Thái Hà (29.07.2019) – Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình vào lúc 20 giờ 00, Chúa Nhật hôm qua, 28.07 tại Nhà THờ Thái Hà. Đây là thánh lễ thường niên suốt 10 năm qua tại Thái Hà dành cách riêng để cầu nguyện cho quê hương đất nước – thánh lễ lúc 20 giờ 00 Chúa Nhật cuối mỗi tháng. Với những diễn biến đang xảy ra trên quê hương Việt Nam, ý cầu nguyện của ngày lễ hôm qua được gửi đến cộng đoàn cách riêng cầu nguyện cho việc bảo toàn lãnh thổ Việt Nam khi mà Trung Quốc có đã đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, cụ thể là tại Bãi Tư Chính.
Mời quý vị theo dõi bài giảng (video, Text) của cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT
………………………
CHÚNG TA CÙNG THẮP SÁNG TRẦN GIAN
Tôi rất vui được gặp lại anh chị em nơi đây, đặc biệt trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình.
Tôi được bề trên nhà dòng mời gọi đảm nhận những trách nhiệm mới, trong một cộng đoàn mới của tỉnh Dòng. Xa Hà Nội, xa anh chị em, nhưng có một điều tôi phải thú thật, tôi không quên những buổi cầu nguyện cho đất nước, cho quê hương. Hàng tháng, cũng vào những giờ phút này, chúng tôi đều hướng về đây để hiệp ý với mọi người, bởi chúng tôi tin rằng, lời cầu nguyện có sức mạnh vạn năng có thể giải thoát cả một dân tộc khỏi những tai ương hoạn nạn.
1.Chúng ta vừa nghe lời Chúa. Các bài Lời Chúa ngày hôm nay, nhắc chúng ta về việc ơn gọi cầu nguyện. Đối với chúng ta những người Công giáo, cầu nguyện là một việc làm cấp thiết, diễn tả đức tin của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta tin vào quyền năng của Chúa trên lịch sử đời mỗi con người và ngay cả trên lịch sử của một dân tộc, bởi chính trong đức tin, chúng ta xác quyết rằng, Thiên Chúa làm chủ lịch sử và thời gian. Ngài là Anpha và Ômêga, là khởi nguyên và là cùng tận của lịch sử. Lịch sử sẽ qua đi, chỉ có Chúa là tồn tại mãi và chính Ngài mới là người điều khiển lịch sử và làm thay đổi cán cân lịch sử.
Chúng ta cầu nguyện còn bởi chúng ta tin vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Chính Chúa đã nói: “Các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, của lành phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.” Chúng ta tin như thế và vì thế mỗi cuối tháng chúng ta lại hiện diện nơi đây để cầu nguyện cho nhau, nhất là cầu nguyện cho đất nước được bình an, cho các quyền của con người được tôn trọng. Chúng ta cầu nguyện vì tin rằng, Thiên Chúa đã trao mảnh đất này cho chúng ta để nhờ quyền năng và tình yêu Chúa, chúng ta cùng nhau chăm sóc, giữ gìn.
2. Nhiều người nói với chúng tôi rằng, cầu nguyện cho công lý và hòa bình đúng hay sai?
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rằng, cầu nguyện cho quê hương, đất nước không những là cần thiết mà là một bổn phận phải làm. Cầu nguyện cho đất nước là một hành động yêu nước chân chính, cao đẹp, vì chúng ta không chỉ muốn xây dựng một đất nước giầu đẹp về vật chất, mà còn muốn xây dựng một đất nước được xây dựng bởi những giá trị đức tin, những giá trị trường tồn làm nên ý nghĩa cuộc sống mỗi người và ý nghĩa của mỗi quốc gia dân tộc.
Chúng ta cầu nguyện cho đất nước còn là để xin ơn trên phù hộ – xin Ngài ra tay ngăn chặn những bàn tay tội lỗi của các cá nhân, hay của các tổ chức đã hiện nguyên hình là một cơ chế tội ác, để mong giữ gìn đất nước, quê hương không bị sụp đổ dưới lưỡi hái tử thần và sự xâm lấn của ngoại bang.
3. Nhưng chúng ta phải cầu nguyện thế nào?
Ông Abraham, vị tổ phụ vĩ đại của người Do thái, cũng là người cha của chúng ta trong đức tin (x. Rm 4,11-12,16-17) – trong bài đọc thứ nhất hôm nay, cung cấp cho chúng ta một mẫu gương về cầu nguyện, khi ông cầu bầu cho hai thành Sôđôma và Gômôra.
Chúng ta biết rằng, trước tình trạng tội lỗi của hai thành Sôđôma và Gômôra, trước nguy cơ thành sẽ bị tàn phá, nhất là trước trách nhiệm được Thiên Chúa chọn làm tổ phụ một dân tộc, ông Abraham lập tức trình bày vấn đề với tất cả mức độ nghiêm trọng của nó cho Chúa, và ông thưa cùng Người: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” (c.23-25).
Với những lời này, ông Abraham đặt trước Thiên Chúa nhu cầu cần phải tránh một thứ công lý tổng lược: nếu thành có tội, thì việc lên án tội của nó và trừng phạt nó là đúng, nhưng, việc trừng phạt tất cả các dân cư mà không phân biệt ai cả như vậy là bất công. Nếu có những người vô tội trong thành thì họ không thể bị đối xử như những kẻ có tội.
Tuy nhiên, nếu đọc đoạn văn kỹ hơn, chúng ta nhận thấy rằng lời cầu xin của Ông Abraham thậm chí còn đi xa hơn. Ở đây, ông không chỉ đơn thuần cầu xin Chúa cứu những người vô tội. Ông còn cầu xin ơn tha thứ cho toàn thể dân thành, cho người lành kẻ dữ, cho cả nhửng kẻ mưu toan hãm hại thành. Ông làm như thế bằng cách nại đến đức công chính của Thiên Chúa. Thực ra, khi ông thưa cùng Chúa: “Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?” (c.24b), ông đã đưa ra một ý tưởng mới về công lý. Theo đó, không thể trừng phạt những kẻ phạm tội như loài người vẫn làm, mà là tìm ra những điều tốt để qua đó tha thứ, và biến đổi kẻ có tội, hoán cải và cứu độ người ấy. Như thế, bằng lời cầu nguyện của mình, ông Abraham đã không chỉ xin một công lý thuần báo ứng – thứ công lý của thế gian, thứ công lý ăn miếng trả miếng, có tội phải bị phạt, nhưng xin một công lý “cao thượng”, thứ công lý khởi đi từ lòng thương xót, theo đó “người ta không thể đối xử với những người vô tội như những kẻ có tội, nhưng cần phải đối xử với kẻ có tội như người vô tội” khi họ biết sám hối lỗi lầm.
Ở đây, có một chi tiết nhỏ nhưng mang một ý nghĩa lớn với chúng ta – những người đang cầu nguyện cho công lý và hòa bình, đó là sau khi không thể tìm được 50 người lành, ông Abraham đã xin giảm bớt con số xuống còn ba mươi, hai mươi và ông dừng lại ở con số 10. Câu hỏi đặt ra là vì lý do gì mà ông Abraham dừng lại ở mười người thì không được nói đến trong bản văn, nhưng theo Đức Giáo hoàng Biển Đức 16, có lẽ đây là một con số có tính biểu tượng, ám chỉ số người nòng cốt tối thiểu của một cộng đồng để bắt đầu cho công cuộc tái thiết thành. Ngày nay cũng thế, với người Do thái, mười người là số đại biểu cần thiết để cầu nguyện công khai và với mười người ban đầu, Thiên Chúa có thể cứu cả một dân tộc (x. bài Giáo Lý của ĐTC Bênêđictô về Cầu Nguyện trong buổi triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày thứ Tư, ngày 18 tháng 5 năm 2011.” Đó là điều chúng ta tin, nhưng cũng là sự hướng dẫn mà hôm nay, qua câu chuyện thú vị này, Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn chúng ta.
Tóm lai, câu chuyện ông Abraham – người cha của chúng ta trong đức tin, cầu nguyện cho hai thành Sôđôma và Gômôra, nhắc chúng ta về bổn phận phải cầu nguyện cho quê hương, đất nước, nhất là khi đất nước lâm nguy, khi đất nước chìm đắm trong đau khổ vì đã công khai chống báng Thiên Chúa, bởi tà thuyết vô thần. Giống như ông Abraham, chúng ta được Chúa ban cho một vùng đất làm gia nghiệp, một giống nòi và một phước lành viên mãn mà qua chúng ta, Chúa muốn ban cho dân tộc này. Vì thế, chúng ta phải thấy trách nhiệm đối với con cháu khi tổ quốc đang lâm nguy, khi giang sơn gấm vóc có nguy cơ rơi vào tay giặc. Chúng ta có thể là một số rất nhỏ, nhưng chúng ta tin rằng, nhờ quyền năng Chúa, một số rất nhỏ sẽ làm nên chuyện lớn nếu chúng ta kiên tâm cùng nhau thành tâm nguyện cầu.
4. Chúng ta đã cầu nguyện từ nhiều năm nay tại nhà thờ Thái Hà này, nhưng thiết nghĩ chúng ta đã cầu nguyện chưa đủ. Câu chuyện ông Abraham cầu nguyện hôm nay, nhắc chúng ta rằng, chúng ta có thể là số nhỏ, nhưng với bảy triệu người công giáo, trải dài từ bắc tới nam, trong nước cũng như hải ngoại, nếu chúng ta cùng nhau thắp sáng ngọn nến cầu nguyện vào mỗi Chúa nhật cuối tháng, theo hoàn cảnh của riêng mình, thì chúng ta tin rằng, đất nước này sẽ được Chúa chúc phúc.
Ông Peter Benenson, một luật sư người Anh – người sáng lập Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, tại một buổi lễ cử hành “Ngày Quốc Tế Nhân Quyền” – ngày 10 tháng 12 năm 1961, đã nói: “Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng đêm. ” (Better to light one candle than to curse the darkness).
Những ngày nay, Biển đông lại nổi sóng. Chính quyền Bắc kinh một lần nữa ngang ngược xâm phạm chủ quyền nước ta. Đất nước chúng ta ngàn cân treo sợi tóc. Đó là chưa kể những thù trong là những nan đề của đất nước đang réo gọi lòng tự tôn dân tộc và tình yêu quê quê hương đất nước của chúng ta. Vì thế, hôm nay, tôi tha thiết xin anh chị em – chúng ta hãy cùng nhau phát động phong trào cầu nguyện cho quê hương, với tên gọi: “Chúng tôi là ánh sáng”. Chúng ta hẹn nhau vào mỗi tối Chúa nhật cuối tháng, dù ở bất cứ nơi đâu, tất cả chúng ta – đồng bào công giáo, hải ngoại cũng như quốc nội, chúng ta cùng cầu nguyện cho quê hương. Chúng ta có thể cầu nguyện cá nhân, có thể cầu nguyện theo gia đình, cầu nguyện theo cộng đoàn. Chúng ta có thể cầu nguyện âm thầm, có thể cầu nguyện công khai. Chúng ta cũng có thể liên kết cùng thắp sáng mạng xã hội bằng lời cầu nguyện cho đất nước, cho quê hương.
Tôi cũng xin mời gọi những anh chị em không công giáo, xin hãy hợp ý với chúng tôi. Quý vị có thể cầu nguyện cho quê hương theo niềm tin tôn giáo của quý vị. Chúng ta tin rằng, nếu chúng ta chung sức, chung lòng, và kiên trì cầu nguyện – như chính Chúa Giêsu đã nói và đã hứa, đất nước và chính lòng dạ chúng ta cũng sẽ được hồi sinh.
Tất cả chúng ta ai cũng muốn là người yêu nước và mong muốn nền công lý của tình thương mau hiển trị. Chúng ta tin rằng, khi tất cả chúng ta cùng cầu nguyện, khi ngọn nến cháy lên và lan tỏa, chúng ta không chỉ có một Thái Hà mà mỗi gia đình là một Thái Hà, và khi mỗi nhà là một ngọn nến, thì ánh sáng ngọn nến sẽ soi vào bóng tối, sẽ thức tỉnh lương tâm chúng ta, nhất là lương tâm của những ai đang cầm quyền trị nước.
Chúng ta tin rằng, cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng sẽ thay đổi lòng người, và những con người đã được biến đổi, chính họ sẽ thay đổi thế giới.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta; cho quê hương Việt Nam thân yêu và cho mỗi người dân Việt Nam, để cùng nhau, chúng ta thắp sáng quê hương bằng tình yêu và sự hy sinh của mỗi chúng ta. Amen!
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R