Chứng tích về mảnh đất Vườn Rau Lộc Hưng, một thời từng là cái nôi sự sống của hàng ngàn cư dân nay đã bị xoá sạch. Những cuộc đời bị chôn vùi, những ước mơ bị “giải phóng” và tương lai bị san lấp.
Cận tết, người người hối hả chuẩn bị cho ngày tết đoàn viên hạnh phúc, với ý nghĩa tròn đầy, nhưng vẫn còn khoảng trống điêu tàn hoang lạnh đó, như vết thương nghiệt ngã lở loét trên cơ thể với đám ruồi bọ bu quanh hút lấy hút để chất dịch nhầy, mà hơn tháng trước, vẫn căng tràn sức sống.
Mảnh đất từng rộn rã tiếng cười vui, nơi cư trú của những mảnh đời rách nát, bỗng trở nên miếng mồi ngon bởi sự dốt nát và bất công, tham tàn và điên loạn của những kẻ vô luân, phi luật pháp, tự coi mình là chủ nhân ông tối cao của đất nước này.
Với quyền sinh sát trong tay, nhà cầm quyền cộng sản có thể biến “điều không thể thành có thể”, nhưng không đi theo hướng tích cực và phát triển, ổn định và hạnh phúc, mà thật sự là tàn phá và cướp bóc, khốc liệt hơn những băng đảng cướp bóc nào.
Quê hương tươi xinh đã trở thành nham nhở chính là những hình ảnh buồn nhất về sự đau thương tồn tại mấy mươi năm qua cho đến lúc này, không biết bao giờ mới dứt; tổ quốc, như gia tài của Mẹ Việt Nam đang bị bán rẻ hoặc bị cầm cố từng phần; đất nước do tiên tổ để lại như phần cơ nghiệp, nơi cư trú của những người dân Việt để sinh sống cũng bị “con thú ấy” rứt ra từng mảng, loang lổ máu hờn căm.
Cái tết đang xồng xộc đến trong không khí rộn ràng, tất bật. Bỗng chốc ngày như rút ngắn lại. Ai cũng lo toan, trăn trở về cái tết đoàn viên, sẵn sàng trả mọi giá để được đoàn tụ với gia đình trong những ngày đầu năm linh thiêng nhất. Nhưng vẫn có những người chẳng còn cõi để về, không có cả người thân để đoàn viên, cả đến một túp lều để trú thân nương tựa, thì hạnh phúc ở đâu và tết để làm gì ?!
Vẫn còn đó những người, sống chỉ để lo nghĩ đến phận mình và vẫn còn đó những người còn biết quan tâm đến người khác, đặc biệt là những người nghèo bị bỏ rơi, bị áp bức, bị đày đoạ hơn cả, những người lấy hạnh phúc của tha nhân làm của mình, đang cố xoa dịu những tổn thương bằng sự đồng cảm và đồng cảnh, chữa lành những vết thương bằng những sự chia sẻ và đùm bọc.
Cuộc sống này luôn công bằng, chẳng cho không ai điều gì, và cũng không vô tình lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có sự bù đắp, trả giá. Ác giả, ác báo. Đừng nghĩ rằng của chiếm đoạt là tài sản vững chắc cho mình và cho con cháu, vì “Hỡi những người giầu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát” (Gc 5,1-2)
Hôm nay, cái tết cận kề là mùa xuân đối với bạn, nhưng cũng là cái tết không mùa xuân của bao người bị bứt ra khỏi quê hương, bị hắt hủi, khủng bố và lùng bắt, sống lưu vong ngay trên tổ quốc mình. Một con chim én không làm nên mùa xuân. Đối với thế giới này, bạn chỉ là một người, nhưng đối với ai đó, bạn là cả một thế giới.
Hôm nay trong những thời khắc cuối cùng của một năm, vây bủa bởi không khí rộn ràng đón xuân, chợt nghe trong lòng có tiếng ru sầu ai oán như những mũi kim nhọn xuyên thấu tâm hồn, là những cuộc đời bị huỷ hoại, tương lai bị phá nát, ước mơ bị cưỡng chế và hạnh phúc bị san bằng.
Đó là tiếng ru ầu ơ của Mẹ Việt Nam mà nhạc sỹ Trinh Công Sơn diễn tả:
“Mẹ ngồi ru con, đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn.
Mẹ ngồi ru con, mây qua đầu ghềnh, lạy trời mưa tuôn.
Lạy trời mưa tuôn, cho đất sợi mềm, hạt mầm vun lên.
Mẹ ngồi ru con, nước mắt nhọc nhằn, xót xa đời mình.
Mẹ ngồi ru con, đong đưa võng buồn, năm qua tuổi mòn.
Mẹ nhìn quê hương, nghe con mình buồn, giọt lệ ăn năn.
Giọt lệ ăn năn, đưa con về trần, tủi nhục chung thân.
Một dòng sông trôi, cuốn mãi về trời, bấp bênh phận người.
Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh.
Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn.
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương.
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng.
Mẹ ngồi ru con, đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình.
Mẹ ngồi ru con, nghe đất gọi thầm, trọn nợ lưu vong.
Mẹ ngồi trăm năm, như thân tượng buồn, để lại quê hương.
Tuổi còn bơ vơ, thế giới hận thù, chiến tranh ngục tù.”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT