Từ ngày 19/07 đến ngày 20/09/2021, quý cha đặc trách đã tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến dành cho các học viên lớp Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế Việt Nam (TSGDCCT VN) với chủ đề: “Thánh Lễ dưới cái nhìn Kinh Thánh” do cha Giu-se Nguyễn Văn Hội DCCT, chính xứ Phú Tảo phụ trách. Tham gia lớp học trực tuyến có quý cha và anh chị em thừa sai khắp nơi cùng như: Cha bề trên Giuse Hồ Đắc Tâm, trưởng ban TSGDCCT VN và anh chị em thừa sai giáo dân Sài Gòn, Cầu Giờ; Cha Giuse Trần Hữu Hoan đặc trách TSGDCCT Miền Bắc và anh chị em thừa sai giáo dân Hà Nội; Cha Giuse Nguyễn Văn Hội chánh xứ Phú Tảo và anh chị em thừa sai giáo dân Hải Dương; Cha Giuse Trần Xuân Nguyên quản nhiệm giáo họ Phúc Nguyên và anh chị em thừa sai giáo dân Phúc Nguyên; Cha Micae Nguyễn Công Đức và anh chị em thừa sai giáo dân Na-rì, Bắc Kạn.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng, nên để đảm bảo an toàn cho các học viên, đồng thời, nhằm duy trì tính liên tục của chương trình đào tạo, ngay từ đầu tháng 06/2021, cha Giuse Trần Hữu Hoan đã tiến hành khởi động các giờ học và cầu nguyện trực tuyến qua phần mềm Zoom cho các học viên. Mặc dù có một số hạn chế về vấn đề truyền đạt tri thức so với việc giảng dạy trực tiếp, tuy nhiên, hình thức này lại mở ra cơ hội để các nhóm TSGD trên mọi miền tổ quốc có cơ hội tham dự chung các giờ học, cũng như có thêm thời gian để giao lưu, chia sẻ, động viên lẫn nhau trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Khởi đi từ xác tín rằng “Thánh lễ là trung tâm toàn bộ đời sống Kitô Giáo đối với Hội Thánh toàn cầu, Hội Thánh địa phương và với từng tín hữu; bởi vậy, mỗi người cần hiểu và sống Thánh lễ cách nghiêm túc,” cha Giuse Nguyễn Văn Hội đã cùng với các học viên phân tích bố cục và đi theo trình tự diễn tiến của Thánh lễ, qua đó, xác định nguồn gốc từ Kinh Thánh và ý nghĩa của các nghi thức, cử chỉ, lời nguyện và các đồ vật được sử dụng trong cử hành này.
Trước hết, chúng ta biết rằng Thánh lễ được chia làm hai phần, bao gồm: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Cả hai phần này được liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành động phụng tự duy nhất. Bố cục cơ bản của một Thánh lễ chiếu theo Sách lễ Rô-ma 2002 bao gồm: Nghi Thức Đầu Lễ (Ca nhập lễ, Lời chào, Nghi thức sám hối, Kinh Thương Xót, Kinh Vinh Danh, Lời nguyện đầu lễ); Phụng Vụ Lời Chúa (Bài đọc 1, Đáp ca, Bài đọc 2, Alleluia, Đọc Phúc Âm, Giảng lễ, Kinh Tin Kính, Lời nguyện tín hữu); Phụng Vụ Thánh Thể (Dâng bánh và rượu, Lời nguyện tiến lễ, Lời tiền tụng, Kinh Tạ Ơn II, Tung hô); Nghi Thức Hiệp Lễ (kinh Lạy Cha, chúc bình an, bẻ bánh, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, việc rước lễ và lời nguyện hiệp lễ). Bằng việc điểm qua lần lượt các phần nội dung theo trình tự này, trong đó, viện dẫn chứng từ của Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, cha Giuse đã cho các học viên thấy được ý nghĩa sâu xa của những cử chỉ và ngôn từ trong Thánh lễ mà có lẽ nhiều người kitô hữu không thực sự hiểu hoặc chưa từng biết đến, ngay cả khi tham dự Thánh lễ cách thường xuyên. Do bắt nguồn từ Do thái Giáo và được tiếp thu ngay từ thời các Tông đồ, Phụng vụ Kitô Giáo có nhiều nét tương đồng với Phụng vụ của người Do thái, chính điều này đã tạo nên cái mà chúng ta có gọi là “Âm hưởng của Phụng vụ Do thái trong Thánh lễ” và là phần nội dung trọng tâm xuyên suốt các buổi học.
Song song với việc truyền đạt tri thức bằng các ví dụ minh họa dễ hiểu dựa trên vốn hiểu biết cá nhân và kinh nghiệm trong quá trình làm mục vụ của mình, cha Giuse còn nhiệt thành giải đáp các câu hỏi của anh chị em học viên, đồng thời, đưa ra những gợi ý, khuyến dụ nhằm giúp họ tránh được những thiếu sót khi tham dự Thánh lễ, cũng như có thể tham gia tích cực hơn vào cử hành này theo tinh thần mà Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II đã nhắn nhủ: “Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách TRỌN VẸN, Ý THỨC VÀ LINH ĐỘNG.”
Trải qua mười buổi học (khoảng 20 tiết) được tổ chức vào 19h30 Thứ Hai hàng tuần với số người tham dự luôn ở mức 70-80 thành viên. Môn học “Thánh Lễ dưới cái nhìn của Kinh Thánh”, ngoài việc bổ sung những tri thức mới mẻ, thì đây còn là dịp để nhắc lại cho mỗi người những điều đã từng nghe hay từng đọc qua. Sau khi kết thúc môn học, hy vọng rằng mỗi học viên TSGDCCT có thể đem những tri thức lĩnh hội được ra thực hành và truyền đạt lại cho những tín hữu xung quanh mình. Qua đó mỗi người góp phần làm cho mỗi Thánh lễ của chúng ta trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Nguyện xin Chúa Cứu Thế Chí Thánh, qua lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúc lành cho chương trình đào tạo TSGDCCT của Tỉnh Dòng và đưa chương trình này đi đến chỗ hoàn thành tốt đẹp.
Augustinô Phạm Văn Khải
Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế Miền Bắc