủ Pakistan đã chịu khuất phục Hồi Giáo cực đoan. Hôm thứ Sáu, 2 tháng 11 năm 2018, Noor-ul-Haq Qadri, Bộ trưởng Bộ tôn giáo Liên bang, và Muhammad Basharat Raja, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp bang Punjab, đã ký một thỏa thuận với bọn Tehreek-e-Labbaik thay mặt cho chính phủ. Thỏa thuận gồm hai điểm chính là đưa Asia Bibi vào danh sách những người cấm xuất cảnh, và buộc Tối Cao Pháp Viện Pakistan tái xét lại quyết định tha bổng cho Asia Bibi.
Tuy nhiên, Chánh án Asif Saeed Khosar cho biết hôm thứ ba: “Dựa trên các chứng cứ hiển nhiên, yêu sách [đòi tòa thu lại phán quyết tha bổng] này bị bác bỏ.
Asia Bibi hiện đang lẩn trốn ở Pakistan.
Nhà vận động nhân quyền Lord Alton của Liverpool đã ca ngợi Tối Cao Pháp Viện Pakistan rất đáng hoan nghênh về quyết định dũng cảm này.
“Tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ đối với các thẩm phán Tòa án Tối cao Pakistan, là những người đã dám đưa ra quyết định này, và đã sẵn sàng đặt luật lệ lên trên mọi sự cân nhắc khác, ngay cả những cân nhắc cho tính mạng riêng mình”, Lord Alton nói.
“Chúng ta không thể quên rằng vụ án Asia Bibi là một trong số rất nhiều vụ án, và theo một số ước tính, hơn 70 người hiện đang bị kết án tử hình vì các tội danh báng bổ,” ông nói thêm.