Năm 1996, tôi có tham gia một khóa học giáo lý hôn nhân trong một giáo xứ ở Sài Gòn. Buổi khai mạc, vị linh mục phụ trách lớp chia sẻ với chúng tôi câu chuyện: “Trên đường đến lớp giáo lý hôm nay, tôi nhìn thấy một đôi bạn trẻ chở nhau trên một chiếc xe Honda. Gương mặt của họ ánh lên niềm vui và hạnh phúc. Phía sau chiếc xe có một thùng hàng. Trên thùng hàng đó có ghi một dòng chữ: Hàng dễ vỡ. Tôi tự hỏi không biết tình yêu của đôi bạn trẻ này có kéo dài hay nó cũng giống như thùng hàng. Ngày hôm nay nhìn đôi trẻ vui cười hạnh phúc. Nhưng ngày mai thì sao? Liệu họ có giữ được hạnh phúc ấy không hay hạnh phúc của họ cũng mong manh như thùng hàng dễ vỡ?
Đã 24 năm qua rồi, những gì học được trong khóa giáo lý đó tôi đã quên hết nhưng câu chuyện trên thì tôi vẫn nhớ như in. Mỗi khi đứng lớp dạy giáo lý hôn nhân, tôi cũng thường kể lại câu chuyện này. Đây cũng là một gợi ý cho các vị phụ trách các lớp học giáo lý. Chân lý thường được truyền cho người nghe thông qua một câu chuyện. Nó rất nhẹ nhàng và sâu lắng. Nó rất dễ đi vào lòng người và sẽ giúp người nghe ghi nhớ suốt đời. Vì thế, chúng ta cần những câu chuyện thực tế, những hình ảnh sống động thì các lớp giáo lý mới mong có kết quả tốt đẹp. Nếu chỉ truyền đạt lý thuyết khô khan, các học viên dù có học thuộc lòng và trả bài điểm cao thì cũng quên hết.
Mùa thu, tiết trời miền Bắc thật đẹp. Thời tiết mát mẻ. Thật thích hợp cho các cặp uyên ương tổ chức đám cưới. Chỉ cần lướt một chút trên Facebook, chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy nhiều hình ảnh cô dâu chú rể đẹp tuyệt vời trong những bộ áo cưới. Nhờ công nghệ mà cô dâu thời nay, dù không được đẹp cũng dễ dàng biến thành những minh tinh màn bạc. Chú rể dù có thế nào cũng biến thành những chàng hoàng tử trong những chuyện cổ tích. Những hình ảnh đẹp và biết bao lời chúc tụng ở phía dưới càng khiến người ta ngất ngây. Nhưng tôi cũng giống vị linh mục ở trên, băn khoăn và tự hỏi: Liệu những hình ảnh này, những nụ cười rạng rỡ, những cử chỉ thân ái mà các cặp đôi trao cho nhau sẽ kéo dài được bao lâu? Nó có mong manh như hàng dễ vỡ hay không? Nếu nó mong manh và dễ vỡ thì chúng ta phải làm sao để niềm hạnh phúc ấy tồn tại lâu bền?
Tiếp xúc với các cặp đôi trẻ khi họ đến học giáo lý, tôi thường hỏi họ một câu căn bản: Các bạn quen nhau và yêu nhau, đã bao giờ các bạn cầu nguyện cho nhau chưa? Câu trả lời tôi thường nhận được là CHƯA. Tôi rất thấu hiểu và thông cảm với tuổi trẻ bây giờ. Họ yêu nhau nhưng có lẽ tình yêu của họ mới chỉ dừng lại ở thân xác. Vẻ đẹp về hình thể khiến họ bị cuốn hút lẫn nhau. Có những cặp đôi đi xa hơn khi cả hai cùng có hiểu biết về tri thức. Họ làm phong phú cho cuộc tình của họ bằng đời sống tri thức. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Còn một cái gì đó sâu xa hơn họ cần phải vươn tới để có thể nên một. Cái họ thiếu chính là đời sống nội tâm, đời sống tâm linh, đời sống cầu nguyện. Chỉ trong cầu nguyện thinh lặng, hai tâm hồn mới trở nên một. Trong cầu nguyện, họ chết đi cho bản ngã của mình để có thể tan chảy vào nhau. Trong cầu nguyện, họ chìm vào trong tình yêu của Đấng là Tình yêu. Trong cầu nguyện, họ làm cho tình yêu của họ tươi mới mỗi ngày. Thân xác rồi cũng tàn phai theo tháng năm. Tri thức một ngày kia cũng không còn khi tuổi già đến. Nhưng đời sống tâm linh thì luôn vĩnh hằng.
Mùa cưới đã về, biết bao cặp đôi sẽ nên duyên vợ chồng. Những lời chúc tụng thật đẹp. Những sự giúp đỡ về vật chất cho cặp đôi trẻ từ hai bên gia đình và bạn bè để họ tạo lập một cơ nghiệp cũng thật cần thiết. Nhưng điều quan trọng bậc nhất họ cần chính là những lời cầu nguyện. Mỗi ngày, bạn và tôi hãy cầu nguyện nhiều cho các cặp đôi trẻ. Họ rất cần lời cầu nguyện để họ biết sống đời sống tâm linh sâu sắc. Và cũng chỉ khi họ sống đời sống tâm linh thực sự, họ mới giữ được hạnh phúc như ngày đầu họ yêu nhau.
nguồn: tgphanoi