Trong tiền có tâm *

Thái Hà (07.03.2015) – Trong tuyển tập Truyện Cười Thư Giãn có câu chuyện vui như sau:

Một cặp vợ chồng nọ chuyên nghề cho vay cắt cổ và nhanh chóng trở thành giàu có. Để tránh miệng tiếng thế gian, họ thỉnh thoảng lại bỏ tiền ra làm việc từ thiện. Thậm chí, họ còn đi lễ nhà thờ và tỏ ra là những con chiên ngoan đạo.
 
Thế rồi, vị linh mục ở nhà thờ đó qua đời và một ông cha mới đến thay. Ông ta không những nhìn thấu tim đen của đôi vợ chồng kia mà còn luôn đưa ra những nhận xét thẳng thắn về họ trước đám con chiên khiến hai người nhiều phen xấu hổ.16
 
Vị linh mục mới cũng là người thuyết giảng rất hay. Vì vậy, số người đến nghe ngày càng đông khiến ông phải vận động gây quỹ để xây dựng nhà nguyên mới, rộng hơn.
 
Đúng thời điểm đó, người chồng của gia đình kia qua đời. Bà vợ tìm đến nhà thờ với một tấm chi phiếu có giá trị lớn, đủ để trang trải phí tổn cho việc xây nhà nguyện. Điều kiện bà đặt ra là trong tang lễ của chồng mình, linh mục phải gọi tên ông ta là một vị Thánh. Vị linh mục suy nghĩ hồi lâu rồi nhận lời và đút séc vào túi.
Thế nhưng, lúc làm lễ, vị linh mục bộc trực không kiềm chế được:
– Đây là một người có tâm địa hiểm độc. – Ông nói, Một kẻ dối trên lừa dưới, để đạt được mục đích thì sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn nào…
 
Chợt nhớ ra cam kết của mình với bà vợ của người chết, vị linh mục vội nói thêm:
 
– Nhưng so với người vợ, ông ta vẫn là một vị Thánh.
Đây là một câu chuyện vui nhưng nó cũng phản ánh khá trung thực một thực trạng về tinh thần sống đạo của chúng ta. Nhiều khi chúng ta cho rằng việc đọc kinh nhiều, đi lễ đủ, quà cáp cho các cha hay dâng cúng nhà thờ một cách hậu hỉ, thường xuyên là phương cách để mình nên Thánh, để thu ngắn con đường tiến gần đến Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra, trước mặt Chúa tất cả những việc làm đạo đức đó không hề giúp cho chúng ta trở nên thánh thiện hơn nếu chúng ta không đặt vào đó lòng yêu mến và cảm nhận sự hiện diện sống động của Chúa trong mỗi người anh em nghèo khó, đau khổ, bất hạnh mà chúng ta hằng tiếp xúc.
Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh có viết :
“Khi mê tiền vẫn là tiền
Tỉnh rồi mới biết trong tiền có tâm”
Trở lại câu chuyện nêu trên, người vợ đã dùng số tiền kiếm được nhờ vào việc “chuyên cho vay cắt cổ ” làm việc thiện để chứng tỏ mình đạo đức, thậm chí dùng những “đồng tiền máu” ấy dâng cúng trong việc xây nhà nguyện với mong muốn người chồng qua đời của mình được xưng tụng như một vị Thánh. Đồng tiền của họ kiếm được không hề có Tâm, nó không là kết quả của một sự lao động chân chính, ngược lại nó có được nhờ việc lợi dụng sự cam chịu, chấp nhận của những người nghèo túng, khốn cùng. Họ muốn đến với Chúa nhưng không muốn đi theo đường lối của Ngài, do vậy họ dùng tiền bạc như một sự biện minh, một sự khỏa lấp và từ đó tự huyển hoặc rằng mình là người công chính, thánh thiện.
Theo tin từ Catholic News Service thì trong buổi tiếp kiến chung hôm 2 tháng Ba tại Quảng trường Thánh, trong bài huấn dụ với hàng ngàn khách hành hương, khi nói về nạn bóc lột và trả lương không công bằng cho công nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô bảo các nhà hảo tâm hãy quên chuyện đóng góp tài chính cho Giáo hội đi nếu đồng tiền kiếm được của họ là do lừa gạt người khác. Ngài khẳng định : “Giáo Hội cần lòng thương xót chứ không cần đồng tiền bẩn” . “Tôi nghĩ đến một số nhà hảo tâm dâng cúng một món quà cho Giáo hội – ngài nói – và đôi khi món quà ấy “ là kết quả của nước mắt và máu của nhiều người bị bóc lột, ngược đãi, nô lệ hóa bởi công việc được trả lương ba cọc ba đồng”. Tôi nói với những người đó : “Làm ơn cầm lại những tấm sec của bạn đi. Đốt bỏ đó đi. Đoàn dân Thiên Chúa, Giáo Hội không cần đến những đồng tiền bẩn này.” Vâng ! “ Giáo Hội cần những tấm lòng mở để đến được với Lòng Thương Xót của Chúa” chứ không cần đến những đồng tiền không có Tâm.
Cho dù sống bằng một nghề không lương thiện nhưng vợ chồng người “chuyên cho vay cắt cổ” vẫn muốn nên Thánh theo cái cách của họ. Trong đời sống người Kitô hữu, con đường nên Thánh rất giản dị và ai trong chúng ta cũng được mời gọi để nên Thánh. Đức Gioan Phaolo II cũng đã nói : “ Đừng hiểu lầm về ý tưởng trọn lành này như thể đời sống thánh thiện đòi hỏi có một cuộc sống phi thường mà chỉ vài người xuất chúng mới đạt được”. Tuy nhiên, muốn trở nên người bạn tâm giao của Chúa, chúng ta cần chu toàn thực hiện những bổn phận hàng ngày với lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Không có sự lựa chọn nào tốt hơn thế. Chúa đón nhận mọi cố gắng của chúng ta. Ngài không quan tâm đến khối lượng hay kết quả những việc đạo đức chúng ta mang lại cho bằng Ngài đánh giá cao tình yêu của chúng ta đặt vào những công việc đó. Và đó là điều kiện cần và đủ để chúng ta nên Thánh.
Lạy Chúa, Chúa đã phán : “ Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ ” ( Hs 6, 1b-6 ) , Ngài chỉ muốn lòng nhân từ, bác ái, sự công bình chứ không cần những của dâng cúng chứa đựng sự bất công, tàn ác, vô cảm của chúng con đối với người anh em của mình. Vì thế xin Ngài hãy ban ơn giúp sức giúp chúng con “ kiến tạo sự công bình như hành vi hoán cải để nhận lãnh sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa” , đặc biệt là trong mùa Chay Thánh này . Amen.
*Chữ của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh
Điền Phương Thảo
Nguồn: tinmungchonguoingheo.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.