Thái Hà (08.02.2016) – Không thiếu chi những người thở than ngắn dài, khư khư giữ lại những chuyện đã qua, những việc đã lùi vào quá khứ, chẳng có ích gì cho hiện tại ! Họ là những người không thực tế.
Những người thực tế là những người ham sống, biết nhìn vào :
– Lúc này, bây giờ, và hiện tại.
Họ làm những gì cần phải làm, thực hiện một cách chu đáo, với tất cả khả năng, những gì do bổn phận, do nhiệm vụ đem lại. Họ không kêu ca, không trách móc, không phàn nàn, không nỉ nón, bi ai, không tự phụ, hoặc bất mãn. Họ không cẩu thả, hoặc làm cho qua lần chiếu lệ, làm cho có làm.
Biết xếp đặt công việc và thì giờ cho thật khoa học không phải là chuyện dễ như nhiều người tưởng. Thiếu chi những người việc chính thì coi là việc phụ, việc phụ lại coi là việc chính. Cái việc lẽ ra chỉ cần bỏ vào đó ít phút, thì lại bỏ vào đó nhiều giờ, nhiều ngày. Trong lúc việc chính của mình thì lại lơ là, bỏ lửng, hoặc không budget đủ thì giờ để làm.
Mà vì cứ vác xe chạy lung tung, hoặc ngồi đấu láo và nghe đấu láo, tốn qúa nhiều thì giờ, nên luôn luôn kêu ca, cằn nhằn, than trách rằng:
– Mình qúa bận ! Không kiếm đâu ra giờ !
Kết qủa là, nhiều công việc mà nhiệm vụ của mình đòi hỏi, thì đã không làm ! Rồi lại đổ tội cho thời gian, than rằng:
– Tại mình thiếu thì giờ.
Đổ vạ rằng:
– Mình qúa bận !
Nếu biết xếp thứ tự ưu tiên cho nhiều công việc, nơi sở làm, trong cộng đồng, cũng như trong gia đình, thì không ai là người nói được rằng mình không có đủ thì giờ. Điều này đòi mỗi người biết học hỏi và khôn ngoan. Đặc biệt là khi có những “deadline”.
Nói đến hạn chót, nói đến “deadline”, “cut-off date”, “closing date”, là nói đến thì giờ, là nói đến “stress” hoặc “pressure”.
- Hạn chót để khai thuế,
- Hạn chót để ghi danh học,
- Hạn chót để lấy bảng số xe,
- Hạn chót để trả bảo hiểm,
- Hạn chót để trả các thứ bills,
- Hạn chót phải ra toà…..,
Cả trăm thứ hạn chót ấy, nếu không biết tính thì giờ và “planning” đâu ra đó, cứ để đến phút chót mới làm, mới chạy, thế nào cũng có chuyện lộn xộn, rắc rối, hoặc gây gỗ, ngay trong gia đình chứ đừng nói chi đến ngoài xã hội hoặc đâu khác.
Nhờ biết xếp đặt thì giờ theo những phương pháp tối tân, cả triệu người đã thành công .
Nhưng cũng vì không biết tính toán thì giờ, nhiều triệu người đã thất bại.
Có mấy ai bừa bãi, cẩu thả, gặp chăng hay chớ, tiện đâu làm đó mà lại thành công và được hạnh phúc, hay thoải mái, thảnh thơi được đâu !
Cái tật cẩu thả, bừa bãi về thì giờ của mình, cũng là kết qủa cuả tình trạng chậm tiến, kém mở mang, thiếu tiến bộ , thiếu học, chưa được khai phóng.
Chu Công