Vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng, Đức Thánh Cha từ cửa sổ phòng làm việc của ngài ở Dinh Tông Toà, cùng với hàng ngàn, hàng trăm ngàn các tín hữu khắp nơi trên thế giới hành hương Thánh đô Rôma, tụ tập bên dưới quảng trường Thánh Phêrô để đọc Kinh Truyền Tin và nhận phép lành Tòa Thánh.
Tục lệ này có từ thế kỷ XVI để cầu nguyện xin hòa bình cho Âu châu lúc đó đang chiến tranh, có nguy cơ bị xâm chiếm. Và ngày nay biểu hiện sự liên kết hiệp thông giữa mọi người tín hữu trong cùng một đức tin vào Chúa với vị cha chung của Hội thánh, cũng như để đón nhận những giáo huấn của ngài.
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha “Cari fratelli e sorelle” (Anh chị em thân mến) được đáp lại bằng những tiếng hò reo, những tràng vỗ tay đáp lại của khách hành hương vang dội khắp quảng trường Thánh Phêrô.
Lần đầu tiên trong lịch sử, hình ảnh một vị Giáo hoàng đơn côi đứng bên cửa sổ lúc 12 giờ trưa Chúa nhật, ngày 15/3/2020, âm thầm đọc kinh Truyền tin một mình và giơ tay ban phép lành trên quảng trường không có một bóng người trong một khoảng không gian im lặng đến rợn người, khiến con tim của người Công giáo trên thế giới đau nhói.
Ngài đứng đó, một mình bên cửa sổ, đôi mắt không hướng hướng nhìn vào không gian quen thuộc như mọi khi, nhưng nhìn toàn cảnh bi thương của nhân loại trong một thế giới âm u đầy đau thương và nước mắt, không những vì đại dịch Coronavirus đang tàn phá thế giới, gieo nỗi kinh hoàng cho nhân loại, gây nên cuộc khủng hoảng cho các quốc gia, mà còn hàng triệu triệu người di dân, đành đoạn dứt bỏ quê hương để sinh tồn, đang đói khát lang thang tìm cách vượt biên, một số bỏ mạng trong rừng sâu, hoang mạc, số khác bị vùi dập giữa lòng biển cả.
Ngài đứng đó, một mình ở quảng trường vắng lặng, tai như vẫn nghe mồn một tiếng đạn rít, bom nổ trên các chiến trường, hoà trộn với những tiếng kên la, rên rỉ đau đớn của những người bị thương, hấp hối và những tiếng cười đắc thắng của những chính khách đầy dã tâm và tham vọng trên bàn cờ chính trị giữa các quốc gia.
Ngài đứng đó, cô đơn và lạc lõng trong một thế giới bị tan nát từng mảng lớn vì thiên tai lẫn nhân tai, từ nạn ô nhiễm, khai thác cùng kiệt các tài nguyên, biến đổi khí hậu, cháy rừng… đến những thành phố, những quốc gia bị cách ly vì dịch bịnh, nơi có những con người hoang mang vì sợ hãi, mất phương hướng và nhất là thứ dịch đóng cửa nhà thờ, đình chỉ thánh lễ sẽ huỷ hoại niềm tin và đẩy niềm hy vọng vào bế tắc.
Nhìn vào một thế giới đầy thương tích, với những vết lở loét mới cũ ngay giữa trưa, tựa như bị bao trùm bởi bóng tối ma quái đầy đặc sự chết chóc và huỷ diệt, liệu ngài có thấy đâu đó loé lên tia sáng của niềm tin và hy vọng – của ngày mai tươi sáng và những tiếng cười trên những khuôn mặt rạng rỡ vui tươi, bình an và hạnh phúc ?
Chắc chắn việc chữa lành những vết trọng thương ấy không đến từ những sáng kiến của con người, kể cả với những thành tựu về khoa học và kỹ thuật hiện đại, vì nó không đủ trình và năng lực để làm chuyện ấy, mà chỉ nhờ bởi Đấng đã mang đầy thương tích và chịu treo trên thập giá mà nhân loại được chữa lành, khôi phục lại niềm tin và sức sống (x.1Pr 2,24) Duy chỉ có Đấng mà trần thế đau khổ và tuyệt vọng hôm nay cần tìm đến, là Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá; Đấng đã gánh chịu mọi thứ xấu xa và thân mang đầy thương tích vì yêu mến thế gian và đã dùng thần lực của Thiên Chúa tiêu huỷ nó; Đấng có thể đem đến cho thế giới xấu xa này sự chiến thắng và chữa lành, đem lại niềm hy vọng vững chãi: thế gian gian ác này sẽ không lướt thắng được sự công chính, những kẻ tưởng đã giết được Thiên Chúa sẽ phải thẹn thùng tủi hổ.
Đó là điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã tin và những bước chân của niềm hy vọng đã đưa ngài đến Nhà thờ Thánh Marcello vào buổi chiều cùng ngày, để cầu nguyện với Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh giá; cây Thánh giá này đã từng được dùng trong đám rước khi bệnh dịch xảy ra ở Roma năm 1522 và đến Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore để xin Mẹ ban ơn bình an cho toàn thế giới. “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.” (Tv 34, 6-7)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT