Vị linh mục Dòng Tên, cha Stan Swamy đã qua đời trong khi bị cảnh sát giam giữ ở Ấn Độ vào ngày 5 tháng 7 vừa qua. Ngài đã bị bắt vì các hoạt động khủng bố, một cáo buộc trắng trợn mà cả ngài và những người biết ngài đều bác bỏ. Là người suốt đời ủng hộ hòa bình và bất bạo động, cha Swamy được biết đến nhiều nhất vì sự tận tâm của mình đối với nhân quyền, đặc biệt là đối với các sắc dân thiểu số của Ấn Độ, những người thuộc tầng lớp cấp thấp Dalits (trước đây được gọi là “những người không thể chạm tới”) và những người nghèo ở thôn quê.
Thần học giải phóng, vốn đã được hình thành ở Châu Mỹ Latinh, đã được áp dụng vào thần học cho người cùng khổ Dalit vào thời điểm tôi chuyển đến Ấn Độ năm 1981. Một trong những người tiên phong chính là cha Stan. Ngài là bạn của Dom Hélder Câmara và Paulo Freire và đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các tác phẩm của họ. Chồng tôi và tôi đã đến thành phố Bangalore, miền nam Ấn Độ để gặp ngài vài tháng sau khi chúng tôi đến Ấn Độ.
Bangalore được coi là “thành phố của những khu vườn” trong những ngày đó, và chúng tôi đã được ngồi với cha Stan trên những bãi cỏ xanh tuyệt đẹp của Học viện Xã hội Ấn Độ, một trung tâm nghiên cứu và đào tạo do Dòng Tên điều hành, nơi ngài đứng đầu vào thời gian ấy. Môi trường nơi đây quá thoải mái đối với ngài và vì vậy ngài đã cảm thấy thất vọng khi phải ở lại đó. “Tôi vốn thuộc về các ngôi làng thôn quê,” tôi nhớ cha đã nói với tôi như vậy.
Vài năm sau, ở tuổi 55 – thời điểm mà hầu hết mọi người bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu – Cha Stan được chuyển đến miền nam Bihar, một trong những khu vực nghèo nhất của Ấn Độ. (Sau này nó trở thành bang riêng biệt của Jharkhand.) Cha vẫn ở đó trong suốt quãng đời còn lại của mình, làm việc không mệt mỏi trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn cùng với những người lao động không có đất đai canh tác và những người nông dân thuộc tầng lớp Dalit.
Vào năm 2018, cha Swamy cùng với một số nhà hoạt động khác đã trở thành đối tượng của cuộc điều tra của Cơ quan Điều tra Quốc gia (NIA) về một vụ việc diễn ra vào đầu năm đó ở Bhima Koregaon, một ngôi làng cách Mumbai 4 giờ lái xe về phía nam. Vào hồi tháng Giêng, một cuộc biểu tình kỷ niệm hai trăm năm cuộc nổi dậy thành công của người Dalit đã trở thành bạo lực. Đám đông thuộc tầng lớp thượng lưu vô cùng phẫn nộ vì những người diễn thuyết của sự kiện đã cho rằng những bất công tương tự trong quá khứ đối với Dalits vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ít nhất một người thiệt mạng và nhiều tài sản bị phá hủy. Hai người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu nổi tiếng bị buộc tội xúi giục bạo lực. Một người bị bắt và sau đó được trả tự do; người kia không bao giờ được ra tòa mặc dù có nhiều cuộc biểu tình đòi bắt giữ anh ta. Vài tuần sau, một thanh niên người Dalit, mười chín tuổi, người đã chứng kiến vụ bạo hành đã chết một cách bí ẩn; anh trai cô, cũng là một nhân chứng, đã bị bắt vì tội cố ý giết người. Vào cuối năm đó, chín nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở độ tuổi sáu bảy mươi đã bị bỏ tù. Vào tháng 7 năm 2018, đến lượt Swamy, mặc dù cha nói rằng cha chưa bao giờ đến Bhima Koregaon trong đời. cha đã bị thẩm vấn trong vài giờ bởi cảnh sát địa phương và sau đó là các quan chức NIA một lần nữa.
Trong một video mà cha thực hiện sau một cuộc thẩm vấn vào hồi tháng 10 năm 2020, cha Swamy bình tĩnh trình bày chuỗi sự kiện. Đối với cha, những gì đã xảy ra không liên quan gì đến những hoạt động của cha trước sự kiện Bhima Koregaon, và việc cướp bóc có hệ thống các vùng đất của những sắc tộc thiểu số (adivasi) bởi chính phủ và các tập đoàn. Chỉ ra vai trò mà cha đã thực hiện trong hơn 30 năm qua – trong việc giúp người dân tộc thiểu số nhận thức được quyền của họ, trong việc đệ đơn kiện vì lợi ích cộng đồng và đấu tranh để thông qua luật ủng hộ người sắc tộc thiểu số- Cha Swamy kết luận: “Điều này đã tạo ra xung đột với nhà cầm quyền và vì thế mà họ muốn tôi tránh xa cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội. Một cách dễ dàng để làm thực hiện là vu cáo cho tôi liên quan tới một số trường hợp nghiêm trọng. “
Cuối cùng, như thường lệ, người nghèo đã cứu được trong ngày.
Trong cuộc thẩm vấn, các quan chức đưa ra hàng loạt tài liệu mà họ cho rằng đã được trích xuất từ máy tính của chính Swamy. Một cuộc điều tra sâu rộng về tuyên bố này đã được thực hiện bởi Arsenal Consulting, một công ty pháp y kỹ thuật số gần Boston. Họ đã kết luận rằng tài liệu đã được cài đặt bởi phần mềm độc hại trong máy tính của một nhà hoạt động khác và sau đó được chuyển cho bất kỳ ai mà nhà hoạt động đó trao đổi thư từ, bao gồm cả cha Swamy.
Cuối video, Swamy cho biết ngài đã bị triệu tập đến Mumbai để thẩm vấn thêm, nhưng ngài đã từ chối đi. Tuổi của cha (tám mươi ba), sức khỏe của cha (ngài bị Parkinson và bệnh tim), và đại dịch Covid chí ít cũng là những lý do chính đáng để ngài không cần đi triệu tập. Câu chuyện trong video của ngài kết thúc bằng những từ sau:
Những gì đang xảy ra với tôi không phải là duy nhất, hoặc xảy ra với một mình tôi. Đó là một quá trình rộng hơn đang diễn ra trên khắp đất nước. Tất cả chúng ta đều biết các nhà văn, luật sư, nhà thơ, nhà hoạt động, nhà lãnh đạo sinh viên nổi tiếng đã bị bỏ tù như thế nào vì họ bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến hoặc chất vấn về những người cai trị Ấn Độ. Vì vậy, tôi là một phần của quá trình này và tôi rất vui khi trở thành một phần của nó. Tôi không phải là một khán giả im lặng. Tôi là một phần của cuộc chơi và tôi sẵn sàng trả giá, bất kể đó là gì.
Vài ngày sau, cha Swamy bị bắt và điệu đến Mumbai, nơi cha bị giam trong nhà tù Taloja. Lời buộc tội chính thức là gây rối và vi phạm Đạo luật ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp năm 1967.
Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các hồng y, giám mục, linh mục, và các thành viên của các dòng tu, cũng như các tổ chức nhân quyền và những người yêu chuộng công lý hòa bình trên khắp Ấn Độ và trên thế giới, đã lên tiếng bênh vực cha Swamy và các nhà hoạt động khác. Các cuộc biểu tình đoàn kết đòi trả tự do ngay lập tức đã được tổ chức trên khắp đất nước. Khi những biện pháp này tỏ ra không hiệu quả, cách tiếp cận đã chuyển sang các biện pháp giảm nhẹ, đặc biệt là đối với cha Stan, do tình trạng sức khỏe bấp bênh của cha. Chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng, vì căn bệnh Parkinson khiến cha Stan thậm chí không thể cầm cốc đủ vững để uống nước. Tôi và nhiều nhà hoạt động vì người khuyết tật khác ở đây, đã gửi được vài chiếc cốc nhỏ đến nhà tù. Vậy mà tất cả những đồ vật nhỏ bé này cũng bị trả lại cho người gửi.
Chi tiết nhỏ này, hơn bất cứ điều gì khác, giúp cho tôi hiểu sự thù hận đến tận xương tủy của những người thực hiện vụ bắt giữ này. Ai có thể từ chối một chiếc cốc uống nước cho một linh mục tám mươi ba tuổi đang chống chọi với bệnh Parkinson trong ngục tù? Cuối cùng, như thường lệ, chính người nghèo mới có câu trả lời. Trong một lá thư cuối cùng từ nhà tù, cha Swamy xúc động nói về sự giúp đỡ mà cha nhận được từ các bạn tù: dù nghèo và mù chữ, họ không cảm thấy khó hiểu ý nghĩa hai chữ “làm người.” Họ tận tâm đút cho cha Stan bằng thìa, giữ chiếc cốc trên môi, hỗ trợ ngài khi đi vệ sinh và tắm cho ngài khi ngài không thể tự chăm sóc bản thân được. “Chúng tôi vẫn hát với nhau,” cha viết trong lá thư của mình. “Một con chim trong lồng vẫn có thể hót cơ mà.”
Khi, dường như không thể tránh khỏi, anh ta bị nhiễm Covid, cuối cùng cha được đưa đến bệnh viện Mumbai, nơi, mặc dù bị xích chặt trên giường theo đòi buộc của pháp luật, cha đã được chăm sóc về mặt sức khỏe, thứ mà ngài không có được trong ngục tù. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn. Phải dùng đến máy thở, cha qua đời vào ngày 5/7.
Ân huệ lớn nhất mà cha Stan Swamy nhận được sau một đời bảo vệ người nghèo là cha đã trở thành một trong số những người nghèo lúc tắt hơi thở. Trong bối cảnh đàn áp tàn nhẫn những người bất đồng chính kiến hiện nay ở Ấn Độ, minh chứng về sự ngược đãi của cha nhận được có thể được coi là một lời cảnh báo cho những người khác. Tuy nhiên, một điều nghịch lý là nhiều người ở đây lại tìm thấy hy vọng và nguồn cảm hứng trong câu chuyện của cha. Một vụ kiện pháp lý tố cáo sự vi phạm nhân quyền đối với cha Stan hiện đang được lên kế hoạch, và cái chết của cha đã khiến nhiều người hiểu hơn về sự bất công mà người nghèo phải sống hàng ngày trên đất nước này. Christina Samy, người được cha Stan đào tạo và trở thành nhà hoạt động nhân quyền toàn thời gian, nói rõ: “Khi còn sống, Cha Stan là một thách thức đối với hiện trạng bất công xã hội. Khi chết đi, cha còn làm được nhiều điều hơn thế nữa. “
Theo Commonweal Magazine,
Duc Trung Vu, C.Ss.R