Án Tử Thời CoronavirusSáng ngày 23 tháng 10 năm 2016, hàng chục người thuộc nhóm bảo vệ công ty Lương sơn mang hung khí tiến hành cưỡng chế đất đai và nhà cửa của gia đình anh Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông.
Anh Hiến trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, đã nổ nhiều phát súng chỉ thiên nhưng không ngăn chặn được sự hùng hổ của những người này.
Bị dồn vào đường cùng, để tự vệ và bảo vệ tài sản của mình trước hành động phi pháp của Công ty Long Sơn, anh phải giữ đất đến cùng để giữ gìn những tài sản quý giá họ đã vất vả làm ra, dù phải hy sinh mạng sống. Do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trước những kẻ cướp đất, anh đã bắn trả, khiến ba người thuộc công ty Lương sơn chết và mười mấy người bị thương.
Tin vào lời khuyên của chính quyền, đầu thú được khoan hồng, anh nộp mình và phải nhận bản án tử hình vì bị kết tội cố tình giết người có tính chất côn đồ.
Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 27/09/2019 đã bác đơn kiến nghị Giám đốc thẩm của gia đình và các hộ dân tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, đơn xin bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt của ba gia đình có con bị chết, và những cơ sở về mặt pháp lý của các luật sư biện hộ cho anh trong vụ án, giữ nguyên bản án tử hình đối với tử tù Đặng Văn Hiến.
Tưởng cũng nên biết, ngày 17/7/2018, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn 847/VPCTN-PL thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến.
Vậy, với việc y án bản án tử hình, đó có phải là sự “khoan hồng” mà Nhà cầm quyền Cộng sản hứa, khi khuyên anh đầu thú ?
Nếu “khoan hồng” để áp khung hình phạt nặng nhất là tử hình, và “đầu thú” không được xem xét như là một yếu tố để giảm nhẹ hình phạt, mà để nhận được “sự khoan hồng” như thế, e rằng bản án của anh Đặng Văn Hiến sẽ gây ra sự bất ổn vế mặt xã hội, sẽ hình thành một lối suy nghĩ nguy hiểm cho những người phạm tội về sau khi thấy “tấm gương” Đặng Văn Hiến!
Tệ hơn nữa, hệ thống tư pháp này khó có sức thuyết phục người dân tin tưởng vào pháp luật là công lý, hợp với lẽ công bằng, hợp với lòng người, thì những quy định pháp luật trở nên là trò trẻ con.
Bản án tử hình cho người nông dân giữ đất Đặng Văn Hiến xảy ra trong bối cảnh không những toàn thế giới đang hoang mang, lo sợ vì đại dịch Cúm tàu cướp đi bao sinh mạng con người, kéo theo những khủng hoảng về các lãnh vực khác trong các quốc gia, mà còn ngay cả ở Việt Nam, sự khủng hoảng đang có chiều hướng gia tăng và Nhà cầm quyền còn loay hoay với các giải pháp đối phó, chưa có một chiến lược tổng thể nào khả dĩ có thể ngăn chặn hữu hiệu sự lây lan của dịch bịnh này.
Sự bất ổn chính trị có xảy ra không khi người dân ngày càng kiệt sức, tiêu đến đồng bạc cuối cùng của mình để đối phó với cơn đại dịch bằng việc mua khẩu trang, nước sát trùng, tích trữ lương thực, ở nhà, hạn chế ra ngoài, chẳng thiết đến làm ăn, các doanh nghiệp phải sa thải nhân viên, các ngành nghề suy kiệt, các địa điểm du lịch, những khu vui chơi giải trí bị đóng cửa và phá sản, các khu phố, khu vực bị cách ly… ?
Hoà trộn vào đó, âm ỉ những nhức nhối như muốn toang hằng chục năm qua, từ những vụ án của những tù nhân lương tâm, những vụ án oan, những vấn nạn về đất đai kéo dài do lòng tham không đáy của những trọc phú cấu kết với những kẻ có chức quyền, do chính sách của Nhà nước về “sở hữu toàn dân” và đàn áp những người bất đồng chính kiến gây ra, đơn cử là vụ ám toán cụ Lê Đình Kình hồi đầu năm và nay, y án bản án tử hình cho nông dân Đặng Văn Hiến.
Giới chuyên môn cho rằng, đây không phải là một vụ án đơn thuần về phương diện pháp lý mà là vụ án chính trị. Bởi Nhà cầm quyền luôn muốn người dân hiểu rằng, bằng mọi giá, họ sẽ cương quyết không nương tay đối với những trường hợp như vậy. Nhưng những người nông dân cùng khổ lại nghĩ rằng, một khi niềm tin vào công lý không còn, nhưng khi bị ép đến bước đường cùng, thì dù có muốn hay không, họ buộc phải chọn lựa “án tử” trong sự tuyệt vọng khốn cùng.
Ngày anh Đặng Văn Hiến ra “đầu thú” để được hưởng “sự khoan hồng” của Nhà nước, những người yêu công lý và sự thật vui mừng vì tưởng còn có chút gì là công lý và chính nghĩa, những người dân trong vùng ra đón anh trong nước mắt và sự cảm thông, thì tưởng đó là “lối thoát” cho anh, nhưng…
Lá đơn tuyệt vọng của anh đang được gửi đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để xin ân xá. Cần lắm những người thiện tâm đồng lòng lên tiếng trước sự oan ức của anh. Ước mong công lý rồi ra sẽ trở lại pháp đình.
nguồn: Lm Giuse Ngô Văn Kha, DCCT