Cha Lêô Lê Trung Nghĩa – một Bề trên hiền lành và chịu nhiều đau khổ (1927-2021)

Cha Lêô Lê Trung Nghĩa vừa qua đời hôm nay 15/7 tại Tu viên DCCT Kỳ Đồng, Sài Gòn.

Ngài được sinh ra trong gia đình quyền quý và đạo đức. Nhà ngài có 4 người tu DCCT, trong đó cậu ngài – cha Henry Bạch Văn Lộc- và ngài là hai người nối tiếp nhau làm Bề trên Giám tỉnh DCCT Việt Nam từ năm 1969 đến 1981.

Cha Henry Bạch Văn Lộc kể với tôi rằng năm 1933, Cha Giám tỉnh DCCT Saint’Anne de Beauprée gặp ngài ở Sài Gòn khi ngài vừa tốt nghiệp tú tài Pháp. Mỗi ngày trên tầu thủy về lại Canada, cha đều viết cho ngài một lá thư và có ý mời gọi ngài đi tu DCCT.

Cha Lêô Lê Trung Nghĩa ngồi trên xe lăn chờ người đến xưng tội

Cảm kích trước tấm lòng của Cha Bề Trên, cha Bạch Văn Lộc đã bỏ nghiệp quan chức mà gia đình dự liệu cho ngài để gia nhập DCCT. Ngài vào Đệ tử Viện Huế làm giáo sư dạy đệ tử; năm1934 ngài vào Nhà Tập và sau đó ngài là một trong mấy cha người Việt đầu tiên được chịu chức linh mục trong DCCT Việt Nam vào năm 1940.

Có lẽ thấy cha Henry Lộc tu đắc đạo cho nên gia đình anh chị ngài lần lượt cho ba người con trai vào tu DCCT và tất cả về sau đều đã trở thành linh mục là quý cha: Felix Lê Văn Lang (1922-2006), Lêô Lê Trung Nghĩa (1927-2021) và F.X Lê Thanh Châu (1938-2007). Cả ba cha đều có quốc tịch Pháp như bố mẹ các ngài.

Năm 1989 tôi vào Tu viện Kỳ Đồng thì cha Lêô Lê Trung Nghĩa đang phụ trách Xóm giáo 2 và phụ tá cho cha Thành Tâm giúp các em thiếu nhi Thánh Thể của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà lúc đó chỉ dám gọi là Lớp Giáo lý Thiếu Nhi. Ngài giảng dạy đơn sơ, cung giọng ngọt ngào, cười rất có duyên, nên các em thiếu nhi cũng thích và thường gọi ngài là “ông nội” khi thưa đáp với ngài.

Ngài ít giao tiếp và trò chuyện với các anh em trẻ, nhưng thấy chúng tôi là những người cha Giuse Vũ Ngọc Bích gửi từ Miền Bắc vào Sài Gòn thì thỉnh thoảng ngài cũng hỏi thăm và cổ vũ: ngài đặc biệt yêu quý Cha Già Bích: ngài là Bề trên Giám tỉnh đầu tiên ra thăm DCCT Hà Nội sau năm 1954 và ngài cũng mời được cha Vũ Ngọc Bích vào Sài Gòn năm 1977.

Sau 75, Tỉnh Dòng túng thiếu, nhưng thấy Cha Bích một mình ở Hà Nội còn khó khăn, nghèo khổ hơn thì ngài đã giúp đỡ. Nhờ vậy Cha Bích mới có thể thay Tỉnh Dòng tiếp tế cho các cha DCCT đang bị tù đầy ở Miền Bắc đồng thời làm sân vườn và xây tường bao hành lang phía trước ngôi nhà đang ở cho an toàn và trông có dáng vẻ là một tu viện. Có lẽ thấy ngài rộng rãi nên có lần thiếu tiền, Cha Bích còn nhờ ông Cố Quang, thân phụ của Cha Hướng bây giờ – từ Hà Nội vào “vay” tiền ngài.

Từ năm 2000, tôi có dịp nói chuyện với ngài nhiều hơn, vì phòng ngài và phòng tôi làm việc gần nhau và có chung hành lang nhìn ra sân trước Tu viện Kỳ Đồng. Thấy ngài hiền lành, đơn sơ, nhỏ nhẹ, xuề xòa, rộng lượng đúng kiểu người Miền Tây. Trong các cuộc họp, ngài ăn nói chừng mực, khiêm tốn và các ý kiến của ngài rất có tính cách xây dựng. Cũng từ năm 2000 cho đến khi tôi rời Sài Gòn năm 2006, tôi xin ngài làm cha giải tội hàng tháng cho tôi.

Trong thời ngài làm Giám Tỉnh có lẽ chỉ có hai điều làm ngài an ủi và vui mừng nhất.

MỘT LÀ ngài đã cho 7 thầy khấn dòng và chịu chức sớm để kịp gửi các cha này đến các điểm truyền giáo của Nhà Dòng ở Fyan, ở Cần Giờ, Đồng Tháp, Bến Tre trong khi nhà cầm quyền chưa kịp cấm chịu chức và cấm thuyên chuyển linh mục. Quý cha Sang-Thạch-Duy-Liêm-Lợi-Phiệt đã khấn trọn, chịu chức phó tế và linh mục trong 10 ngày (11-21/6/75). Riêng cha Điệp chỉ trong 5 ngày (11-15/8/75).

Đây quả thực là quyết định khôn ngoan, vì nếu không thì những vùng truyền giáo quan trọng của Tỉnh Dòng ở Tuyên Đức, Cần Giờ và các giáo điểm ở Đồng Tháp và Bến Tre đã không có linh mục. Hơn nữa, có thể các anh em kia phải đợi vài chục năm sau mới được nhà nước chấp thuận cho phong chức. Đó là trường hợp cha G. Ngô Tấn Lực, cùng lớp với cha Phiệt, năm 75 không kịp chịu chức và ngài đã phải đợi đến năm 2001.

HAI LÀ ngài tổ chức cho anh em hoàn tất bản dịch Kinh Thánh toàn tập của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn và sau đó in và phát hành được 20 nghìn bản. Cũng may là ngài cho in kịp. Vì chỉ sau đó một thời gian thì cả nhà xuất bản lẫn nhà in của DCCT bị nhà cầm quyền đóng cửa và chiếm dụng.

Cho đến thời điểm năm 1976 đây là cuốn Kinh Thánh được dịch thuật và chú giải một cách khoa học nhất ở Việt Nam. Trong suốt gần 20 năm tiếp theo và ngay cả cho đến nay bản dịch Kinh Thánh này đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu và học hỏi lời Chúa trong Giáo Hội Việt Nam.

Ngoại trừ hai điều trên, còn lại toàn toàn chuyện đau buồn. Không một Bề trên Giám tỉnh nào của DCCT ở Việt Nam phải chịu nhiều áp lực như ngài và không một Bề trên nào chứng kiến nhiều chuyện đau buồn diễn ra đối với Tỉnh Dòng như ngài.

Đấy là những đau buồn nào? Không kể những áp lực thường xuyên của nhà cầm quyền đổ lên ngài, đặc biệt là mỗi khi họ bắt bớ một cha hay tịch thu một cơ sở của Tỉnh Dòng, thì ngài có những nỗi buồn sau đây khi làm Bề trên Giám tỉnh:

THỨ NHẤT: nhân sự trong dòng bị tụt giảm và phân tán: nhiều anh em linh mục hoặc bị giết, hoặc bị đi tù hoặc bị trục xuất, hoặc không được trở lại Việt Nam, hoặc xuất tu.

Tháng 3 năm 75, khi ngài vừa đắc cử chức vụ giám tỉnh thì cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, Giáo sư Kinh Thánh hàng đầu ở Việt Nam thời ấy giờ bị cộng sản bắn chết tại nhà thờ Di Linh chỉ vì phản đối hành vi cướp ngày của họ.

Sau ngày 30 tháng 4, nhiều cha khác bị cộng sản bắt đi tù không án dài hạn như: Cha Gioan Nguyễn Văn Thính, Cha Giuse Trần Hữu Thanh, cha Phêrô Phan Phát Huồn, cha Phêrô Đinh Ngọc Quế, cha Phêrô Ngô Đình Thỏa, cha An tôn Nguyễn Văn Trung, cha Rôcô Nguyễn Tự Do, và sau đó là cha khác như : cha G.B Nguyễn Văn Vàng, Antôn Trần Thế Phiệt, cha Giuse Tiến Lộc, cha Giuse Phạm Minh Thiện, Phêrô Nguyễn Đức Mầu, Hilario Nguyễn Gia Tước, …

Một số khá đông quý cha đi công vụ hoặc du học đều bị kẹt lại ở ngoại quốc và không thể trở lại Việt Nam: M. Laliberté, Denis Paquette, A. Trépanier, M. Benoit, L.Roy, G. Gagnon, J.Laplante, F.X Trần Tử Nhãn, B. Hoàng Quang Lượng, Giuse Phạm Đán Bình, Phaolo Trần Ngọc Anh, G. Nguyễn Ngọc Vũ, cha Đoàn Thanh Dũng, G. Nguyễn Tiến Lãng, Alfonso Nguyễn Hồ Đỉnh.

Ngày 17 tháng 9 năm 1975, các cha C. Dubé, L.P. Vaillancourt, J.M. Labonté đang truyền giáo ở vùng Tuyên Đức (Fyan) gần Đà Lạt bị trục xuất khỏi địa phương và ngày 20 tháng 9 các ngài phải rời Việt Nam về lại Canada. Ngày 9 tháng 7 năm 1976 hai vị thừa sai cuối cùng, những cha giải tội được yêu thích và là vị tông đồ của các bà mẹ không chồng và các trẻ mồ côi là cha E. Larouche và cha L. Olivier cũng đã bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Đấy là chưa kể một số quý cha quý thầy vì nhiều lý do khác nhau đã đi tỵ nạn cộng sản ở các nước tự do hoặc xuất tu. Nhân sự của DCCT Việt Nam bị tụt giảm thê thảm. Thiệt hại lớn nhất là những người được coi là trụ cột của Tỉnh Dòng, những người được coi là giới tinh hoa của Tỉnh Dòng, đều bị bắt đi tù hoặc bị cấm trở về Việt Nam. Những ai đi tù về thì lại bị cấm hoặc hạn chế làm việc.

THỨ HAI: Các tu viện của Tỉnh Dòng bị nhà cầm quyền dùng mưu hèn kế bẩn tịch thu như Thủ Đức, Nha Trang, Đà Lạt, Tiểu đệ tử Vĩnh Long, Nha Trang. Các tu viện còn lại cũng ở trong tình trạng bấp bênh, không biết còn mất lúc nào. Các nhà đào tạo như đệ tử, tập viện, học viện đều bị giải tán. Các anh em già trẻ tản mác đây đó, không được làm việc mục vụ và không được học hành, phải vất vả mưu sinh và tự mình giữ gìn đời tu của mình. Vì vậy nhiều anh em đã không còn giữ được lý tưởng tu trì.

Không thời Bề trên Giám tỉnh nào của DCCT Việt Nam có nhiều anh em xuất tu và ít anh em khấn dòng như thời cha Nghĩa. Số xuất tu tính sơ sơ cũng khoảng 4 chục. Số các anh em khấn dòng trong 2 nhiệm kỳ của ngài theo tính toán của tôi nay chỉ còn 7 anh em là quý cha: Vãn, Bích, Xuân, Hòa (+) và Thành, Toàn, Thịnh (Úc).

THỨ BA: nhà cửa, trường học, đất đai, tiền bạc, tài sản của cả Tỉnh Dòng cũng như của các tu viện đều ít nhiều bị nhà cầm quyền cộng sản tịch thu hoặc cướp cạn cách này cách khác. Tỉnh Dòng hầu như không còn phương tiện sinh sống và phục vụ. Ngài là Bề trên Giám tỉnh mà không thể lo được cho các bề dưới những nhu cầu tối thiểu về chuyện ăn chuyện ở.

THỨ BỐN: anh em linh mục tu sĩ trong dòng sống tản mác khắp nơi, nhiều anh em linh mục không có việc mục vụ chính thức, các việc tông đồ như giảng đại phúc, dạy học, tuyên úy, giúp đỡ cô nhi quả phụ… không còn thực hiện được. Những anh em có thể giảng dạy cũng chỉ giới hạn tại địa phương các anh em sống, nhưng cũng rất khó khăn.

THỨ NĂM: liên lạc giữa ngài với cac anh em trong Tỉnh Dòng và với Trung ương Dòng trở nên khó khăn, trắc trở. Hai ba năm đầu sau 75 thỉnh thoảng ngài còn gửi được thư sang Roma và nhận được thư từ Roma gửi về VN. Từ giữa năm 78 trở đi dường như không còn thư từ gì được nữa và ngài đã phải đặt cha Alfonso Nguyễn Hồ Đỉnh ở Paris làm đại diện để làm việc với Trung ương Dòng khi hữu sự.

Nói chung thời ngài làm Bề trên Giám tỉnh phần lớn là chuyện lo buồn. Người thiếu, tiền thiếu, chỗ ở thiếu, công việc thiếu, liên lạc trên dưới khó khăn….

Làm sao giữ cho anh em hội nhập được với toàn Dòng trên thế giới? Làm sao lo cho anh em có chỗ ăn ở và công việc phục vụ ổn định phù hợp với trí ý của Dòng? Làm sao an ủi và trợ giúp các anh em tản mát ngoài tu viện và các anh em trong tù? Làm sao tổ chức và thích nghi lý tưởng tu trì và tông đồ của Dòng trong chế độ cộng sản? Làm sao để Nhà Dòng tồn tại? Cho đến khi ngài hết hai nhiệm kỳ giám tỉnh nhiều câu hỏi vẫn không có câu trả lời…

***

Năm 2001 một lần tôi thấy ngài ú ớ khi đang ngồi ở hành lang nhìn ra sân trước tu viện, mặt méo đi và không cử động được. Tôi kêu cha Micae Ngô Đình Vãn và cha Vãn lập tức đưa ngài đi bệnh viện cấp cứu. Một thời gian sau ngài trở về lại tu viện, không ngồi, không nói được. Từ bên Văn phòng Tỉnh tôi sang thăm ngài, chỉ thấy ngài nằm và hỏi gì cũng chỉ kêu ư ư.

Ai cũng nghỉ ngài chỉ sống một thời gian ngắn. Thế mà không hiểu sao, cha Vãn và các bác sĩ y tá chăm sóc cha cách gì mà một thời gian sau ngài lại nói được dù còn khó khăn. Rồi một thời gian nữa ngài ngồi được. Cũng gần giống như trường hợp cha Antôn Trần Ứng Tường trước đó vậy!

Từ đó, ngài cứ ngồi ở hành lang trước nhà dòng, đọc kinh, lần hạt, nhìn mọi người vào ra qua lại. Cũng từ đó có nhiều người thường đến kể lể với ngài chuyện nọ kia, rồi xin ngài cầu nguyện hoặc xin xưng tội với ngài. Bất kể giờ giấc, ngài luôn sẵn sàng. Chúa dùng ngài và ngài hạnh phúc với sứ vụ ấy. Nếu không có ngài Tu viện Kỳ Đồng thiếu hẳn một góc mục vụ.

Ngài chẳng phải là một nhà trí thức sâu sắc hay một nhà giảng thuyêt lỗi lạc. Ngay khi làm Bề trên Giám tỉnh thì đời sống của ngài cũng vẫn âm thầm và khiêm tốn. Ít người biết đến ngài. Ngài chìm mình đi giữa mọi người. Ngay anh em trong Dòng cũng nhiều khi quên ngài đã từng là Bề trên Tu viện Kỳ Đồng và làm Giám tỉnh DCCT VN.

Nhưng mỗi khi nhớ đến ngài, tôi luôn khâm phục lòng can đảm của ngài. Sau 30/4 năm 1975, ngài đã không di cư sang Pháp, trái lại đã bỏ quốc tịch Pháp để ở lại Việt Nam gánh vác Tỉnh Dòng trong thời buổi hỗn loạn, khó khăn, đau khổ và thử thách nhất. Ngài cũng đã can đảm đón nhận bệnh tật trong 20 năm trời để cầu nguyện cho Giáo Hội, để lắng nghe và giúp đỡ những người khôn khổ chạy đến với ngài

Có những con người vĩ đại chỉ vì âm thầm vác thánh giá và chịu đau khổ theo chân Chúa. Tôi tin cha Lêô Lê Trung Nghĩa là người như vậy!

Xin Chúa đón nhận ngài vào hưởng phúc Nước Trời./.

Roma, 15-07-2021

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT