Thời dịch bệnh phơi bày mọi lòng dạ

Ảnh Internet

Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai

Đám dân mà Đức Chúa vừa ra tay uy quyền giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai cập, oai hùng vượt qua biển đỏ, tiến về Đất Hứa đã mau chóng kêu trách Môsê, họ thà chết ở đất Ai cập, khi ngồi bên nồi thịt và ăn bánh no nê. Còn hơn là được tự do mà phải chết đói trong sa mạc này (x.Xh 16, 1-5)

Kinh thánh bảo đám dân ấy cứng lòng.

Sự cứng lòng tin thể hiện nhiều mức độ, từ nghi ngờ tình yêu, quyền năng và sự tốt lành của Đức Chúa đến việc than trách, chống đối, xúc phạm và phủ nhận sự hiện hữu của Người.

Sự cứng lòng tin bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, vì phải chịu đói khát, bệnh tật, sợ hãi kẻ thù… Nhưng sâu xa, vì đức tin của họ còn hay quy về mình, nặng tính vật chất, sợ mất đi chỗ dựa trước những bấp bênh của hiện tại và mù mịt ở tương lai. Họ muốn Đức Chúa phải thực hiện ngay lời hứa, nên hay phàn nàn kêu trách.

Trong khi Đức Chúa lại muốn họ tin vào Người khi đương đầu với những khó khăn, tìm ra những giải pháp trong những hoàn cảnh đó để tôi luyện đức tin.

Nổi giận, trừng phạt và ruồng bỏ đám dân ấy thì quá dễ, nhưng Đức Chúa dùng biện pháp khác để giáo dục, bắt họ phải đối diện với chính mình, với đức tin nặng tính vụ lợi và vật chất của mình, phải suy xét sự phi lý của những đòi hỏi ấy. Vì vậy, Người cho họ no thỏa “bánh từ trời” rơi xuống như mưa và có thịt ăn, để họ nhận biết rằng Người là Thiên Chúa của họ (x.Xh 16,9-15)

Trong thời dịch bệnh, dân nghèo chạy ăn từng bữa bị tổn thương nhiều nhất. Hằng ngày họ vẫn thành tâm khẩn cầu Các Đấng với nước mắt hòa với muôn vàn những nỗi khổ đau, hổ nhục nhưng không thấy họ kêu trách Chúa – Ông Trời hoặc các thần thánh.

Đa số cam chịu và loay hoay trong sự khốn khó bế tắc của mình trước cơn đói khát hằng ngày, trước những biện pháp phòng – chống dịch rất bất cập hoặc thái quá, vô cùng bất nhân, tốn kém và không chút hiệu quả.

Đã có những ý kiến đóng góp chân thành, những phân tích tỉ mỉ, rõ ràng và logic của những nhà chuyên môn về y tế và dịch tễ, nhưng không hề được chính phủ đón nhận, thậm chí còn tỏ thái độ thiếu thiện cảm, chụp mũ, đe dọa và gây nhiều áp lực buộc phải im tiếng.

Một số ít phản kháng với những câu hỏi đặt ra về tính chính danh của thể chế đang cầm quyền, về động thái nào giúp dân của Nhà cầm quyền, về cách điều hành cơ cấu chính quyền, một chính quyền vẫn tự hào là “Của Dân, Do Dân và Vì Dân” mà cho tới giờ này vẫn chưa hề có sự trợ giúp nào về các nhu cầu thiết yếu cho người dân, lại chiếm dụng tiền đóng góp của dân vào quỹ mua vaccine phòng chống Covid-19, lại còn buông lỏng kỷ cương cho các cấp thừa hành lạm quyền, ra oai tác quái làm khổ dân tình cả nước…

Để mặc dân loay hoay tự lo cho nhau, ngày 20/7/2021, Quốc hội (do dân bầu ra?) long trọng khai mạc Kỳ họp thứ nhất, khóa XV để bầu bán phân chia quyền lực..!

Dân tình bảo Nhà nước này cứng lòng, có nói cũng bằng không, cứ nhìn vào những chuyện thường ngày của một cấp cuối cùng là cấp phường trong hệ thống chính quyền, là sẽ biết sự thật về cả một hệ thống chính quyền đó.

Lời Chúa hôm nay nói về dụ ngôn người gieo hạt giống (Mt 13,1-9). Hạt giống tốt vẫn đổ xuống mọi thể loại người. Có loại khô khan gian tà, vô ơn và tham lam, cay đắng hoặc trục lợi… Nhưng chính những hạt giống ấy làm lộ ra tố chất của những loại đất, và tùy theo cách đón nhận mà người ta biết nó là mảnh đất nào.

Vì thời dịch bệnh này phơi bày mọi lòng dạ. Nhưng chỉ nơi nào có sự dấn thân cho tình thương vì nghĩa đồng bào qua sự chia sẻ, nơi đó có phép màu. Và phép màu chứa đầy sự ấm áp của tình người, khơi mở một chân trời mới tươi sáng, đầy sự lạc quan và hy vọng đang diễn ra trước mắt mọi người.

Can đảm bước đi trong những tăm tối của cuộc sống, tin tưởng và khẩn nguyện trong sự tín thác vào Đức Chúa, Đấng mà người tin đã từng trải nghiệm về quyền năng và tình yêu, sự tín trung và thánh thiện, chính là biệt dược chữa trị sự cứng tin.

Và đức tin ấy sẽ sinh hoa trái tốt lành vững bền, khi thực hành đức yêu thương, yêu thương người lân cận, yêu thương những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả, và hành động để cho thấy thế nào là yêu thương.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT