Tác phẩm có kích thước 115cm x 208cm, vẽ năm 1635 này của Anthony van Dyck, hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp. Đây là bức tranh cuối cùng và xuất sắc nhất trong loạt tranh “Khóc thương Chúa Jesus” của Anthony van Dyck. Và cũng là bức tranh khổ lớn cuối cùng của ông
Xuất sắc nhất, bởi sự lắng đọng của cảm xúc, và sự sáng rõ của tư tưởng chủ đề.
Khác với các bức tranh cùng chủ đề trước đó, trong bức tranh này, Van Dyck đã “cắt giảm” nhiều nhân vật. Trong tranh, “nhân vật phụ”, chỉ còn Thánh John và hai Thiên Thần. Nhưng mảng nhân vật này, được thể hiện bằng màu ấm, tối, gần trùng với màu vách đá sau lưng Đức Mẹ ở bên trái. Tất cả gần như đã được ẩn xuống, làm nền cho chủ đề chính, là Chúa Jesus đã chết đang nằm, với Đức Mẹ đau đớn cùng cực mắt ngước lên trời cao tay giang rộng như muốn phó thác “con mình” cho Đức Chúa Trời, nổi lên rõ ràng, mạnh mẽ hơn.
Áo choàng của Đức Trinh Nữ trùng với màu bầu trời, dường như muốn nói đến sự bao la của lòng mẹ. Sự giang tay như muốn phó thác “con mình” cho Đức Chúa Trời, một mặt, khiến liên tưởng đến Thập Tự Giá của sự khổ nạn, một mặt, thể hiện niềm tin về sự Phục sinh…
Đức Jesus đang nằm trên một phiến đá lớn. Phiến đá lớn đó, làm liên tưởng đến bàn thờ trong nhà thờ Công giáo. Bàn thờ gắn liền với Bí tích Thánh Thể-bàn thờ của mình và máu Đấng Cứu Chuộc…
Anthony van Dyck là một trong những học trò xuất sắc nhất và chịu nhiều ảnh hưởng của Peter Paul Rubens (1577-1640) trên quan điểm thẩm mỹ cũng như kỹ pháp tạo hình-ưa thích những hình khối mạnh mẽ và sự vận động cuồn cuộn. Riêng với bức tranh này, những ảnh hưởng đó mờ nhạt hẳn. Ở đây, Anthony van Dyck thể hiện những suy tư cá nhân bình dị, sâu lắng và chân thực hơn…
(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2014)