Lá Biếc Cùng Lá Xanh Vẫy Chào Chúa
Người Già Với Người Trẻ Mừng Đón Vua
Đời là bể khổ. Chỗ nào cũng khổ, ngay ở những nơi mà người ta coi như “thiên đàng” thì cũng vẫn đầy nỗi khổ. Ai cũng khổ, đủ kiểu và đủ mức. Thánh Rosa Lima cho biết: “Thiếu gánh nặng đau khổ thì không thể đạt đến đỉnh cao ơn thánh. Những tặng phẩm ơn thánh gia tăng khi các cuộc giao chiến gia tăng.” Đau khổ có giá trị đặc biệt lắm. Văn hào Victor Hugo nói: “Đau khổ như hoa quả, Thiên Chúa không để nó phát triển trên những cành quá yếu ớt.” Nhận xét thật là độc đáo.
Đau khổ có giá trị, Thánh Madeleine Sophie Barat ví von: “Một thanh sắt được thành hình trên một cái đe và nhờ ngọn lửa thế nào, thì dưới sức nặng thử thách và trong ngọn lửa đau khổ, linh hồn chúng ta cũng sẽ thành hình đúng như Thiên Chúa muốn về nó như vậy.” Người ta nên khôn là nhờ đau khổ. Sướng quá hóa rồ dại mà thôi.
Khởi đầu Tuần Thánh là Lễ Lá. Những chiếc lá xanh biếc. Màu xanh tượng trưng niềm hy vọng. Hy vọng là khởi đầu ước mơ, hướng tới mục đích. Hy vọng rất cần cho cuộc sống. Có bốn hướng nhìn: Nhìn lại phía sau để rút kinh nghiệm, nhìn tới phía trước để thêm hy vọng, nhìn ra xung quanh để thấy thực tế, nhìn vào nội tâm để nhận diện chính mình.
Chỉ vài ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu cưỡi một con lừa nhỏ vào Thành Giêrusalem, có các môn đệ lội bộ theo sau. Dân chúng đông lắm, như Thánh Gioan cho biết: “Dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ. Thoạt nghe tin Đức Giêsu tới Giêrusalem, họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel!” (Ga 12:12-13) Thật tuyệt vời!
Cuộc đời vui buồn lẫn vào nhau. Vui để rồi buồn. Buồn để rồi vui. Buồn càng nhiều, vui càng rộn rã. Tương tự, đau khổ để rồi hạnh phúc. Đau khổ càng nhiều, hạnh phúc càng lớn. Đó là hệ lụy tất yếu, và cũng là Thánh Ý Chúa, Thánh Ý mầu nhiệm.
Phần đầu của bài thứ ba trong số các Bài Ca Người Tôi Trung là trình thuật Is 50:4-7, đề cập đau khổ của Người Tôi Trung – Người Tôi Tớ Đau Khổ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Các động thái đó không là miễn cưỡng, mà là tự nguyện – vì yêu thương và thương xót những sinh linh mà Người Tôi Trung quý mến. Họ là ai? Là chính mỗi tội nhân chúng ta. Thật lạ lùng!
Ai cũng sợ đau khổ, càng sợ hơn khi đau khổ quá lớn, đến tột cùng. Nhưng dù đau khổ tới đâu, Người Tôi Trung vẫn một lòng tín trung: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Chẳng ai muốn sầu khổ, nhưng có nếm sầu khổ rồi mới biết thương những người “kém may mắn” hơn mình. Nếu chưa đau khổ, người ta không thể hình dung ra đau khổ. Chưa bị tù thì không thể cảm nhận khổ nhục nơi lao lý, và cũng khó hiểu được ý nghĩa của sự tự do đích thực.
Chắc hẳn chúng ta đã nhiều lần đọc hoặc nghe Phúc Âm tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng có thể nói rằng vẫn có chút gì đó “chưa đủ” nếu chưa xem phim “The Passion of Christ” (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) của đạo diễn Công giáo Mel Gibson. [https://vimeo.com/413740746 – 180 phút] Quân lính đánh đập Chúa Giêsu rất dã man, khó có ai có thể tưởng tượng được như vậy. Mel Gibson có trí óc tinh tế, và ông cho diễn như thật. Đặc biệt, sau khi đóng vai Chúa Giêsu, diễn viên Jim Caviezel đã gia nhập Công giáo.
Đau khổ có tác dụng khác nhau, tùy mỗi người: “Cùng một đau khổ, nhưng nó minh chứng, thanh luyện và làm thuần thục những người lành; nhưng nó lại kết án, phế truất và loại bỏ những kẻ xấu.” (Thánh Augustinô) Khi gặp đau khổ, người kiêu ngạo thì nguyền rủa – nguyền rủa người khác, trách móc đất trời, thậm chí nguyền rủa chính mình, vùng vẫy như con giun bị đạp; còn người khiêm nhường thì chấp nhận, cảm thấy tủi thân, có trách thì chỉ tự trách mà thôi: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!” (Tv 22:7-9) Buồn lắm, buồn phát khóc, buồn như chết được!
Tác giả John Piper giải thích rõ ràng trong cuốn “It Is Well with My Soul” thế này: “Đau khổ làm cho chúng ta SÁM HỐI, đau khổ làm cho chúng ta LỆ THUỘC vào Thiên Chúa, đau khổ làm cho chúng ta TUÂN THEO Đức Kitô, đau khổ chuẩn bị cho chúng ta TẬN HƯỞNG Thiên Chúa, đau khổ PHƠI BÀY TỘI LỖI của chúng ta.”
Không ai hiểu được đau khổ. Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Buồn này chưa qua, sầu khác đã tới. Nước mắt không chỉ mặn mà còn chua và cay. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Dù cô đơn, lạc lõng, đau khổ vẫn đeo bám, cứ tiếp tục chồng lên nhau: “Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa!” (Tv 22:17-20)
Đức Giêsu Kitô đã phải chịu như vậy. Dù là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn phải đau khổ đến tột cùng để làm trọn sứ vụ cứu độ chúng sinh. Chắc chắn không một phàm nhân nào phải chịu đau khổ như Ngài. Chính Ngài cũng phải chịu đựng theo nhân tính, khổ tinh thần và đau thể lý, chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Ngay cả những người chịu đóng đinh trong lễ hội Cutud (Philippines) chỉ là một phần nhỏ so với Con Người Giêsu mà thôi, chưa thấm vào đâu, nhưng chúng ta cũng phải khâm phục sự chịu đựng của họ.
Mặc dù cô đơn, đau khổ, nhục nhã, nhưng Người Tôi Trung vẫn quyết một lòng vì Danh Chúa. Hình ảnh này đã và đang được thể hiện nơi các vị tử đạo. Một lần hứa là trọn trăm năm, trước sau như một, không gì có thể lay chuyển: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.” (Tv 22:23)
Về sự tự nguyện của Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ, Thánh Phaolô cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:6-8) Sự tự nguyện luôn cao cả, quý giá, đáng khâm phục, đáng noi gương. Bất cứ tình yêu nào cũng phải tiết ra chất hy sinh, nếu không thì không đáng gọi là tình yêu. Dám chết vì người khác là sự hy sinh cao nhất, vì Chúa Giêsu xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)
Thánh Phaolô giải thích và kết luận: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2:9-11) Đức Giêsu Kitô đã nêu gương để chúng ta noi theo, nhờ đó mà được vĩnh viễn ở với Ngài.
Chuỗi đau khổ bắt đầu từ khoảnh khắc hiển hách. Thật lạ lùng! Trình thuật Mc 14:1-15 (≈ Mt 26:1-5, 26:6-16; Lc 22:1-6; Ga 11:45-53, 12:1-8) như một thước phim sống động chứng tỏ điều đó: Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giêsu và giết đi, vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động.” Họ muốn giết Ngài trước ngày lễ, nhưng không thể, vì Chúa không muốn vậy. Loài người muốn không phải là Trời muốn: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.”
Tại nhà ông Simon Cùi ở làng Bêtania. Khi Đức Giêsu dùng bữa, một phụ nữ đến với chiếc bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất, rất thơm và quý giá. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người. Chắc hẳn cô biết mình tội lỗi, nhưng cô không có ý “mua chuộc” hoặc “lấy lòng” Chúa Giêsu. Chắc hẳn cô tâm phục khẩu phục Con Người thánh thiện và cao cả này. Cô tin nên cô mới “ngồi lì” để xin Ngài thương xót. Cô có lý. Niềm hy vọng của cô rất rộng lớn và sâu thẳm. Thiện chí của cô đã được đáp đền.
Bạn bè của ông Simon Cùi biết rõ cô, thế nên có vài người tỏ vẻ bực tức: “Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo.” Ôi chao, ra cái điều nhân đức lắm. Bảo là thương người nghèo hay tiếc của? Họ hy vọng gì? Có lẽ chúng ta cũng thường có động thái này khi muốn chứng tỏ “bản lĩnh đạo đức” của mình, nhưng ngày nay chúng ta có “phong cách” tinh vi hơn. Thử “nhìn” các thành viên trong hội này hoặc đoàn nọ thì sẽ nhận thấy. Đôi khi thấy mà kinh dị. Đáng quan ngại lắm!
Bực tức trong lòng chưa đủ, họ còn gắt gỏng với cô. Lòng ghen tức của con người thật là kinh khủng! Nhưng Đức Giêsu ôn tồn bảo họ: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng. Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô.” Chúa Giêsu không thích nói nhiều, nhưng lúc này Ngài phải nói dài một chút để họ có thể hiểu ra. Vậy mà họ vẫn cố chấp.
Chúng ta cũng chẳng ưa nữ tội nhân này, chúng ta khinh miệt cô, nhưng Chúa Giêsu đã làm cho cô hãnh diện: “Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô.” Quả thật, cô “nổi tiếng” từ xưa tới nay, nhất là vào Tuần Thánh, dịp Lễ Vượt Qua.
Bất cứ điều gì phải đến rồi sẽ đến. Thánh sử Máccô kể ngắn gọn sang một cảnh khác: “Giuđa Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ. Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giuđa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện.” (Mc 14:10-11) Vì mê tiền, ông Giuđa đã “đi đêm” với bọn bất lương. Ông cũng có cách hy vọng riêng: Có tiền tiêu xài hoặc làm việc gì đó. Tiền dù rất “bạc bẽo” nhưng nó có ma lực cực mạnh, khó có thể cưỡng lại. Tiền cần thiết nhưng nguy hiểm, Thánh Phaolô đã xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10) Khinh suất là chết chắc – bất kỳ ai. Mê tiền là một dạng thờ ngẫu tượng!
Vào ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, ngày sát tế Chiên Vượt Qua, các môn đệ hỏi Thầy Giêsu xem Thầy muốn ăn lễ Vượt Qua ở đâu. Ngài sai hai môn đệ đi, và dặn họ vào thành, gặp một người mang vò nước đến đón thì cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào thì họ vào theo và hỏi chủ nhà xem phòng dành cho tiệc Vượt Qua ở đâu. Chúa Giêsu cho biết rằng chính ông ấy sẽ chỉ cho một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng, và họ có nhiệm vụ dọn tiệc. Mọi thứ đã được Thiên Chúa quan phòng và tiền định.
Vào buổi chiều, Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai cùng tới. Đang khi dùng bữa, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy.” Tá hỏa tam tinh. Thầy biết rồi sao? Kẻ thù thì dễ thấy mà đề phòng, người thân thiết thì biết họ trở tay lúc nào mà đề phòng? Nguy hiểm lắm. Quả thật, bạn bè và người thân đôi khi còn đáng sợ hơn kẻ thù. Sự thật cuộc đời quá phũ phàng!
Sau tiệc, qua việc chỉ điểm của ông Giuđa, bọn thủ ác đã tra tay bắt Chúa Giêsu. Thấy chướng mắt, ông Phêrô có sẵn gươm liền tuốt ra, vung chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế. Hú hồn! Có lẽ Phêrô chỉ hoảng mà chém đại thôi, chứ cũng đang run lắm. Nhưng Chúa Giêsu bảo ông cất gươm, rồi Ngài chữa lành tai cho nạn nhân. Thế mà chúng vẫn cứng lòng tin, không chịu sám hối, vẫn quyết bắt giết Con Thiên Chúa!
Một “khoảng tối” bao trùm, nhưng đoạn phim buồn chưa khép lại ở đây. Còn một “khoảng đen” khác, cuối cùng sẽ là “vùng sáng” huy hoàng. Màu xanh hy vọng vẫn tươi sắc xanh biếc… Hy vọng vẫn vươn lên, không bao giờ dừng lại.
Cuộc đời có nhiều thứ đan xen nhau: Lúa – cỏ, tốt – xấu, lành – dữ, hiền – ác, trắng – đen, mưa – nắng,… Trong một lần thị kiến, Thánh Faustina được Chúa Giêsu cho biết: “Con đừng ngạc nhiên vì đôi khi bị tố cáo bất công. Chính Ta đã từng uống trước chén đau khổ bất công này vì yêu con.” (Nhật Ký, #289)
Với cảm nghiệm sâu sắc, Thánh Faustina xác định: “Đau khổ là đại hồng ân; qua đau khổ, linh hồn trở nên giống Đấng Cứu Độ; trong đau khổ, tình yêu trở nên tinh tuyền; càng chịu đau khổ, tình yêu càng tinh khiết.” Chính thánh nữ đã chân thành cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những đau khổ nội tâm, về sự khô khan, về sự sợ hãi, về nước mắt, về sự lưỡng lự, về sự tăm tối nội tâm, về sự cám dỗ, về sự thử thách, về sự giày vò mà con không thể diễn tả, nhất là về những điều mà không ai hiểu, về giờ chết với sự chiến đấu dữ dội và cay đắng. Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những thập giá nho nhỏ hằng ngày, về sự đối nghịch với các nỗ lực của con, về sự gian khó của đời sống cộng đoàn, về sự hiểu lầm, về sự bẽ mặt vì người khác, về sự khó chịu mà người ta đối xử với con, về sự nghi oan, về sức khỏe yếu kém của con, về sự hy sinh, về sự chết cho chính con, về sự kém hiểu biết, về các kế hoạch thất bại của con.” (Nhật Ký, #57) Ước gì mỗi chúng ta cũng can đảm như vậy.
Lạy Thiên Chúa, chúng con biết thế gian là cõi tạm nhưng đầy đau khổ, xin giúp chúng con can đảm chấp nhận mọi đau khổ vì yêu mến Ngài, vì yêu thương tha nhân, vì muốn cứu các linh hồn và để đền tội ở đời này. Xin gia tăng tín lực và ái lực để chúng con đủ sức đi theo Đức Giêsu Kitô tới hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU