Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, kêu gọi bảo vệ tự do tôn giáo và tín ngưỡng của tất cả các nhóm và cộng đồng.
“Trong bối cảnh hiện nay, quyền tự do tôn giáo ngày càng bị xói mòn do nhu cầu bảo vệ cuộc sống người dân khỏi sự lây lan của đại dịch. Vì vậy, điều cần thiết là các quyền bính dân sự phải cam kết tôn trọng và bảo vệ tôn giáo hoặc tín ngưỡng, như một chiều kích phẩm giá con người”, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič đã mở đầu bài phát biểu như trên vào ngày 04/3/2021, tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt, vị Đại diện Tòa Thánh đề cập đến Báo cáo do Báo cáo viên đặc biệt trình bày về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, được đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) vào tuần qua. Ngài bày tỏ quan ngại về phạm vi giới hạn của chủ đề đã chọn: “Chống hận thù Hồi giáo”.
“Tòa Thánh lấy làm tiếc vì Báo cáo không xem xét đầy đủ bối cảnh của cuộc bách hại của tất cả tôn giáo hoặc tín ngưỡng”, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh và nói thêm: “Chắc chắn, tất cả các hành vi thù hận tôn giáo, phân biệt đối xử và bách hại đều phải bị lên án mạnh mẽ, ngày cả trường hợp chống lại người Hồi giáo. Tuy nhiên, tính phổ quát của tự do tôn giáo được ghi trong Tuyên ngôn chung về Nhân quyền, quyết định giới hạn chủ đề Báo cáo trong một nhóm tôn giáo cụ thể, không đề cập đến nhiều nhóm khác có thể đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận phương pháp luận”.
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh nhắc lại rằng, nếu thay đổi này được thực hiện sẽ không giảm bớt tình trạng tiêu cực và kỳ thị các nhóm tôn giáo, trái lại sẽ có nguy cơ gây chia rẽ thực sự, tạo điều kiện cho não trạng “chúng ta” chống lại “họ”. Đức Tổng Giám mục giải thích: “Thực tế, bất kỳ luật pháp hoặc thông lệ nào loại trừ một nhóm cụ thể, dựa trên các tiêu chí tôn giáo, đều thể hiện một hình thức phân biệt đối xử tinh vi, bất kể những tác động dự kiến hoặc kết quả thực sự của những luật lệ hoặc thông lệ đó”.
Vì điều này, Đức Tổng Giám mục bày tỏ quan ngại sâu sắc, bởi vì một Báo cáo phải bảo vệ quyền cơ bản và phổ quát của con người về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, nhưng trên thực tế Báo cáo chỉ tập trung vào một nhóm tôn giáo duy nhất và loại trừ các nhóm khác. Điều này đưa đến nguy cơ làm phân cực cộng đồng quốc tế và gây ra nhiều xung đột, gây nguy hiểm cho chính các quyền mà Hội đồng Liên Hiệp Quốc phải thúc đẩy và bảo vệ. (CSR_1709_2021)
Ngọc Yến – Vatican News