Một lần nữa, hình ảnh người nữ tu cao niên ấy, được biết là sơ Ann Rose Nu Tawng, sống tại Myitkyina, bang Kachin quỳ xuống trước những nhân viên cảnh sát van nài họ ngừng ngay những cuộc tấn công tàn bạo nhắm đến những người dân vô tội tham gia biểu tình để phản kháng giới quân đội đảo chính và đòi hỏi những quyền chính đáng của con người.
Và (có lẽ) những người đang thi hành công vụ ấy đã thấu hiểu giá trị quả cảm của hành vi nhân ái xả thân Sơ đang làm, vì thế, chính họ cũng quỳ xuống trước Sơ, như cầu xin sự cảm thông, tha thứ, vì họ chỉ làm theo mệnh lệnh từ cấp trên.
Tấm hình bộc lộ tình cảnh éo le, nan giải cả từ hai phía. Một giải pháp đúng cho hoàn cảnh này phải dựa trên căn cứ có nền tảng vững chắc, không thể suy luận thuần tuý dựa vào chính kiến hoặc cảm tính được.
Theo Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, quyền phản đối theo lương tâm được ghi rõ trong số 399: “Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng.
Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối.
Sự từ chối ấy chẳng những là một nghĩa vụ luân lý, mà còn là một quyền căn bản của con người, và vì thế, luật dân sự có bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ quyền ấy. “Những ai nại đến sự phản đối theo lương tâm cần được bảo vệ không những không phải chịu những hình phạt pháp định mà còn không phải gánh lấy những hậu quả tiêu cực trên bình diện pháp luật, kỷ cương, tài chính và nghề nghiệp”.
Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm. Thật vậy, không bao giờ người ta có thể biện minh cho những sự cộng tác như thế, không phải bằng cách viện cớ phải tôn trọng tự do của người khác, cũng không phải bằng cách cho rằng điều ấy đã được luật dân sự dự kiến và yêu cầu. Không ai có thể tránh được trách nhiệm luân lý về những hành vi ấy, và Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người dựa trên trách nhiệm luân lý ấy (x. Rm 2,6; 14,12).
Về quyền phản kháng
Học thuyết xã hội của Giáo Hội số 400 có viết: “Nhìn nhận luật tự nhiên là nền tảng cho luật thiết định và đặt giới hạn cho luật thiết định, điều đó có nghĩa là chấp nhận rằng: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục. Thánh Tôma Aquinô viết rằng “người ta có bổn phận phải tùng phục quyền hành… bao lâu trật tự công lý đòi hỏi điều ấy”. Bởi đó, luật tự nhiên là nền tảng cho phép con người có quyền phản kháng.
Quyền này có thể được thi hành bằng nhiều cách cụ thể khác nhau; cũng có nhiều mục tiêu khác nhau mà con người có thể theo đuổi. Phản kháng nhà cầm quyền tức là chứng nhận mình được phép có một cách nhìn khác về sự việc, bất kể nhằm chủ đích thay đổi phần nào, sửa chữa một vài luật hay tranh đấu để có sự thay đổi triệt để trong một tình huống nào đó.
Học thuyết xã hội của Giáo Hội số 401 đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: “Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền là điều không chính đáng, trừ khi thoả mãn được các điều kiện sau đây:
1/ có sự xâm phạm các quyền căn bản của con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài;
2/ đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả;
3/ phản kháng như thế sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn;
4/ có hy vọng thành công với những lý do vững chắc;
5/ theo lý trí, không thể dự kiến một giải pháp nào hay hơn.”
Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt “một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước”. Những nguy hiểm trầm trọng mà việc sử dụng bạo lực có thể đưa tới đã khiến ngày nay người ta thích áp dụng biện pháp kháng cự bất bạo động, vì đây là “một phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng không phải là không có nhiều cơ may thành công”.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT