Quyền của trẻ em là trung tâm suy tư của Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) và Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu (Comece) tại hội nghị trực tuyến liên tôn khu vực.
“Tìm kiếm một môi trường an toàn và thân thiện cho trẻ em di cư ở châu Âu là một ưu tiên tuyệt đối mà tất cả chúng ta phải cùng nhau làm việc”, bà Isabel Apawo Phiri, Phó Tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC), đã nhấn mạnh như trên trong một sứ điệp video được gửi đến hội nghị trực tuyến liên tôn khu vực được tổ chức vào tuần trước.
Hội nghị được tổ chức bởi Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới, Văn phòng UNICEF khu vực châu Âu và Trung Á, và hai tổ chức khác. Hội nghị tập trung thảo luận về vấn đề trẻ em nhập cư đi cùng với người lớn.
Đối với bà Isabel Apawo Phiri, ngoài sự phân biệt đối xử giữa trẻ vị thành niên học trường tư và trường công, còn có những nguyên nhân sâu xa của việc di cư liên quan đến khí hậu và hậu quả của sự nóng lên toàn cầu buộc trẻ em phải rời khỏi nhà của các em.
Ông Peter Prove, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế của Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới, nói về kinh nghiệm của các tổ chức khác nhau trong việc hỗ trợ trẻ em di cư bằng cách cung cấp cho các em sự trợ giúp tinh thần, tâm lý – xã hội, hỗ trợ nhân đạo và giáo dục. Về những đóng góp mà các Giáo hội của Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới có thể thực hiện, ông Peter Prove nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc trong các bối cảnh khác nhau. Ông nói: “Điều này sẽ góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đoàn tôn giáo và hợp tác trong việc chào đón người nước ngoài và chú ý đến người láng giềng (mới).”
Sau cùng, các khuyến nghị gửi đến Liên Hiệp Quốc, chính quyền địa phương và quốc gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội dân sự về bảo vệ trẻ em di cư trong bối cảnh châu Âu đã được nhắc lại.
Trong những tuần vừa qua, Ủy ban pháp lý của Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu cũng đã thảo luận về trẻ vị thành niên trong một hội nghị trực tuyến. Cuộc gặp gỡ đã giúp các thành viên trao đổi các sáng kiến hiện tại của Liên minh châu Âu và ở các quốc gia khác nhau về việc bảo vệ các quyền cơ bản.
Theo một thông cáo báo chí, trong cuộc đối thoại với đại diện của Ủy ban châu Âu, các chuyên gia do các Giám mục châu Âu ủy nhiệm đã phân tích chiến lược của Liên minh châu Âu nhằm chống lạm dụng trẻ em hiệu quả hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận các bên liên quan. Chương trình nghị sự cũng bao gồm chiến lược tương lai về quyền trẻ em (2021-2024), xem xét tác động của đại dịch, cũng như khả năng mở rộng môi trường cho Nhóm chuyên gia tương lai về bạo lực đối với trẻ vị thành niên. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), có hiệu lực vào tháng 5/2018, thể hiện một ưu tiên trong lĩnh vực quyền cơ bản, cũng được phân tích.
Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban pháp lý của Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 25/02/2021. Các chính sách của Liên minh châu Âu chống phân biệt đối xử và các sáng kiến chống rửa tiền là chương trình nghị sự cho cuộc gặp gỡ này. (CSR_9328_2020)
Ngọc Yến – Vatican News