Thông tin về những người dân bị bắt bao gồm bà Cấn Thị Thêu cùng hai người con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng như bà Nguyễn Thị Tâm được mọi người quan tâm. Tất cả họ đều xuất thân từ những nông dân bị nhà cầm quyền dùng bạo lực cưỡng chế đất đai với giá rẻ mạt nhiều năm trước tại Dương Nội, Hà Nội.
Từ những dân oan, họ xuống đường biểu tình, đấu tranh cách ôn hòa cho quyền lợi chính đáng của mình và gia đình và họ đã bị sách nhiễu, đánh đập. Hai vợ chồng là ông Khiêm và bà Thêu đã phải vào tù. Riêng bà Thêu còn bị kết án đi tù thêm một lần khác.
Dù vậy, ý thức những bất công đang xảy ra trong xã hội, những con người này vẫn kiên trì đấu tranh. Họ không chỉ đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, mà còn quan tâm đấu tranh, lên tiếng cho quyền lợi của người khác, cho những vấn đề của đất nước.
Đợt bắt bớ của nhà cầm quyền đối với bốn người này được mọi người cho rằng, vì họ đã kiên trì đưa những thông tin vụ nhà cầm quyền tấn công vào làng Hoàng, Đồng Tâm hồi tháng 01 năm 2020 lên mạng xã hội cũng như đến với các cơ quan ngoại giao nước ngoài.
Dù những người bị bắt bớ hôm nay không phải là người Công Giáo, nhưng nhiều lần họ đã đến nhà thờ cầu nguyện, cách riêng cho công lý và hòa bình. Hôm nay, những con người này bị bắt, tôi nghĩ đến một nhân vật mà Hội Thánh Công giáo mừng lễ vào chính hôm nay, đó là thánh Gioan Baotixita hay còn gọi là thánh Gioan Tiền Hô, Thánh Gioan Tẩy Giả.
Gioan Baotixita là con của ông Giacaria và bà Elisabet. Hai ông bà son sẻ sinh ra ngài khi đã về già.
Khi sứ thần Gapriel đến truyền tin cho Đức Maria, sứ thần cho biết, bà Elisabet, chị họ của Maria đang cưu mang người con trai được sáu tháng.
Cuộc sinh hạ của Gioan Baotixita được Kinh Thánh thuật lại là cuộc sinh hạ kỳ lạ, do quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuộc đời của Gioan cũng kỳ lạ. Ông khoác áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ông dùng châu chấu và mật ong rừng làm lương thực.
Gioan Baotixita có sứ mạng duy nhất là làm chứng về Đấng Cứu Thế; nghĩa là ngài là làm chứng rằng, Giêsu Nagiarét là Thiên Chúa làm người, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.
Vì Gioan bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình” nên ngài đã bị thù ghét. Ngài bị bắt giam trong ngục và bị chém đầu.
Gioan cũng như bao vị ngôn sứ khác, vì nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật mà phải thiệt thân.
Nếu như Gioano Baotixita là tiếng hô trong hoang địa, ngài là người dọn đường cho Đức Kitô đến, thì ngài cũng làm chứng và kêu gọi người ta có lối sống xứng với những giá trị mà Đức Kitô mời gọi.
Cũng như Giaon Baotixita, có biết bao con người thành thâm thiện chí của thời đại hôm nay, vì lương tri và đức tin của mình đang đóng vai của một vị ngôn sứ. Họ lên án cái xấu và làm chứng cho sự thật. Họ sẵn sàng trả giá cho sứ mạng đó khi hy sinh hạnh phúc cá nhân, gia đình. Họ bị sách nhiễu, đánh đập, bỏ tù và đôi khi là hy sinh chính mạng sống của mình.
Là ngôn sứ, nghĩa là đã chấp nhận hy sinh, nhưng đó là những hy sinh vẻ vang trong thánh ý Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT