“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc 6, 38)
Thoạt nghe, nghĩ tưởng đó chỉ là cách sống thực dụng, có qua có lại. Nhưng nếu chỉ có thế, lời dạy của Đức Giêsu thật quá tầm thường, không xứng với giá trị đạo đức và chân lý mà người tín hữu có thể đặt nơi Đấng mà họ tôn thờ; và xác tín thực hành lời dạy của Người sẽ đưa đến hạnh phúc và được sự sống đời đời.
Sống lòng nhân ái với tha nhân, nhất là đối với những người đang lâm cơn nguy nan, đói khổ, Đức Giêsu hướng người ta, không phải là nhìn vào cái mình đang cho, định cho, mà chú ý đến “thứ” mà Thiên Chúa sẽ đổ đầy cho họ.
Đó chính là tình thương và ân sủng mà Chúa Cha, vốn đã ban phát rộng rãi cho những người con của Người, nhưng bây giờ, khi sống lòng nhân ái cụ thể, họ sẽ thấy những ân huệ ấy dư dật là thế nào, và thấy được cõi lòng mình được rộng mở ra sao, để khi lan tỏa đến những người anh em nghèo khổ hơn – như ôm choàng lấy sự khốn khó của tha nhân bằng tình tương thân tương ái trong Chúa, qua hành vi cụ thể là trao cho nhau những món quà ân sủng và sự sống.
Những món quà, hộp cơm, chai nước gói ghém tình thương được trao cho những phận người cơ khổ trong hoàn cảnh khó khăn dịch giã thì có giới hạn, nhưng Đức Giêsu cho biết phần thưởng dư đầy là mức độ vô hạn của tình yêu Thiên Chúa qua đó, tuôn đổ đầy tràn vào tâm hồn người ta, giải thoát họ khỏi những sự tính toán lợi ích nhỏ nhen và khỏi cả sự thất vọng là không nhận được lòng biết ơn – sự trả ơn từ những người mình đã trợ giúp.
Chúa dạy: “Cho thì phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) Vì khi cho, người ta mới hiểu được những gì mình có không hoàn toàn thuộc về mình, hãy nằm im trong tủ, cứ ở yên trong túi mình, mà nó là ơn ban – nó phải được trao đi theo ý của Đấng đã rộng rãi ban phát và tùy vào sự quảng đại của lòng mình, mà hành vi trao tặng những món quà nhân ái cho người lân cận đói khổ, đang cần sự trợ giúp cấp thiết, như là hành vi “đáp lễ” những ân huệ và tình thương Chúa đã ban cho.
Dùng hình ảnh “cho lại” cách sung mãn để cho thấy, Chúa sẽ làm cho tâm hồn và tấm lòng của chúng ta càng được rộng mở để đón nhận những ân huệ và tình thương của Chúa, vì chúng ta đã chứng tỏ mình là những người xứng đáng với những ân huệ ấy.
Dịch bịnh còn tràn lan, và chẳng ai có thể tiên liện được diễn tiến sẽ như thế nào, có chống – hoặc phòng nổi không? Nhưng trong tình thế đó, nếu chúng ta dấn thân cùng nhau thực hành lời Chúa với lòng nhân ái, điều đó sẽ trở nên mầm giống đem lại một cuộc cách mạng xã hội, một luồng gió sự thiện và tình hiệp thông liên đới, phục hồi những tổn thương tinh thần và đời sống do những thứ văn hoá ích kỷ và thực dụng, vô cảm và tàn nhẫn đang chiếm hữu lòng người và dìm chết tinh thần con người như hiện nay.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT