Thánh Phao lô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô rin tô có viết: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1, 22-25)
Có rất nhiều “người Do thái ngày nay” chỉ muốn chọn những con đường rộng rãi, những giải pháp thuận lợi, mau lẹ và hữu hiệu như “một liều thuốc tiên” cho mọi vấn đề nan giản, khó xử và bế tắc của mình. Chuộng những dấu lạ và đổ xô đến những nơi thiêng thánh “theo lời đồn”, mong nhận được, hoặc chứng kiến những phép lạ. Nhưng những phép lạ này không đưa đến lòng tin đích thực vào Thiên Chúa. Còn nhiều người khác lại rơi vào cám dỗ muốn nắm được chân lý bằng tri thức và sự khôn ngoan.
Khời từ một sự kiện “lạ lùng” gây ra sự ngạc nhiên đi đến hoài nghi. họ muốn vượt qua các hiện tượng để khám phá bản tính sự vật, đi sâu vào các sự kiện để truy tầm căn nguyên, diễn giải những mầu nhiệm bằng những khái niệm, những kiến thức, những kinh nghiệm của con người… Tân Ước cho thấy có “ánh sao lạ” dẫn đường cho ba nhà thông thái tìm đến nơi Chúa Giáng sinh, sự hiển vinh của Đức Giêsu trên núi Taborê, phép lạ đi trên nước, mẻ cá lạ lùng, chữa lành mọi bịnh tật, hoá bánh ra nhiều của Đức Giêsu hoặc cho người chết sống lại, vũ trụ trở nên tăm tối, rung chuyển khi Chúa chết trên thập giá…
Những “dấu lạ, điềm thiêng” mà Đức Giêsu đã thực hiện không dừng lại các yếu tố “lạ” trong các sự kiện ấy luôn dẫn người ta đến mục đích, đọc ra được ý nghĩa và nắm bắt những giá trị có liên quan tới sự hiểu biết về các mầu nhiệm của Người có liên quan tới sự cứu rỗi loài người, tới phần rỗi từng người, từ những dấu hiệu đó. Những cuộc hiện ra của Đức Maria tại Lộ Đức, Fatima không dừng lại ở những dấu lạ và việc chữa lành mà nhắm trao cho những sứ điệp hoán cải và canh tân đời sống; những cuộc hiện ra của Đức Giêsu cho sơ Faustina không nhắm mô tả những ân sủng đặc biệt, ơn thị kiến, ơn tiên tri mà mặc khải về lòng thương xót của Chúa, đặc biệt trong bí tích rửa tội và Thánh Thể cho những ai tín thác nơi Người. (Nên biết, sơ Faustina chết lúc 33 tuổi vì bịnh lao phổi!)
Đức Giêsu muốn ban phát ơn lành cho linh hồn và thân xác cho người nào, qua ai, nơi nào với dụng ý gì, là tuỳ ý Người, nhưng chắc chắn Người làm thế không phải vì lôi kéo mọi người tìm đến với những “dấu lạ, điềm thiêng”, nhưng điều hệ trọng hơn là để tin vào Người là Đấng Cứu Chuộc, là Con Thiên Chúa và vào Tin mừng cứu rỗi của Người (Ga 4,48) Những phép lạ, những ơn lành hiển nhiên là sự xác nhận về tính chân thật của Tin mừng Đức Giêsu Kitô để người ta có thể nghe và tin.
Và khi sứ điệp được xác nhận và lãnh nhận, dấu lạ không còn cần thiết nữa và sẽ biến mất. Nhưng Thiên Chúa đã dùng Thập Giá Đức Giêsu để biểu tỏ tình yêu của Người dành cho con người, và ai cảm nhận được tình yêu này mỗi khi họ ngước nhìn lên Thập Giá, với lòng tin, người ấy sẽ được cứu. Vì thế, Thánh Gioan quả có hậu ý khi kết thúc tin mừng của mình: “Đức Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 30-31).
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT