Thưa anh chị em, vào lúc 19h30 Thứ Hai, ngày 30/11/2020, tại Nhà mục vụ Giáo xứ Thái Hà đã diễn ra buổi học thứ hai về Kinh Tin Kính, do cha Giu-se Nguyễn Văn Toản, DCCT phụ trách, cùng với sự góp mặt của 36 thành viên lớp học TSGDCCT Hà Nội.
Nội dung của bài học ngày hôm nay nói về ý nghĩa phần đầu trong câu thứ nhất của Kinh Tin Kính Ni-xê-a – Constantinôpôli: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”.
1. Tôi tin kính một Thiên Chúa
Lời tuyên xưng này cho thấy rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, bắt nguồn từ mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5) và được chính Chúa Giê-su xác định trong Tân Ước (x. Mc 12,29-30), nó liên kết chặt chẽ với lời tuyên xưng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và có cùng một giá trị căn bản như vậy.
Sách Giáo lý Rô-ma của Công đồng Tren-tô (1545-1563) khẳng định: “Đức tin Ki-tô Giáo tuyên xưng chỉ có một Thiên Chúa, xét theo bản tính, bản thể và yếu tính.”
Ngoài ra, Thiên Chúa duy nhất của Ki-tô Giáo là Thiên Chúa có ba Ngôi vị trong cùng một bản thể. Theo tuyên bố của Công đồng Latêranô (1215), Giáo Hội Công Giáo “tin vững vàng và khẳng định đơn giản chỉ có một Thiên Chúa chân thực, vô hạn và bất biến, vô phương thấu hiểu, toàn năng và khôn tả, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: ba ngôi vị, nhưng chỉ có một bản thể hay bản tính đơn thuần.”
2. Thiên Chúa là Cha
Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Nơi Thiên Chúa, tình cha con trìu mến này cũng có thể diễn tả qua tình mẫu tử (x. Is 66,13; Tv 131,2). Như vậy, cần phải nhắc lại là Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt phái tính của người phàm. Người không là nam mà cũng không là nữ. Người là Thiên Chúa. Vì Người là nguồn gốc và là chuẩn mực (x. Tv 68,6) cho chức năng làm cha làm mẹ, nên Người luôn trổi vượt trên cha mẹ trần thế: không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa (x. Giáo lý số 239).
3. Thiên Chúa toàn năng
Trong tất cả những thuộc tính của Thiên Chúa, chỉ có tính toàn năng là được nói đến trong Kinh Tin Kính. Việc tuyên xưng này có tầm quan trọng lớn lao đối với đời sống của chúng ta. Chúng ta tin rằng: Thiên Chúa toàn năng là Đấng có uy quyền trên vạn vật, vì Người đã sáng tạo (x. Ga 1,1; Ga 1,3), điều khiển và làm được mọi sự; Thiên Chúa toàn năng là Đấng yêu thương, vì Người là Cha chúng ta; Thiên Chúa toàn năng còn là Đấng huyền nhiệm vì chỉ nhờ đức tin chúng ta mới nhận ra sự toàn năng của Thiên Chúa khi quyền lực Người “bộc lộ trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9) (x. 1 Cr 1,18) (x. Giáo lý số 268).
Nếu không tin Thiên Chúa yêu thương là Đấng Toàn năng, thì làm sao có thể tin được là Chúa Cha sáng tạo chúng ta, Chúa Con cứu chuộc chúng ta, Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta? (Giáo lý số 278)
Trên đây là những kiến thức cơ bản của buổi học thứ hai về Kinh Tin Kính. Mong rằng các anh chị em lớp học TSGDCCT sẽ ghi nhớ và nắm bắt để sử dụng cho các bài học tiếp theo. Hẹn gặp lại tất cả anh chị em!
Btt TSGDCCT