Sẽ chẳng có lúa ngày mai, nếu hôm nay không ai gieo hạt. Đó là nguyên lý rất đơn giản trong đời sống thường ngày, nhưng đôi khi chúng ta hay quên những điều căn bản như thế. Như lời của thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1 Cr 3,6). Người gieo hạt, gieo giống cứ gieo còn việc cho nó mọc lên là việc của Chúa. Rồi ngay cả việc ai sẽ gặt “mùa lúa chín” thì cũng là công việc và sự sắp đặt của Ngài.
Chúng ta thường bị cám dỗ, nếu mình gieo thì mình phải là người được gặt. Nhưng Thiên Chúa muốn trước tiên, chúng ta hãy là người gieo. Hôm nay, chúng ta cứ gieo, gieo tình yêu thương, sự cảm thông, sự liên đới chia sẻ; gieo những điều tốt đẹp, những việc làm ý nghĩa, việc còn lại là việc của Chúa.
Sống giữa xã hội có nhiều điều ngang trái, nhiều sự bất công, chúng ta là các Kitô hữu bị lôi kéo để “chiều lòng” cho cách suy nghĩ và hành xử như những gì chúng ta thấy, như những gì chúng ta phải chịu đựng. Nhưng như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói về một chủ đề “hãy cứ làm”, bản chuyển ngữ của Nguyễn Tú Anh cho Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam, như sau:
“Dù ai đó phi lý, quá đáng, tự phụ thì cũng hãy tha thứ cho họ.
Khi bạn tử tế, người ta nói do bạn có động cơ bên trong, thì cũng cứ tử tế.
Khi bạn thành công, có thể bạn sẽ có vài người bạn giả tạo và vài kẻ thù thật, thì cũng cứ thành công.
Khi bạn thành thật, thẳng thắn, có thể người ta sẽ lừa bạn, thì cũng cứ thành thật.
Khi bạn bỏ hàng năm trời để xây dựng, có thể ai đó sẽ phá hoại trong một đêm, thì cũng cứ xây dựng.
Khi bạn bình an và hạnh phúc, có thể người ta sẽ ganh tỵ, thì cũng cứ hạnh phúc.
Hôm nay bạn làm điều tốt, ngày mai người ta sẽ quên, thì cũng cứ làm điều tốt.
Bạn làm điều tốt nhất có thể cho đời, có thể sẽ chẳng bao giờ đủ, thì cũng cứ làm những gì tốt nhất bạn có.
Vì cuộc phán xét sau cùng là giữa bạn với Thiên Chúa, chứ không bao giờ là giữa bạn với người ta.”
Thiên Chúa sai chúng ta đi để trở thành “người gieo giống”, vậy hãy cứ tròn bổn phận là người gieo giống. Và ngay khi tròn bổn phận, thì Chúa đã phán với chúng ta: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. (Mt 25,21).
Dụ ngôn những yến bạc là một dụ ngôn điển hình cho những gì mà Thiên Chúa dạy chúng ta bài học về việc “sinh lời”. Mỗi người Thiên Chúa đều ban cho “những nén bạc”, ít nhiều không phải là vấn đề đáng quan tâm, nhưng điều mà ông chủ quan tâm nhất với các gia nhân là thái độ đón nhận những yến bạc này và công việc phải làm là “sinh lời”. Ngay cả việc sinh lời cũng vậy, sinh lời ít hay nhiều không phải là điều ông chủ quan tâm nhất, nhưng ông quan tâm đến thái độ của gia nhân. Thái độ nhất định phải sinh lời cho ông chủ qua những yến bạc thể hiện sự nỗ lực, sự trung thành, sự tin tưởng mà gia nhân dành cho ông chủ. Còn lại, những kẻ “biếng nhác” ư, ông chủ sẽ ra hình phạt, bởi vì những gia nhân này đã không “sinh lời”, những gia nhân này đã bày tỏ thái độ không tin tưởng, và như thế cũng là không yêu mến ông chủ. Một gia nhân trong nhà thì không thể sống với thái độ như vậy!
Trong những điều mà Mẹ Têrêsa nói trên đây, hóa ra, tất cả những gì mình đang làm có một nguồn động lực mạnh mẽ bên trong – tình yêu dành cho Thiên Chúa. Vì yêu, nên chúng ta mới đủ can đảm để tiếp tục trở thành “người gieo giống”, gieo hạt mầm của tin, tình yêu, của sự sự tha thứ và của niềm hy vọng lớn lao rằng: dù gì đi nữa, cuối chặng đường thì “cuộc phán xét sau cùng là giữa bạn với Thiên Chúa, chứ không bao giờ là giữa bạn với người ta.”
Nếu chúng ta là những Kitô hữu trẻ, chúng ta hãy xin ơn trung thành và kiên nhẫn để trở thành “người gieo giống” Tin Mừng của Chúa. Những thất bại và chán nản chỉ là tạm thời cho một tương lai tươi sáng hơn, cho một tương lai của trời mới, đất mới. Bởi vì Chúa đã đoan hứa rằng, tuy chỉ là hạt cải nhỏ xíu mà một khi được vùi xuống đất, nó lớn lên cho đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ và trú ẩn (x. Mc 4,30-32). Như thế, những gì hôm nay là nhỏ bé, nhưng được gieo bằng thái độ yêu thương trọn tình với Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ cho nó trổ sinh hoa trái phong phú trong tương lai. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các bạn trẻ thế này:
“Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của một bạn trẻ khác.” (Tông huấn Christus Vivit số 210). Luôn mong ước các bạn trở thành “người gieo giống” đầy mạnh dạn và nhiệt thành của Chúa.
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Viết cho các bạn trẻ – Sài Gòn 28.04.2021)