“Nguy hiểm lắm! linh mục có biết không?” Bác tổ trưởng tổ bảo vệ Nhà Đại Thể (nhà xác – nơi để nhiều thi thể) nhìn thẳng vào con và hỏi như thế, khi con xin phép được vào trong đó, để cử hành nghi thức cho một người vừa mới qua đời, vì nhiễm Covid 19.
Như chúng ta biết, khi đại dịch Covid bùng phát, đã có rất nhiều người can đảm dấn thân phục vụ các bệnh nhân, trong vai trò và khả năng của mình. Bên cạnh những người có chuyên môn và có trách nhiệm như: các y bác sĩ và nhân viên y tế…, còn có rất nhiều đoàn thể, các Nhóm và các Thiện Nguyện viên cũng đã chung tay góp sức, để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Anh em chúng con là một trong các số đó.
Trong mấy tháng qua, được sự đồng ý của cha bề trên, cha Phaolô Lê Xuân Lộc và con, đã sống ngoài Tu viện, để chuyên tâm phục vụ các bệnh nhân Covid, trong vai trò và sứ mạng của mình. Chúng con đã làm rất nhiều công việc khác nhau, để phục vụ các bệnh nhân và các nạn nhân của Covid. Tuy nhiên, trong vai trò là những linh mục của Chúa Kitô, thì ưu tiên hàng đầu của anh em chúng con là lo việc thiêng liêng. Nghĩa là cử hành các nghi thức và ban các bí tích sau cùng cho các bệnh nhân.
Khi có ai đó liên hệ để xin chúng con tới bệnh viện xức dầu hay cử hành nghi thức sau cùng cho người nhà của họ, chúng con nhận lời ngay; bất kể ngày nào giờ nào. Khi chúng con đang tranh thủ dùng cơm trưa, sau một buổi sáng đi thăm người nghèo ở các khu nhà trọ, thì có một người gọi điện báo tin, em của họ vừa qua đời vì nhiễm Covid 19, và mong muốn chúng con tới bệnh viện làm phép xác cho em. Con trả lời rằng: cha sẵn sàng vào bệnh viện ngay, nếu bệnh viện cho phép. Ngay tức khắc, con cầm điện thoại để liên lạc trực tiếp với bác sĩ. Sau khi nghe con nói lên nguyện vọng của mình, bác sĩ đã đồng ý cho con vào bệnh viện cử hành các nghi thức cho người mới qua đời, với điều kiện là phải tuân thủ tất cả các quy định của bệnh viện.
Ăn vội bát cơm trưa còn còn giang dỡ, cùng với cha Paul Lộc, người anh em trong Nhà Dòng, chúng con vội vã chạy tới bệnh viện. Tới nơi, chỉ một mình con đi vào trong, còn cha Paul Lộc thì đứng ngoài thăm hỏi động viên và an ủi người thân của người vừa qua đời.
Vào trong, con được hướng dẫn gặp tổ bảo vệ Nhà Đại Thể, để được chỉ dẫn cụ thể hơn. Đứng chờ khoảng hơn 10 phút, thì bác tổ trưởng tổ bảo vệ xuất hiện.
– Anh là người nhà của bệnh nhân vừa mới qua đời hả? Bác bảo vệ đặt hỏi khi vừa nhìn thấy con.
– Dạ không phải, thưa bác. Con nhẹ nhàng trả lời.
– Vậy anh là ai mà muốn vào nơi đó? Anh có biết rằng: đó là khu vực lây nhiễm và rất nguy hiểm không? Bác bảo vệ cằn giọng hỏi tiếp.
– Vâng, tôi biết! Thưa bác. Con trả lời.
– Đã biết là nguy hiểm, sao vẫn muốn vào? Anh không sợ chết hả? Bác bảo vệ thắc mắc.
– Thưa bác, tôi là linh mục Công giáo và người vừa qua đời là một người công giáo, nêu tôi xin bác tạo điều kiện, để tôi vào cử hành các thi thức sau cùng cho người vừa qua đời. Đó là ước nguyện của người nhà, đồng thời cũng là ước nguyện của người quá cố và của tất cả mọi người công giáo. Con cố giải thích cho bác bảo vệ hiểu.
– Nhưng, vào trong đó nguy hiểm lắm, linh mục có biết không? Lỡ may có chuyện gì, ai chịu trách nhiệm? Bác bảo vệ khuyến cáo.
– Dạ, tôi hiểu điều bác vừa nói. Tôi chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy đến với mình. Chỉ mong bác tạo điều kiện cho tôi vào. Con trả lời. Bác bảo vệ cố giải thích về sự nguy hiểm và rủi ro có thể xảy đến cho con, nếu để con tiếp xúc với thi thể của người nhiễm Covid. Có lẽ, bác muốn con suy nghĩ lại và thay đổi quyết định. Thấy con không thay đổi ý muốn,nên cuối cùng bác bảo vệ nói:
– Thôi được rồi, nếu linh mục không sợ, thì tôi sẽ để cho linh mục vào. Nhưng, linh mục phải mặc đồ bảo hộ cẩn thận đấy.
– Dạ, tôi đã chuẩn bị đồ bảo hộ sẵn sàng đây rồi ạ. Cảm ơn bác rất nhiều.
– Vậy linh mục đi theo tôi.
– Con vội vã bước đi theo bác bảo vệ, trong sự vui mừng.
– Trên đường đến Nhà Đại Thể, bác bảo vệ nhẹ nhàng nói với con. “Nếu linh mục chấp nhận vào trong đó, vậy tiện thể xin linh mục làm phép xác cho một em bé vừa qua đời, thi thể cũng đang để trong đó luôn. Bé này là con của một người công giáo, mẹ em bị nhiễm và đang nguy kịch! Thương lắm.
– Con trả lời: vâng, tôi sẽ cử hành nghi thức cho bé luôn. Cảm ơn bác nhiều.
Trái với thái độ căng thẳng và nghiêm nghị lúc mới gặp, nay bác tổ trưởng nhẹ nhàng động viên tinh thần con và hướng dẫn cho con cách tận tình. Ngạc nhiên và cảm động hơn nữa, đó là đích thân bác tổ trưởng tổ bảo vệ, hướng dẫn và giúp con mặc đồ bảo hộ. Sau đó, bác dẫn con vào trong Nhà Đại Thể.
Tại đây, khi con cử hành nghi thức làm phép xác cho những người vừa qua đời, thì chính bác bảo vệ là người vừa xịt nước khử khuẩn vừa cầm sách nghi thức cho con. Cũng chính bác là người cầm bình nước thánh cho con, đốt nhang đưa cho con. Bác “tham dự vào nghi thức mà con đang cử hành” trong một thái độ hết sức cung kính. Cử hành nghi thức xong, cũng chính bác là người cỡi đồ bảo hộ cho con.
Thay khẩu trang và khử khuẩn cho con cách kỹ lưỡng và cẩn thận. Sau đó, hai bác cháu cùng chụp chung tấm hình… làm kỷ niệm.
Con cảm ơn bác để ra về, thì bác lại tiếp tục tiễn con ra ngoài bãi đậu xe. Ngoài ra, bác còn hứa, sẽ sắp xếp để đưa thi thể người mà con mới làm phép, đi hoả táng cách sớm nhất có thể được.
Có lẽ, đây là bác bảo vệ dễ thương và tận tình nhất mà con may mắn được gặp. Cảm ơn bác rất nhiều.
Thực ra, khi vào bệnh viện để cử hành các nghi thức và xức dầu cho các bệnh nhân Covid, không phải là chúng con không sợ. Chúng con có sợ, và sợ rất nhiều nữa là đàng khác. Tuy nhiên, chúng con nghĩ rằng đây là lúc mà vai trò và sứ mạng của người linh mục, được thể hiện một cách cụ thể nhất. Và, có cái gì đó vượt lên trên nỗi sợ hãi. Cái đó chính là tình yêu và trách nhiệm. Trách nhiệm với Chúa và tình yêu đối với tha nhân.
Cũng giống như các y bác sĩ và nhân viên y tế, những người đã quên mình và chấp nhận mọi rủi ro, để dành lại từng hơi thở cho các bệnh nhân Covid. Họ liều mình như thế không phải vì họ không sợ chết, nhưng vì tinh thần trách nhiệm và tình yêu đối với các bệnh nhân. Đó là lí do vì sao khi bác bảo vệ hỏi: vào đó nguy hiểm lắm, linh mục không sợ chết hả? Con đã trả lời rằng: tôi có sợ, nhưng tôi vẫn xin được vào, vì tôi là linh mục.
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con “những cơ hội đặc biệt này”, để chúng con sống đúng với ơn gọi linh mục mà Chúa đã trao ban.
Giuse Nguyễn Khánh Sơn, DCCT.