Theo trang mạng GetReligion (https://www.getreligion.org/getreligion/2020/8/2/catholic-news-outlets-do-the-reporting-on-church-vandalism-where-secular-media-wont), mùa hè này tràn ngập tin tức về chia rẽ chính trị, bất ổn dân sự và giật sập tượng đài. Nhưng nổi bật nhất vẫn là chuyện văn hóa bị chính trị tha hóa.
Theo dõi tin tức hiện nay đã trở thành một việc làm người ta mệt lử, nhất là qua các mạng xã hội, chính vì cái lăng kính chính trị này, qua đó họ nhìn mọi chuyện. Cái lăng kính này đã trở thành một thứ tôn giáo mới cho khá nhiều người.
Vì các cơ quan đưa tin chính dòng ngày càng từ bỏ tính khách quan, nên một số lớn các câu truyện và xu hướng rất quan trọng đã không bao giờ đến được các độc giả. Liên mạng đã và đang nuôi dưỡng tình huống trong đó người sử dụng nó chỉ gặp các thông tin và ý kiến phù hợp và tăng cường các niềm tin của họ, một điều được thuật ngữ thông tin ngày nay gọi là “filter bubbles”, và các tờ báo, khi chuyển qua kỹ thuật số, ngày càng dựa nhiều hơn vào các “subscribers” (người đăng ký? ) chứ ít dựa vào các độc giả nói chung. Việc này cũng giúp loan truyền thông tin sai lạc. Một nghiên cứu của Pew mới đây cho biết: những người nhận tin tức qua các phương tiện truyền thông xã hội thực sự biết ít đi.
Điều trên có nghĩa ngày nay các chủ bút cung cấp cho người đọc những gì họ muốn đọc hơn là trình bầy cái nhìn vô tư về những điều đã xẩy ra. Đồng thời, các công ty kỹ thuật thường nhận được những phê phán của Đảng Cộng Hòa, một đảng vốn cho rằng các công ty khổng lồ như Facebook và Amazon chuyên cung cấp khả năng để người ta rao bán hận thù chống tôn giáo.
Trong khi báo chí chính dòng không lưu ý tới khía cạnh trên trong buổi điều trần ở Quốc Hội, thì Timothy Nerozzi, viết cho Religion Unplugged, đã lưu ý tới nó. Ông tường thuật:
“Trong suốt buổi điều trần chống doanh nghiệp độc quyền (antitrust) lâu hàng giờ tại Quốc Hội ngày 29 tháng Bẩy với các giám đốc chấp hành (CEO) của Amazon, Facebook, Google và các công ty kỹ thuật khác, dân biểu Matt Gaetz (R-Fla.) đã tố cáo Amazon và Facebook cung cấp khả năng để người ta ‘buôn bán hận thù’ chống lại các tôn giáo chính dòng ở Hoa Kỳ”.
Cũng trong buổi điều trần trên, dân biểu Gaetz lớn tiếng đặc biệt với Jeff Bezos, tố cáo rằng ông ta cố ý hùn hạp với các định chế vốn bất khoan dung với các cơ quan bác ái và qũy tôn giáo. Gaetz nói “tôi không cáo buộc ông là người buôn bán hận thù. Nhưng, xem ra ông đã giúp người ta khả năng làm như thế. Và tôi đặc biệt muốn nói tới Trung Tâm Luật Southern Poverty”.
Trung tâm trên là một cơ quan luật bất vụ lợi thành lập năm 1971, vốn tự định nghĩa mình như “chuyên đấu tranh chống hận thù và cuồng tín và mưu cầu công lý cho các thành viên dễ bị tổn thương nhất của xã hội chúng ta”. Trung tâm này, trong mấy năm gần đây, vốn bị phản ứng dữ dội vì đã bị tri nhận là quá sốt sắng trong việc gọi cá nhân này hay tổ chức nọ là “cực đoan”.
Dân biểu Gaetz nói tiếp: “Trung Tâm Luật Southern Poverty, trung tâm mà ông cho phép quyền ấn định ai được nhận lãnh các tặng dữ trên cương lĩnh Amazon Smile của ông, từng nói rằng các cơ sở như Tin tức Gia đình Công Giáo (Catholic Family News), Các Thừa tác vụ Gia đình Công Giáo (Catholic Family Ministries), Liên Đoàn Cải tổ Di dân Hoa kỳ (Federation for American Immigration Reform), Hiệp hội Gia đình Hoa kỳ (the American Family Association), Hội Đồng Nghiên cứu Gia đình (the Family Research Council), Liên đoàn Bảo vệ Người Do Thái (the Jewish Defense League), và ngay cả Tiến sĩ Ben Carson cũng là người quá khích và nên được đối xử cách khác”.
Tại sao thế?
Vì mô thức kinh doanh này đã thay đổi các ưu tiên của báo chí trong thời đại liên mạng. Các thuật giải (Algorithms) và các chủ đề tạo xu hướng nay đã thay thế các phán đoán về tin tức. Tờ New York Times vốn viết trên trang nhất của họ: “Mọi tin tức đáng in”. Thiển nghĩ nay nên viết như sau mới đúng: “Mọi tin tức đáng để hót (tweet)”.
Trong những điều trên, điều không ai lưu ý đó là động lực của một ký giả. Chỉ cần nhìn vào xu hướng ngày càng đáng lo ngại trong đó các nhà thờ và ảnh tượng Công Giáo đang bị phạm thánh khắp Châu Âu và nay khắp nước Mỹ.
Tháng Bẩy quả không tốt chút nào về phương diện đó, nhưng các phương tiện truyền thông toàn quốc phần lớn làm ngơ các vụ phạm thánh ấy. Điều chắc chắn là các chủ bút, các người viết và những người suốt ngày dán mắt nhìn vào lưu thông liên mạng có lẽ nghĩ rằng nó không mấy được độc giả lưu ý. Ngoại lệ chỉ có tờ The Wall Street Journal với tường thuật ngày 22 tháng Bẩy, khoảng ba tuần sau các biến cố đầu tiên.
Các cuộc tấn công vẫn đang tiếp diễn. Vụ gần đây nhất diễn ra cuối tuần rồi khi những kẻ phá hoại bứt đầu bức tượng của Thánh Giuđa bên ngoài một nhà thờ lâu đời ở Denver.
Tờ The New York Times và NBC News, những cơ quan truyền thông với hàng triệu độc giả, vốn cảnh cáo chúng ta suốt tháng qua về các phong trào chính trị cánh hữu đang mạnh thế ở Đức và khắp Châu Âu. Nhưng lại im như tờ, không tường trình chi về các vụ phạm thánh, bứt đầu tượng Chúa Giêsu bởi các lực lượng chính trị cánh tả.
Vụ cố ý đốt nhà thờ chính tòa Nantes, một phần của xu hướng phản Kitô giáo ở Pháp trong mấy năm gần đây, và việc các nhà tranh đấu LGBTQ phạm thánh tượng Chúa Giêsu chỉ mới tuần trước cho ta thấy sức mạnh hoàn cầu của một số lực lượng cánh tả trên thế giới ngày nay. Có những người biểu tình ở Portland đốt một số Sách Thánh vào cuối tuần trước.Tất cả những biến cố này có điều gì liên quan đến việc phạm thánh các nhà thờ hay không hay đây là một phần của bầu khí bất khoan dung phổ quát đối với các biểu tượng Kitô giáo? Hay là cả hai?
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Công Giáo đã làm một việc rất tốt khi hăng hái tường trình xu hướng đáng lo ngại trên.
Đúng, khán giả của họ lưu tâm tới các tin tức trên, nhưng không phải chỉ có thế. Bất cứ điều gì liên quan tới những gì đang diễn ra trong thế giới Công Giáo đều đáng được tường trình. Đó là sứ mệnh của họ. Trong một số trường hợp, không phải chỉ có các nhà báo tường trình mà thôi, dân thường cũng làm thế. Điều này từng diễn ra trong quá khứ. Một số “bloggers” đã nổi tiếng trong việc lột mặt nạ CBS News đã phát tuyến một báo cáo sai bằng cách sử dụng các bức thư (sau đó bị khám phá là thư giả) nói về việc George W. Bush phục vụ tại Texas Air National Guard, một vụ tai tiếng, được biết dưới tên tài liệu Killian, kết cục đã kết liễu sự nghiệp của Dan Rather.
“Complicit Clergy”, một nhóm giáo dân thoạt đầu đấu tranh chống việc giáo sĩ lạm dụng tình dục, đã khai triển một bản đồ tương tác cho thấy các vụ tấn công khác nhau vào người Công Giáo diễn ra trong năm nay khắp Bắc Mỹ. EWTN, một cơ quan tin tức Công Giáo bảo thủ, đã tường trình về việc này như sau:
“Bản đồ cho thấy các vụ tấn công vào ‘các tượng ảnh, giáo xứ và người Công Giáo’. Nó gồm các chữ thập có thể ‘click’ được, dẫn người sử dụng vào từng địa điểm tấn công.
“Một khi người sử dụng đã “click” vào địa điềm tấn công, họ sẽ thấy hình chụp, ngày tháng, và dịa điểm chính xác của vụ tấn công”.
EWTN tường trình thêm rằng bản đồ này, do Google Maps phát hành, đã ghi lại hơn 60 biến cố tính đến cuối tuần qua, một con số đáng phục nội trong một năm. Bản đồ này đã nhận được hơn 73, 000 lượt người coi. Bản đồ cũng cung cấp cách để người ta báo cáo các biến cố.
Tại sao tờ The New York Times không làm một điều như thế?
Tờ báo có cả hàng tá nhân viên có khả năng tạo nên đủ loại bản đồ tương tác có phẩm chất thật cao. Chính nhờ các ảnh chụp, bản vẽ và phương tiện kỹ thuật mà việc tường trình các biến cố lớn của tờ này đã giúp độc giả khả năng hiểu thấu câu truyện hơn hẳn nhiều tờ báo khác. Một bản vẽ tương tác vụ hỏa hoạn tại Nhà Thờ Đức Bà ở Paris năm ngoái, một vụ cháy hiện vẫn được coi như một tai nạn, quả đáng được hết lời ca ngợi.
Việc thiếu tường trình, vì thế, có liên hệ đến mô thức làm ăn mới. Với các nhân viên ngày càng lưu ý tới việc cổ vũ bất cứ chính nghĩa chính trị mới mẻ nhất nào, việc phạm thánh các nhà thờ, và ai vi phạm, có thể gây hại cho trình thuật mà họ đang cố gắng gói ghém cho độc giả của họ. Tại sao không có ai đặt câu hỏi với Tổng thống Trump về việc phạm thánh trong các cuộc họp báo ông vốn cung cấp cho các ký giả? Hỏi người đang tranh cử với ông ta tức Joe Biden, thì sao? Dù sao, ông ta cũng là một người Công Giáo!
Cũng có các trình thuật tin tức về các giáo dân trong xứ tụ họp nhau dựng lại các bức tượng Chúa Giêsu hay Đức Mẹ từng bị phá hoại. Sau đây là một tường trình của CNA:
“Một giáo xứ ở California đã dựng lại một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe ở bên ngoài Nhà thờ, sau khi bị đá xuống đất và bị bể do hành động phá hoại.
“Ngày 21 tháng Bẩy, máy an ninh ghi hình tại giáo xứ Thánh Giuse ở Upland, California, đã ghi hình một người đàn ông tiến lại gần tượng Đức Mẹ Guadalupe và đá bức tượng liên tiếp cho tới khi tượng rơi khỏi bệ…
“Cùng buổi tối hôm ấy, máy an ninh ghi hình ghi được hình một người đàn ông khác, đến lượm bức tượng từ đất lên, đặt tượng vào bệ, rồi ngồi trước bức tượng cầu nguyện.
“Cha Timothy Đỗ, cha sở Nhà thờ, yêu cầu giáo dân trong xứ ‘cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, chấm dứt hận thù và giận dữ, và chúng ta tiếp tục có lòng cảm thương và yêu thương nhau’, trong một cuốn video phát hành ngày 22 tháng Bẩy trên Facebook.
“Trong một cuốn video khác, các giáo dân trong xứ đã đọc cả chuỗi hạt Lòng Chúa Thương Xót lẫn chuỗi Mân Côi bằng tiếng Tây Ban Nha trong khi đứng trước bức tượng bị hư hại”.
Ở Dorchester, gần Boston, tượng Đức Mẹ bị phạm thánh hai lần trong một tháng. Báo chí địa phương có tường trình biến cố, nhưng không tờ báo phát hành toàn quốc nào tường trình cả.
Quả là một xu hướng không những làm người Công Giáo, mà mọi tín đồ tôn giáo, đều lo ngại kể cả những người mưu cầu hòa bình và lòng khoan dung.
nguồn: vietcatholic