Một Đức hồng y cho biết hôm thứ Ba rằng chuyến thăm mang tính lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq vào tháng Ba đã có tác động sâu sắc đến đất nước này.
Phát biểu tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hungary, vào ngày mùng 7 tháng 9, Đức Hồng y Louis Raphaël Sako giải thích rằng chuyến đi của Đức Thánh Cha đã thay đổi bầu không khí ở quốc gia Trung Đông này. “Đức Thánh Cha đã chạm đến trái tim của tất cả người dân Iraq bởi những thông điệp của ngài, đặc biệt là những người Hồi giáo. Và bây giờ, một điều gì đó đã thay đổi trong các đường phố, trong quần chúng, dân cư, ”ngài nhận xét. “Các Ki-tô hữu tự hào về điều đó và giờ đây họ cũng được đánh giá rất cao”.
Trong bài chia sẻ của mình tại Trung tâm Triển lãm và Đại hội Hungexpo Budapest, địa điểm chính của đại hội Thánh Thể, nhà lãnh đạo 73 tuổi của Giáo Hội Công giáo Chaldean nhắc lại cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa Đức Thánh Cha và vị giáo sĩ Shiite hàng đầu của Iraq, Grand Ayatollah Ali al-Sistani. “Tôi đã cùng Đức Thánh Cha đến thăm Ayatollah Sistani, người nắm giữ quyền lực tối cao của người Hồi giáo Shiite. Và vị lãnh đạo Hồi giáo đã thốt ra một điều rất quan trọng. Ông nói: ‘Các bạn đích thật là các Ki-tô hữu’ – có nghĩa là, các tín hữu và đức giáo hoàng – ‘Các bạn là một phần của chúng tôi, và chúng tôi là một phần của bạn. Điều đó có nghĩa là chúng ta là anh em. “
Đức Hồng Y Sako cũng đã trình bày lịch sử và linh đạo của Giáo hội Công giáo Chaldean, một trong 23 Giáo hội Công giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa thánh. Giáo hội có nguồn gốc từ thời các Thánh Tông đồ nhưng mang hình thái lịch sử hiện tại vào thế kỷ 16 khi các thành viên của Giáo hội cổ đại Phương Đông khẳng định sự hiệp thông của họ với Tòa Thánh. Giáo hội được chăm sóc bởi một tòa
Thượng phụ có trụ sở tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Sầu Bi ở thủ đô Baghdad của Iraq. Giáo hội này có hơn 600.000 thành viên sống chủ yếu ở Iraq và ở các cộng đồng người hải ngoại trên khắp thế giới.
Đức Hồng Y Sako nói rằng Giáo hội Chaldean đã sản sinh ra rất nhiều vị thánh tử vì đạo kể từ khi được thành lập cho đến ngày nay. Ngài lưu ý: “Tử đạo là linh đạo của Giáo hội Chaldean bởi vì kể từ khi thành lập, giáo hội đã trải qua sự đàn áp của người Ba Tư, người Hồi giáo Ả Rập , người Mông Cổ, quân Ottoman và ngày nay là bởi những kẻ cực đoan như al-Qaida và ISIS.” “Trong một đêm năm 2014, 120.000 người đã rời khỏi nhà mà không có bất cứ thứ gì, chỉ với quần áo trên người của họ. Và chúng tôi ngưỡng mộ họ vì rằng không ai từ bỏ đức tin của mình. Không ai chuyển sang đạo Hồi chỉ để được ở lại nhà của mình và được bảo vệ. Tất cả họ đều rời bỏ nhà cửa để đến các thành phố khác ở Kurdistan ”. Đức Hồng Y tiếp tục: “Có thể anh chị em còn nhớ vào năm 2010, tại Baghdad, vào ngày 31 tháng 10, 48 người đã bị sát hại trong Thánh lễ. Và trong số đó có hai người trẻ, họ là hai linh mục trẻ. Họ đến nói chuyện với những kẻ khủng bố, nói rằng: ‘Các anh có thể bắt chúng tôi mang đi. Các anh có thể giết chúng tôi. Nhưng hãy để những người khác ra ngoài. ”Họ không chấp nhận đề nghị của các linh mục và họ đã giết cả hai người. Tôi biết các linh mục này từ thời trong chủng viện, vì khi ấy chính tôi là hiệu trưởng của chủng viện.”
Đức Hồng Y Sako cảm ơn chính phủ Hungary đã giúp đỡ các tín hữu ở Iraq thông qua một chương trình mang tên Hungary Helps có mục tiêu khôi phục lại những ngôi nhà, trường học và nhà thờ bị ISIS phá hủy ở vùng đồng bằng Nineveh.
Ngài nói rằng Teleskuf, một thị trấn ở miền bắc Iraq, ngày nay được người dân địa phương gọi là “Bint al Majjar” (“Con gái của Hungary”) để ghi nhận vai trò của Hungary trong việc khôi phục thị trấn này. Trong lời chia sẻ của mình, Đức Hồng Y Sako giải thích rằng linh đạo Công giáo Chaldean nhấn mạnh đến vị trí trung tâm của ân sủng. “Ân sủng mang tính cực, không có gì tiêu cực,” ngài nói. “Hiếm khi chúng tôi nói về việc hành xác. Ngay cả thập tự giá của chúng tôi cũng trống không, không có thân thể bị đóng đinh, bởi vì Đức Ki-tô đã sống lại. Và chúng tôi gọi đó là ‘thập tự giá vinh quang,’ và điều này mang lại cho chúng tôi rất nhiều hy vọng trong suốt các cuộc đàn áp của chúng tôi. “
Kết thúc bài diễn văn, ngài nói: “Đại hội Thánh Thể Quốc tế này phải là cơ hội để mọi Ki-tô hữu hiểu biết sâu hơn sự kết hợp của mình vào Đức Kitô, và sau đó củng cố sự hiệp thông và hiệp nhất giữa họ thông qua tư cách thành viên của họ trong Giáo hội.” “Mỗi cử hành Thánh Thể là một cử hành Bữa Tiệc Ly và mang ý nghĩa chia sẻ và ở bên nhau. Chúng ta hãy hoàn thành cuộc hành trình thiêng liêng của mình đến với Chúa và là Đấng Cứu Thế của chúng ta, Chúa Giê Su Ki Tô, Đấng sẽ không để chúng ta chìm trong bóng tối, nhưng sẽ dải chiếu ánh sáng phục sinh của Ngài trên chúng ta. ” Ngài nói thêm: “Tôi đề nghị rằng từ Đại hội Thánh Thể này, anh chị em có thể phát động lời kêu gọi hòa bình và tình huynh đệ, để ngăn chặn tiếng ồn ào của vũ khí và chiến tranh và sự giết hại lẫn nhau. Tôi nghĩ điều đó cũng sẽ xuất phát từ nền tảng đức tin của chúng ta, và Bí tích Thánh Thể. ”
Vị giám chức người Canada đã trình bày một bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể như là “một nguồn mạch hòa bình và hòa giải vô tận.” Ngài nói: “Sống đức tin của chúng ta trong sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng cho một đời sống Ki-tô hữu lành mạnh. “Nhưng học cách sống hiệp thông với anh chị em của chúng ta là điều không thể tránh khỏi, không thể thiếu được, và hãy đối mặt với nó, quả là một thử thách.” “Tham gia Bí tích Thánh Thể không chỉ để gặp gỡ Chúa, ở với Ngài, đây còn là một trường học để chúng ta học cách yêu thương người khác, cởi mở với tha nhân. Không có điều đó thì không có Ki-tô giáo thực sự ”.
Buổi sáng kết thúc với thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục José S. Palma của Cebu, Philippines, cử hành. Đức Tổng giám mục 71 tuổi là diễn giả đã đi quãng đường xa nhất để tham dự đại hội.
Các giám mục ở Philippines đã có ý định cử một phái đoàn gồm 500 người đến Hungary, nhưng thay vào đó, họ đã chọn tổ chức một đại hội Thánh Thể toàn quốc trực tuyến trong tình hiệp thông với đại hội ở Budapest.
Trong bài giảng của mình, Đức Tổng giám mục Palma nói: “Anh chị em thân mến của tôi, chúng ta, những người đã được ban phước và hạnh phúc với suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể, được mời gọi là những đường dẫn mang lại bình an cho người khác.” “Giống như một con suối chảy tự do cho đến khi nó lấp đầy mọi ngóc ngách và không gian mà nó vươn tới, chúng ta hãy làm rạng rỡ hòa bình của Thiên Chúa cho tất cả các quốc gia, đến tận cùng trái đất ở bất cứ nơi nào chúng ta có mặt”. “Cầu mong sự bình an của Thiên Chúa luôn ở với chúng ta khi chúng ta tiếp tục hoàn thành sứ mệnh này. Và xin Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, cầu bầu cho tất cả chúng ta ”.
Duc Trung Vu, CSsR (Theo Catholic News Agency)