Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 08.07.2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 185 triệu ca dương tính, trong đó có khoảng 4 triệu ca tử vong.
Vào năm 2021, con số ca dương tính ở VN tăng “đột biến”. Tính đến thời điểm hôm nay, vào ngày 08.07.2021, theo trang Bộ Y Tế, con số đã lên đến 21.560 ca nhiễm, trong đó có 8.022 ca bình phục và 107 ca tử vong. Đặc biệt ở SG là “ổ dịch” lớn nhất của cả nước đang thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa toàn thành phố. Số ca nhiễm tăng vọt, con số tính hàng trăm mỗi ngày.
Trước biến cố này, các vị lãnh đạo Tôn giáo, đặc biệt Công Giáo, kêu gọi tín hữu liên lỉ cầu nguyện, phó thác cho Thiên Chúa. Nhiều cộng đoàn, gia đình và cá nhân hiệp ý cách sốt sắng. Nhưng đã gần 2 năm đại dịch xảy ra, qua lời cầu nguyện của những người tin, tại sao Chúa không chữa lành? “Tại sao bệnh tật vẫn phá hoại loài người?”… (t.68).
Đó là câu hỏi thật, rất thật trong cuộc chiến Đức tin của con người trước thảm kịch cùng cực do viêm phổi Vũ Hán gây ra. Cuộc chiến sinh-tử Đức tin đó cũng chính là “cuộc chiến Đức tin” của Ông Gióp -người công chính cam chịu đau khổ, thân mang đầy ghẻ lở do bệnh ung nhọt- “chứng giám bi kịch thân phận loài người sống trước một Thiên Chúa thinh lặng đáng sợ”. (t.7).
Trong sách Gióp, Ông được mô tả là người đạo đức, công chính vì Ông “liêm khiết, chính trực, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều gian ác”. Ông được Thiên Chúa chúc phúc, “dòng dõi đông đảo và của cải tràn đầy.” Ông “được coi như người giàu có nhất trong các con cái phương Đông.” Thế nhưng, vào một ngày kia –ngày của thảm kịch- bốn tai họa giáng xuống gia đình Ông: mất đàn súc vật, các tôi tớ bị giết chết và con cái ông bị giết chết. Phản ứng lại trước nỗi đau này, “Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, phục lạy và nói… Đức Chúa đã cho, Đức Chúa đã lấy lại, Đáng chúc tụng thay Danh Đức Chúa! Trong tất cả các sự ấy, Gióp không hề lỗi phạm và không nói điều gì xúc phạm đến Thiên Chúa”. Sau đó, chính ông Gióp bị bệnh “ung sang hiểm độc” “từ gan bàn chân lên tới đỉnh đầu. Gióp dùng một mảnh sành để gãi và ngồi ở giữa đống tro…” (t.44, t.46, t.56, t.58).
Mang thân phận ghẻ lở khắp người, chính Ông “nguyền rủa ngày ông sinh ra”. Chính Ông than vãn Thiên Chúa đã làm cho một người vô tội –như Ông– lại đau đớn: “hồn tôi đã chán ngấy đời tôi”; “tôi vô tội sao?”; “tôi chán chường cuộc sống”; “xin đừng đối xử với tôi như một người phạm lỗi, xin hãy cho tôi biết vì sao Người buộc tội tôi?”… Và, chính Ông khẳng định: “Thiên Chúa đã gia hại tôi”. Vì Gióp tin tưởng Ông “vô tội, cần phải được ban thưởng một số phận tốt”, nên Ông hoài nghi Thiên Chúa ”đang đối xử bất công” với Ông. Vì thế, “Gióp thách thức Thiên Chúa cho biết những lỗi lầm” Ông đã phạm, và “trách cứ Thiên Chúa đã để Ông rơi vào đen tối”; Ông “yêu cầu Thiên Chúa phải giải thích nỗi đau khổ” mà Ông đang gánh; Ông “đòi buộc Thiên Chúa phải chữa lành bệnh tật” cho Ông; Ông “đặt ra câu hỏi triệt căn: tại sao Thiên Chúa vắng mặt trong giai đoạn thử thách?” (t.63, t.88, t.89, t.92, t.118, t.125, t.148, t.157).
Những lời than trách, trách cứ, chất vấn trong sự hoài nghi của Ông Gióp cũng chính là những thắc mắc nghi ngờ -có thể phẫn nộ- của những người tin vào Thiên Chúa đang đối diện với “cơn bão” đại dịch viêm phổi Vũ Hán và gào lên: tại sao Thiên Chúa vắng mặt trong đại dịch này? Ngài đã làm gì để cứu nhân độ thế?…
“Cuối cùng Thiên Chúa ra khỏi thinh lặng và nói trực tiếp với Gióp “từ giữa cơn giông”…: Ngươi ở đâu khi Ta đặt móng cho đất? Nói đi, nếu sự hiểu biết của ngươi được soi sáng. Ai đã đặt kích thước cho nó?… Ngươi biết mà; hoặc ai đã giăng dây trên nó…”. (t.219, t.220).
Thiên Chúa nói với Ông “Gióp trong giông bão và kêu gọi quay về nơi những nguồn gốc. Muốn biết điều gì xảy ra trên thế gian và hiểu được chương trình Thiên Chúa, Ông Gióp cần biết cách nào các tạo vật khai sinh ra.” Vì “Thiên Chúa chủ quyền trên vũ trụ điều khiển tất cả và sáng tạo tự trình bày như hiện diện trong các công trình vũ trụ”… Và, “Thiên Chúa như nhắc cuộc sống con người quá ngắn để hiểu biết những bí ẩn vũ trụ”. Thế nhưng, “Thiên Chúa tạo dựng tất cả cho con người làm chủ”. “Thiên Chúa ở cùng với Ông và nếu biết đón nhận không có gì làm cho phải sợ hãi”. Do đó, Ông “Gióp được kêu gọi sự suy tư những thực tại đó và tránh mọi trách cứ nhanh chóng trước thực tại sự dữ trong sáng tạo” vì “không nên coi sự đau khổ như trừng phạt đến từ Thiên Chúa”. (t.224, t.226, t.229, t.230, t.237, t.242).
Ông Gióp đã sám hối ăn năn, tin tưởng vào Thiên Chúa và được Thiên Chúa chúc phúc. Ông được “nhận lại mọi của cải và còn nhận nhiều hơn nữa không phải như phục hồi như cũ nhưng biểu lộ vào hạnh phúc mới. Cho dù Ông sám hối nhưng không thấy nói được chữa hết những đau khổ, nhưng được giải thoát vì những dấu chỉ hạnh phúc.” (t.246).
Gióp cũng còn giống như thực trạng của thế giới và đất nước Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, đang phải hứng chịu đau khổ do đại dịch viêm phổi Vũ Hán bủa vây cách bất công. Mỗi người “tìm thấy trong Gióp thân phận con người, giới hạn, xúc cảm, mang những phản kháng, những than van, những thất bại, những lo lắng; nhưng cũng có những cái lớn lao, nhỏ bé và mong manh. Gióp tuyên xưng Đức tin. Gióp giống như tất cả những người tin vào Thiên Chúa nhưng có hơn chút: một Thiên Chúa đau khổ, liên đới với con người và khoan dung. Nhưng đáp lời Thiên Chúa không có nghĩa là gìn giữ luật lệ luân lý.” “Lời Thiên Chúa mời gọi vượt qua việc gìn giữ luật lệ kéo theo sự tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa cho dù đôi lúc Thiên Chúa dường như thinh lặng, xa vời, vắng mặt khi đau khổ dày vò con người. Lời mời gọi bao gồm hành vi đức tin vào Thiên Chúa Toàn Năng, Thiên Chúa cứu độ và sáng tạo.” (t.250, t.251).
“Sức mạnh Thiên Chúa hành động kín đáo” bảo vệ con người và chúc phúc cho con người như Thiên Chúa đã cứu Ông Gióp và chúc lành cho Ông. (t.237)
Tin, sám hối ăn năn, sẽ được chữa lành và được chúc phúc “từ giữa cơn giông” của đại dịch.
Huyền Trang
……………….
Nguồn:
1/Sách “Gióp – Chuyện Người Vô Tội Đau Khổ” của Lm. Vincent Lê Phú Hải, OMI.