Hàng trăm đồ vật khảo cổ được phát hiện trong những tháng gần đây trong cuộc khai quật ở Địa Trung Hải đã được Israel công bố trong tuần này. Trong đó, một chiếc nhẫn vàng 1.700 năm tuổi được khắc hình Người Chăn Chiên Nhân Lành – một dụ ngôn về Chúa Giêsu Kitô.
Các nhà khảo cổ Israel đã phát hiện điều đặc biệt trong những tháng gần đây. Khi khai quật ngoài khơi Caesarea, giữa Tel Aviv và Haifa, nơi hai con tàu bị chìm cách nay khoảng 1.700 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều đồ tạo tác khác nhau, có một chiếc nhẫn vàng hình bát giác được trang trí bằng đá quý màu xanh lá cây. Nhưng phần đáng kinh ngạc nhất của chiếc nhẫn này là hình ảnh được khắc trên đá: một người chăn chiên trẻ mặc chiếc áo dài vác một con chiên trên vai. Hình ảnh của chiếc nhẫn không còn nghi ngờ gì về danh tính của chủ thể: đó là hình ảnh mô tả Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử Nhân Lành.
Helena Sokolov, người phụ trách các tác phẩm tại Cơ Quan Cổ Vật Israel (IAA – Israel Antiquities Authority), xác nhận thực sự đó là hình ảnh của Người Chăn Chiên Nhân Lành. Hình ảnh này là hình tượng hiếm hoi đối với một chiếc nhẫn, nhưng mặt khác lại phổ biến rộng rãi trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Hầm mộ Priscilla ở Rôma chứng tỏ việc sử dụng rộng rãi hình ảnh đó, chúng lưu giữ một trong những hình ảnh lâu đời nhất về Chúa Kitô được miêu tả là Người Chăn Chiên Nhân Lành. Vì kích thước nhỏ nên viên ngọc chắc chắn thuộc về một phụ nữ. Việc phát hiện nó ngoài khơi Caesarea không có gì đáng ngạc nhiên, vì thành phố này từng là thủ phủ của Đế quốc La Mã hồi thế kỷ thứ ba. Người phụ trách cho biết: “Đó là thời kỳ Kitô giáo đang phát triển mạnh, đặc biệt ở các thành phố hỗn hợp như Caesarea.”
Danh hiệu “Mục Tử Nhân Lành” ám chỉ những lời của Đức Kitô trong Phúc Âm Thánh Gioan: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:11) Nó cũng gợi lại Thánh Vịnh 23: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người…”
Trong thời kỳ các Kitô hữu vẫn còn bị bách hại nghiêm trọng, các dụ ngôn này đã cho phép các môn đệ của Đức Kitô nhận ra mình và làm chứng cho đức tin trong khi vẫn kín đáo. Thật vậy, người La Mã đã sử dụng hình ảnh Người Chăn Chiên Nhân Lành này trong tang lễ bằng cách trang trí lăng mộ với hình ảnh mục đồng trẻ tuổi giữa bầy cừu của mình. Hình ảnh tượng trưng cho kiếp sau tràn đầy bình an.
TRẦM THIÊN THU (theo Aleteia.org)
*Tựa bài viết của tác giả là: Chiếc nhẫn lạ lùng