Tôi tính không viết gì, nhưng rồi lại ngồi vào bàn, vì hôm nay là ngày giỗ Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, hoa quả đầu mùa của Giáo xứ Tam Châu quê hương tôi dâng cho Chúa.
Tôi nói vậy vì từ lúc người Công giáo đến lập nghiệp ở Tam Châu cuối thế kỷ XIX thì ngài là người đầu tiên đi tu làm linh mục và ngài cũng là vị mục tử đầu tiên mà tôi gặp trong đời.
Ở nhà bố mẹ tôi hay kể chuyện về Đức Cha và những việc ngài làm thuở ngài còn làm cha xứ ở quê nhà. Hơi tý gì bố mẹ tôi lại bảo hồi Đức Cha còn ở đây, Đức Cha nói thế này, Đức Cha làm thế kia.
Từ lúc tôi còn bé tý bố tôi đã đưa tôi xuống thăm Đức Cha và đi lễ ở Nhà thờ Phát Diệm. Tôi nhớ lần nào cũng được Đức Cha cho cái gì ăn được.
Tôi nhớ có lần trong phòng không còn gì cho tôi thì Ngài đã dẫn tôi xuống nhà bếp Nhà Chung nói ông cai kiếm xem có gì ăn được thì cho tôi. Bởi vậy mỗi lần nói được đi Phát Diệm tôi rất háo hức.
Tôi nhớ hồi ấy cái phòng Đức Cha nằm ở chân cầu thang dẫn lên lầu 1, trước cửa phòng dọc theo hàng lang bằng gạch bát tràng là là ruộng lúa, vườn rau.
Tôi nhớ cứ đến gõ cửa phòng một cái là Đức Cha ra mở cửa. Hồi đó tôi thấy bất cứ ai có việc gì đều có thể đến Tòa Giám Mục và nếu biết phòng Đức Cha ở đâu đều có thể gõ cửa trực tiếp.
Tôi thấy người ăn mày cũng làm vậy và Đức Cha cũng luôn nhẹ nhàng và ân cần tiếp chuyện họ và giúp họ cái gì, dù Tòa Giám Mục đã có người phụ trách việc bố thí.
Tôi nhớ qua cửa phòng ngài thì bên trái, giáp cửa sổ, là cái bàn hình chữ nhật dài cỡ mét rưỡi và mấy cái ghế. Đấy là chỗ để ngài tiếp khách quen thân và cũng là chỗ buổi tối ngài “uống nước” trước khi đi ngủ.
Đối diện về phía mặt sau, tức là cái góc xa nhất tính từ cửa phòng, là cái gường nhỏ, cạnh đấy là cái bàn làm việc của ngài với cái giá sách nhỏ phía trước và một cái tủ nhỏ.
Phía mặt tường đối diện tức là nơi cửa chính đi thẳng vào là một cái bàn nhỏ, bên trên là kệ sách, một cái bàn nhỏ tiếp theo đựng dao kéo, mấy hộp thuốc, hộp đường, hộp bánh, hoa quả hay thứ gì đó ăn được.
Phía trong cùng là cái giá sắt có cái bình đựng nước lớn và mấy cái thau nhỏ để rửa tay, rửa mặt. Hồi đó, phòng ngài không có bồn robinet và cũng không có toilet.
Muốn đi tắm phải đi qua gầm cầu thang bên phải cửa phòng vòng ra phía sau nhà và muốn đi vệ sinh thì còn phải giẽ phải đi hết cái hè sau nhà rồi giẽ trái.
Nhà vệ sinh cơ bản giống như các nhà hố xí thời xưa ở nhà quê miền Bắc vậy. Mỗi khi xong việc, phải xúc tro bếp từ cái bồn bên cạnh đổ lên rồi lấy cái mai nhỏ bằng gỗ đẩy phân và tro rơi xuống cái hố sâu phía sau.
Đấy là nhà vệ sinh của Đức Giám Mục và của chung mọi người trong ngoài Tòa Giám Mục.
Mãi cuối năm 1988, có lần tôi từ Hà Nội về xuống thăm Đức Cha, tôi mới thấy thầy Mạnh, người phụ trách xây dựng của Tòa Giám Mục khi ấy, đang loay hoay lắp hệ thống bồn cầu tự hoại trong phòng ngài.
Tôi nhớ là cuối năm vì lúc đó trời lạnh và mấy khoảng ruộng lúa cạnh hành lang Tòa Giám Mục đã gặt xong và còn thơm mùi rạ mới.
Trong phòng không quạt máy, không máy điều hòa và không máy sưởi, vì lúc đó chưa có điện và nếu có điện thì có lẽ cũng chả có tiền để sắm những thứ máy sang trọng kia.
Mùa hè tôi thấy Đức Cha phe phẩy cái quạt nan. Mùa đông ngài ôm cái bình cao su chứa nước nóng cho bớt lạnh.
Đại văn hào Victor Hugo nói: “Một giám mục mà thánh thiện thì trước hết đấy là một vị giám mục nghèo”.
Tôi thấy ngài vừa nghèo, vừa thánh thiện. Tôi cảm nhận được sự thánh thiện toát ra từ vóc dáng, từ dung nhan từ cái nhìn, từ lời nói của ngài.
***
Như tôi đã nói, từ lúc còn bé tý thỉnh thoảng tôi được theo bố xuống Phát Diệm gặp ngài và đi lễ. Lần nào tôi cũng ngồi đấy hóng chuyện của bố và ngài.
Ngài thường hỏi thăm ông này bà kia sức khỏe thế nào, cuộc sống dân tình ra sao, việc giữ đạo nghĩa của giáo dân trong xứ thế nào, các cảnh vật ở quê chỗ nọ chỗ kia giờ ra sao, chính quyền đối xử với người dân trong giáo xứ thế nào, etc.
Tiếp theo bố tôi trình bày chuyện nọ kia trong giáo xứ với ngài và nghe ngài hướng dẫn. Từ là cách thức tổ chức các việc thờ phượng Chúa ở nhà thờ, cung giọng đọc nghi thức thánh lễ cho đến các cách thức để sửa sang hay bảo vệ nhà thờ, nhà xứ và ruộng đất chung quanh, etc.
Khi về ngài thường gửi cho người này hay người kia trong giáo xứ thứ gì đó. Năm 1980 lúc đi Ad limina về ngài mang về nhiều ảnh Đức Mẹ HCG, ngài cho mỗi gia đình trong xứ tôi một tấm. Thời bao cấp mà có tấm hình đẹp như vậy là rất quý, rất thiêng liêng với chúng tôi.
Có năm quê tôi bị dịch tả nặng, ngài đưa cho bố tôi rất nhiều thuốc con nhộng, ngài hướng dẫn bố tôi cách dùng để về phát cho bệnh nhân trong giáo xứ. Ngài bảo nếu thiếu thì lại xuống ngài cho thêm. Có năm lại có dịch đau mắt hột, thì ngài lại cho thuốc nhỏ mắt.
Nói chung lần nào ngài cũng cho người này người kia thứ gì. Thường là cho các cụ già mà ngài quen biết hoặc cho trẻ em, hoặc cho những người bệnh mà bố tôi vừa báo cho ngài biết.
Từ khi học lớp 11 thì tôi thường một mình đạp xe xuống Nhà Chung gặp Đức Cha mỗi khi có việc cần liên lạc mà bố tôi không đi được. Từ đó tôi thế chỗ bố tôi trong việc kể chuyện nhà quê cho ngài biết.
Riêng chiều thứ bẩy thì gần như tuần nào tôi cũng xuống Tòa Giám Mục. Tôi nhận bài giảng của ngài và kiệu Mình Thánh về nhà thờ quê tôi để cử hành phụng vụ vào chiều chúa nhật hôm sau. Vì giáo xứ tôi thời đó không có cha.
Có lần mùa đông, vừa đến nơi, ngài thấy tôi bị ướt, liền nói: “con mau vào đây, để cha gọi các chú mượn cho con bộ quần áo để thay ra kẻo cảm lạnh.” Nói rồi ngài rung chuông. Một lát sau có một chú đến, trong khi đó ngài tự tay đi pha nước bạc hà cho tôi uống.
Tôi nhớ mãi hình ảnh đầy nhân từ và yêu thương ấy.
Cũng có khi tối thứ bẩy tôi ngủ lại Nhà Chung. Sáng hôm sau lễ xong và ăn sáng xong tôi mới về.
Hồi đấy ở Tòa Giám Mục Phát Diệm, bữa sáng là bữa chính trong ngày và chỉ có khoảng trên dưới chục người: Đức cha ngồi đầu bàn, cạnh đó là cha Hải, thầy Tự và các thầy các chú khác.
Tất cả ngồi ăn chung một bàn và cùng trò chuyện với nhau rất thân thiện. Bữa ăn thường có liễn cơm, tô canh đĩa rau và bát nhỏ cá kho hay tôm kho. Hiếm lắm mới có thịt. Tôi nhớ vậy.
Tôi nhớ Mùa Chay, có khi Tòa Giám Mục ăn chay sáng chúa nhật. Ăn chay thì bữa chính chỉ mỗi người một bát cháo trắng thôi. Đức Cha cũng vậy.
Khi tôi chào Đức Cha để về như thường lệ, thì ngài nói khoan đã. Ngài đi lấy mấy đồng tiền đưa cho tôi và bảo: “Con ra ngoài chợ Nam Dân mua bát bún ăn đã rồi mới đạp xe về kẻo một bát cháo lúc nãy không đủ sức đâu!”
Ngài đọc Nam Dân gần như là thành “Nam Jân” giống nhiều người ở quê tôi và giống tôi lúc còn ở quê nhà.
Một cử chỉ quan tâm nhỏ nhỏ, nhưng tôi rất xúc động và rất vui.
Bây giờ sau nhiều năm nhớ lại tôi mới hiểu là ngài tinh tế và có tình thương thế nào: Ngài biết mùa đông trời rét, mưa phùn, đạp xe 14 km ngược gió, đường ổ trâu ổ bò thật không nhẹ nhàng.
Ngài biết vì ngài cũng đã từng đạp xe lộ trình đấy về Phúc Nhạc dâng lễ Giáng Sinh cho giáo dân trong vùng Yên Khánh sau khi đã làm giám mục và khi trong vùng không còn linh mục nào.
Tưởng cũng nên biết con đường 10 từ Phát Diệm về Phúc Nhạc quê tôi thời Pháp đi năm 1954 để lại thế nào thì cho đến cuối những năm 80 khi tôi đi khỏi quê vẫn vậy và còn tệ hơn. Mặt đường toàn đá lổn nhổn và đầy những “ổ trâu ổ bò” nối tiếp nhau chứ không phải là ổ gà.
Trong những khi ngồi nói chuyện quê hương ngài hơn một lần ngài kể với tôi rằng:
“Ông bà nội cha từ Bùi Chu sang đây lập nghiệp lúc bố mẹ cha còn nhỏ. Khi bố mẹ cha lập gia đình đẻ được cha đầu tiên thì ông bà nội nói với bố mẹ cha: Mình họ Bùi, mình từ Bùi Chu sang đây lập nghiệp, mình đẻ được thằng này ở đây đầu tiên, vậy mình nên đặt tên nó là Bùi Chu Tạo”.
“Cha đâu có ý đi tu. Bố mẹ cha cũng không có ý cho cha đi tu, vì cha ốm yếu. Bố mẹ cha cho hai anh em cha ở với Cha Già Liêm. Cha già nói với bố mẹ cha rằng ngài thích thằng em. Cuối cùng em cha nó nghịch quá. Cha Già đành nhận cha. Cha Già nói với bố mẹ cha rằng “thằng Tạo ngoan lắm, phải mỗi cái ốm yếu!”
Có lần tôi hỏi ngài tại sao ông bà cố và các em ngài vào Nam hết mà ngài lại ở lại Miền Bắc, thì ngài trả lời:
“Lúc ấy nhà ông bà cố cha và các anh em cha đều khá giả và có nhiều ruộng đất, vì thế nhiều người không muốn “ji” cư. Cha biết nếu Việt Minh về nắm quyền thì khó mà sống nổi. Thế là cha đi vào Nam xem tình hình thế nào. Cha thấy trong đấy chính quyền tốt, đất đai phì nhiêu, cha nghĩ là chắc chắn cuộc sống sẽ tốt hơn. Vì vậy cha về nói ông bà cố và anh em nên di cư vào trong ấy. Cha nói cha đi sau. Đến lúc mọi người đi hết, ở lại quê còn mấy chục gia đình, toàn là những người cha biết cả, cha thấy họ nghèo khổ quá, cha thương họ quá, cha nghĩ nếu mình đi hết thì ai giúp họ. Thế là cha ở lại.”
“Ông bà cố Anh em đi thì để lại nhà cửa và ruộng đất đấy. Cha ở nhà thì cha trông nom. Đến lúc cải cách họ lập tòa án đấu tố cha. Có người đòi bắn cha, nhưng cuối cùng họ không làm. Họ tịch thu hết ruộng đất và tịch thu cái nhà xây to của ông Chánh Đạt em cha.”
“Lúc ấy Cha Cố Liêm ở Phúc Nhạc, còn cha thì đang dưỡng bệnh chẳng phụ trách giáo xứ nào. Năm 1954 khi di cư thì Cha Cố Liêm làm Tổng Đại Diện và ngài cho cha ở luôn giáo xứ Tam Châu”.
***
Khi Cha Giuse Vũ Ngọc Bích đưa tôi ra Hà Nội, thì ngài nói với Đức Cha rằng: “Con xin phép đưa cháu Khải ra Hà Nội giúp con lúc tuổi già và giúp cháu theo ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế”.
Đức Cha nói: “Con tính giúp cháu tu ở Phát Diệm mà giờ cháu được Cha Bề Trên giúp thì con rất mừng. Hễ Cha Bề Trên và cháu cần gì mà con có thể giúp được thì cứ nói với con.” (1)
Năm 1990 lúc ngài đi Roma lần hai về, ngài ở Nhà Hưu Dưỡng Phát Diệm Sài Gòn, lúc ấy tôi đang ở Kỳ Đồng, tôi ghé qua thăm ngài, ngài lại nhắc lại với tôi “Hễ con cần gì và cha có thể giúp được thì con cứ nói”.
Từ năm 1994, tôi về quê vào mỗi dịp tết và tôi đều xuống thăm ngài. Ăn cơm và nói chuyện với ngài có khi cả buổi. Khi về bao giờ ngài cũng mừng tuổi tôi và gửi quà tết về cho các em các cháu ở quê nhà.
Hồi đó các tu sĩ muốn được nhà nước cho phép chịu chức linh mục đều phải do đức giám mục giáo phận nơi mình có hộ khẩu thường trú gửi đơn lên chính quyền tỉnh.
Khi tôi học xong thần học năm 2000, ngài đã ký giấy xin Tỉnh Ninh Bình cho tôi chịu chức linh mục. Tôi mang lên Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình nộp. Một cán bộ tên Lê Viết tiếp tôi và từ chối nhận đơn.
Cuối cùng tôi đã bí mật chịu chức linh mục vào một đêm khuya trong một căn phòng nhỏ. Chịu chức “chui”như chữ nhà nước cộng sản gọi!
Năm 2001 lần cuối tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội có việc, tôi có cùng Cha Phó Giám Tỉnh Phạm Huy Lãm ghé thăm ngài, lần đấy ngài tiếp chúng tôi cách lưu luyến khác thường.
Lúc tôi xuống khỏi lầu 1, nơi ngài ở lúc cuối đời, đã đi tới đường giữa trước TGM rồi, thì nghe tiếng thầy giúp việc ngài, thầy Khoa-nay là cha Khoa-gọi giật lại. Tôi nhìn lên thấy ngài từ hành lang lầu 1, đang dõi theo chúng tôi và tươi cười vẫy tay chào từ biệt chúng tôi lần nữa.
Tôi linh cảm có lẽ đấy là cái vẫy tay tạm biệt tôi mãi mãi và có lẽ đây là lần cuối tôi được gặp ngài.
Quả đúng vậy. Mấy tháng sau ngài qua đời và hôm nay là ngày giỗ ngài.
Tôi nhớ đến ngài trong Thánh Lễ và tôi xin ngài cầu nguyện cho tôi, cho cái thôn Tam Châu nhỏ bé quê tôi và cho vùng biển sóng gió là Giáo phận Phát Diệm quê tôi, cho nước Việt Nam và cho cả thế giới này.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
(CÒN TIẾP PHẦN 2)
(1a) Tôi rất cảm phục lòng khiêm nhường của Đức Cha. Bấy giờ tôi thấy khi nói chuyện, ngài gọi các cha bằng “cha” và ngài xưng bằng “con”. Không phải bằng “tôi-cha”. Dù ngài lớn tuổi hơn các cha nhiều. Trong khi đó, mỗi lần nói chuyện với tôi, ngài gọi tôi là “con” và xưng bằng cha”. Không phải bằng “đức cha-con”, không phải bằng “tôi-con hay thầy”.
(1b) Đức Cha rất quý cha Vũ Ngọc Bích, vì cùng quê và cùng học với nhau tại Chủng viện Thượng Kiệm và cùng giúp Chủng viện Phúc Nhạc. Đức Cha có ý xin cha Vũ Ngọc Bích về làm Giám mục Phó, nhưng bị nhà nước chối từ. Dù vậy ngài vẫn dùng Cha Bích như là vị cố vấn đáng tin cẩn.