Lễ Mai Khôi nhắc tôi về những kỷ niệm thời niên thiếu. Thuở ấy, khi mới di cư vào Nam, dân Bắc Kỳ có Đạo thường quây quần với nhau thành Xứ Đạo, giữ nếp sống của làng quê cha ông ngoài Bắc, cố gắng bảo vệ những di sản tinh thần của quê hương đất nước, lòng dạ ai cũng mong có ngày trở về quê cha đất tổ.
Có một tài liệu cho rằng người con cả trong miền Nam được gọi là Hai ( anh Hai hoặc chị Hai ) vì người ở lại miền Bắc giữ mồ mả nhang khói cha ông mới là Cả, một quan điểm không có chứng cứ khoa học nhưng ít là nói lên nỗi nhớ mong và tinh thần gia đạo của người Việt. Một mặt giữ gìn truyền thống cha ông, mặt khác phải sống thích nghi với khí hậu mới, sinh hoạt mới, những tương quan mới. Bọn trẻ chúng tôi “bị bắt” uống sữa bột nấu chín và ăn bánh mì với phô mai ( fromage ), thích nghi với cái này khá khổ sở, mỗi sáng trước khi vào lớp học phải xếp hàng, dù muốn hay không, để nhận một ly sữa lớn thật nóng, nấu sôi trong một cái thùng nhôm lớn, và phải uống trước mặt thầy cô. Ly sữa nóng, mấy ngày đầu, cái bụng bọn trẻ con chúng tôi từ trước tới nay không hề biết sữa là gì, nay nạp vào nó không để yên !
Không còn nhớ lắm nhưng phải mất một thời gian chúng tôi mới quen được loại sữa béo ngậy nhạt nhẽo, mới thấy nó thơm ngon. Nhưng thích nhất là cái bánh mì, quẹt một lớp bơ ( beurre ) bà Sơ và một miếng pho mai vàng ngậy thủng lỗ chỗ, cái thìa quét bơ từ trong một cái hộp lớn có hình cô gái giống bà Sơ đội cái nón rộng vành thật dễ thương luôn hấp dẫn bọn trẻ chúng tôi, cái bánh mì thì ăn từ từ lúc nào cũng được, riêng tôi cất nó vào cặp ăn dần trong ngày.
Có cái thích ứng ngay nhưng có cái rất khó, trái Sầu Riêng chẳng hạn, mùi gì mà quá khó chịu, những người miền Nam quý mến gia đình chúng tôi mới biếu trái Sầu Riêng, vậy mà mình chỉ mong cho họ mau ra về để mình đem đi vất, để trong nhà không chịu nổi cái mùi của nó. Bây giờ thì khác lắm rồi, nhiều người gốc Bắc còn ghiền Sầu Riêng hơn cả người miền Nam !
Cuộc sống rồi cũng mau ổn định, chúng tôi sống trong cái nôi êm đềm bình an của toàn Giáo Xứ, còn trẻ thì có biết gì về những lo toan của người lớn, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng thở dài và lời nhắc nhớ về quê hương miền Bắc của các cụ. Một sinh hoạt của nhà Đạo mà chúng tôi thích nhất là đọc Kinh Tối Gia Đình, khi học Giáo Lý, chúng tôi đã được huấn luyện thuộc làu nhiều kinh nguyện, lúc ấy Giáo Lý chỉ thuần túy là kinh và các công thức Tín Lý, khảo Giáo Lý để Xưng Tội Lần Đầu hay Thêm Sức cũng là khảo kinh và các công thức.
Giờ Kinh Tối liên gia đâm ra là dịp để học thuộc kinh và để… giải trí nữa, vì có gì để giải trí đâu, thỉnh thoảng mới được xem chiếu phim 16 ly ở bãi đất trống của ấp xã. Vì thế chúng tôi tham gia đọc kinh rất khí thế, lại nữa đi đọc kinh còn được phát quà nữa chứ ! Lúc đầu quà là một nửa tấm bánh đa nướng chín vàng rụm, nửa cái bánh đa được bẻ cụp thành một phần tư bánh, kẹp giữa hai cái một phần tư bánh đa nướng là một cục xôi, nhà nào rộng rãi thì có thêm quả chuối tiêu ( chuối dài màu xanh ), ngày giỗ thì gia chủ có thêm một miếng chả hay giò thơm thơm mằn mặn. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, ngày ấy nó hấp dẫn bọn trẻ chúng tôi lắm, sau này các cụ thấy phức tạp cho gia chủ quá bèn họp nhau đổi ra làm phiếu, cuối tháng đổi phiếu lấy quà, chờ lâu mất hấp dẫn nhưng cũng chẳng có cái gì hay hơn nên bọn tôi cứ đà ấy mà lao theo.
Cao trào là vào lúc miền Nam tổ chức cung nghênh tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du, lần đầu là năm 1965, lần sau là năm 1974, tiếng kinh nguyện vang lên khắp cùng thôn xóm, giữa tiếng đì đùng của tiếng súng từ xa vọng về, lời kinh thiết tha dâng lên Mẹ với nỗi mong chờ sớm hòa bình, tự do, no ấm cho đoàn con của Mẹ. Khi ấy bọn tôi đã bắt đầu lớn, đã biết buồn và biết thế nào là chiến tranh, đã chứng kiến những chiếc khăn tang quấn vội vã trên đầu những người vợ trẻ, chứng kiến những cuộc chia ly nhuốm màu tang tóc.
Rồi tiếng súng càng ngày càng mãnh liệt hơn, nhất là sau cuộc binh biến tháng 11 năm 1963, chiến tranh lan rộng khắp nơi. Rồi cuối thập niên 60 đến lượt thế hệ chúng tôi lên đường. Ở độ tuổi này, cuộc chia tay và những chiếc “khăn tang cô phụ” đau xót không tả nổi. Từ ngày đó, lời kinh đêm của thôn xóm nhạt dần, sau năm 75 thì gần như tắt lịm, lời kinh nguyện cầu “thoát nạn CS vô thần” tuyệt nhiên không được nghe thấy nữa, chỉ còn tiếng nấc uốt nghẹn trong trái tim mà thôi.
Năm 2017, kỷ niệm 100 năm Fatima, lời Mẹ hứa được nhắc lại cho từng người dân Việt. Mẹ là Đấng trung tín, Mẹ hứa và Mẹ giữ lời, nhưng làm sao để lời kinh được vang vọng lại như Mẹ đã dạy ? Ngày nay xã hội biến đổi quá nhiều, làng quê xóm đạo không còn và cũng không thể giữ mãi nếp cũ, thay đổi xã hội nhưng lời Mẹ vẫn không thay đổi, thực hành thế nào thì chúng ta cần phải tìm kiếm để cộng tác với Mẹ.
Không thể thoát ách vô thần nếu không sám hối, siêng năng với kinh Mai Khôi và dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Đã có những nhóm nhỏ vài ba người mỗi tối quây quần bên nhau cầu nguyện. Lại có một số nhóm sáu bảy chục bạn trẻ, tận dụng Facebook để đọc kinh cầu nguyện online… Chỗ nào cũng được, cách nào cũng hay, hãy gặp nhau, hãy cùng nhau lần chuỗi, hãy chia sẻ vui buồn với nhau qua lời nguyện, hãy đồng hành chung vai sát cánh với nhau. Nguyên tắc thì chắc chắn rồi, sáng kiến thế nào tùy mỗi người chúng ta.
Lm. Vinh Sơn PHẠM TRUNG THÀNH, DCCT