Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm viếng Beirut, gặp các quan chức Liban và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ, đây là chuyến viếng thăm lần thứ hai của Tổng thống Pháp tới đất nước này kể từ sau vụ nổ chết người thảm khốc vào tháng trước do hàng tấn amoni nitrat được lưu trữ trong một nhà kho ở hải cảng.
Trong chuyến đi này, Tổng thống Macron nhằm theo dõi tình hình chính trị địa phương, để phân phối viện trợ nhân đạo, đồng thời tham dự lễ kỷ niệm 100 năm độc lậpcủa vương quốc Lebanon.
Ông hối thúc Lebanon hãy sớm thành hình một chính phủ, mạnh mẽ chống tham nhũng, cải cách ngành năng lượng và giải quyết các vấn đề tiền tệ ngân hàng.
Trước khi Tổng thống Macron đến Lebanon, Ông Mustapha Adib, cựu đại sứ Lebanon tại Đức, được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng mới của chính phủ.
Ngay cả trước khi vụ nổ xảy ra, đất nước này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và phải vật lộn với đại dịch coronavirus.
Lebanon có một tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, tăng trưởng chậm chạp và một trong những nước có tỷ lệ nợ cao nhất ở bất kỳ quốc gia nào ở Trung Đông. Dân tình thì đói khổ!…
Cải tổ để vươn lên – Lebanon
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm và khuyến khích thành lập một chính phủ mới… Trong lúc đó Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi toàn cầu hãy dành trọn một Ngày cầu nguyện cho Lebanon vào 4/9/2020. Trong buổi triều yết 9/9/2020, Đức Thánh Cha mời gọi một ngày cầu nguyện, ăn chay hiệp thông cùng Lebanon.
Trong một nỗ lực đẩy nhanh tiến mạnh, tân Thủ tướng Mustapha Adib sẽ bàn bạc với quốc hội, với các tướng lãnh và đại diện lưỡng viện để thảo luận về tình hình đất nước.
Quyết tâm vươn lên
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi năm 1989 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Lebanon không thể bị bỏ rơi trong sự cô độc của nó.” Ở góc lá cờ Lebanon có một dấu hiệu nói lên sự liên đới với các quốc gia Trung Đông, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II mô tả Lebanon là một đất nước của hy vọng và bày tỏ sự ngưỡng mộ niềm tin của người dân vào Thiên Chúa và tiềm năng biến đất nước này thành “nơi khoan dung, tôn trọng và cùng nhau chung sống duy nhất trong khu vực”.
Lebanon, Đức Thánh Cha nói, là “một thông điệp về tự do và là một mẫu gương về chủ nghĩa đa nguyên, cho cả phương Đông và phương Tây”. “Vì lợi ích của đất nước và thế giới, chúng ta không thể để di sản này bị biến mất, ” ĐTC nói, ám chỉ đến cuộc khủng hoảng kéo dài trong nước!
Ngay cả trước khi Covid-19 bùng nổ, Lebanon đã trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, gây ra do các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô rộng lớn vào hồi năm ngoái. Ngày nay, gần một nửa dân số 6 triệu, đang sống dưới mức nghèo khổ. Các nhà nhận định còn cho hay thảm cảnh này có thể còn tồi tệ hơn vì cuộc nội chiến 15 năm qua, bùng phát từ 1975 đến 1990.
Kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo
ĐTC Phanxicô khuyến khích “tất cả mọi người Lebanon hãy kiên trì hy vọng và qui tụ sức mạnh và năng lực cần thiết để bắt đầu lại.” Ngài đặc biệt kêu gọi “các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo hãy quyết tâm tái thiết đất nước, gác bỏ mọi lợi ích đảng phái mà hướng tới lợi ích chung và tương lai của quốc gia”.
Đức Thánh Cha cũng yêu cầu “cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ Lebanon và giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này, thoát khỏi những căng thẳng trong khu vực”.
ĐTC kêu gọi người dân Beirut hãy can đảm, kín múc sức mạnh trong đức tin và lời cầu nguyện. “Đừng từ bỏ ngôi nhà và di sản của các bạn. Đừng từ bỏ ước mơ của những người đã tin vào buổi bình minh của một đất nước tươi đẹp và thịnh vượng.”
Đối với các mục tử, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân của đất nước, ĐTC kêu gọi tất cả hãy cùng đồng hành với nhiệt tâm tông đồ mà nâng đỡ những người nghèo khổ thấp cổ bé miệng…. “Hãy sống thanh bạch với những người nghèo và chia sẻ với người đau khổ! Hãy là những người đầu tiên nêu gương về cuộc sống đơn nghèo và khiêm hạ. Hãy trung thành bền bỉ và cùng với dân chúng vươn lên và trở thành những con người của một sự tái sinh mới”.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/258273.htm