Thánh Danh Thiên Chúa

Cố Lm. Gabriele Amorth, trưởng ban trừ quỷ của Rôma, đã thực hiện hàng chục ngàn cuộc trừ quỷ. Nói chung ma quỷ không chịu nói các tên thánh. Thay vào đó, chúng gọi Chúa Giêsu là “ông ấy” hoặc “ông chủ của bạn.” Nếu những kẻ thù thiêng liêng ghê tởm nhất của chúng ta rùng mình khi phải nói Danh Thánh Thiên Chúa thì tại sao chúng ta lại kêu tên Chúa với sự bất cẩn và liều lĩnh?

Ngày nay dường như ở khắp mọi nơi, người ta lấy danh Chúa một cách vô ích. Nó sẽ ngăn chúng ta theo dõi bất cứ khi nào chúng ta nghe thấy nó. Thiên Chúa truyền lệnh: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.” (Xh 20:7) Đó chính là Điều Răn Thứ Hai: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.” Điều đó được bao gồm trong các Điều Răn khác: Không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cướp,…

Nếu được thực hiện với sự hiểu biết đầy đủ và đồng ý thì việc kêu tên Chúa vô cớ là báng bổ. Đó là tội trọng có thể kéo linh hồn xuống địa ngục. Điều này lặp lại lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án, và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:36-37) Chúng ta nên hết sức cẩn thận tuân giữ Điều Răn Thứ Hai và kêu thánh danh Thiên Chúa với lòng tôn kính và tôn trọng tối đa.

Theo truyền thống Do Thái, tên không chỉ đơn thuần là danh hiệu mà còn được liên kết không thể tách rời với danh tính của một người. Khi Chúa Giêsu chọn Simôn làm nền tảng của Giáo Hội, Ngài đã đặt cho ông một cái tên mới là Phêrô, nghĩa là “đá.” Theo cách hiểu của người Do Thái, tên tiết lộ danh tính và bản chất của một người. Sách giáo lý dựa trên câu này: “Tên của mọi người là thánh thiêng. Tên là biểu tượng của con người.” (GLCG số 2157) Tuy nhiên, Thiên Chúa không tiết lộ danh Ngài, ngay cả cho các Tổ phụ của Israel: Ápraham, Isaac và Giacóp. Mãi cho đến khi Môsê đến bụi cây đang cháy trên núi Khôrép, Thiên Chúa mới bày tỏ danh Ngài cho dân.

Sau khi Thiên Chúa giao sứ mệnh cho Môsê dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập, ông Môsê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: ‘Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: ‘Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?’ Thiên Chúa phán với ông Môsê: ‘Ta là Đấng Hiện Hữu.’ Ngươi nói với con cái Israel thế này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em’.” (Xh 3:13-14) Thiên Chúa bày tỏ danh Thiên Chúa cho Môsê và Israel, đồng thời thiết lập mối quan hệ với họ với tư cách là Thiên Chúa của họ. Tên “Hiện Hữu” mặc khải rằng Ngài hiện hữu và là chính Ngài.

Sau đó, sau khi Môsê dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập, ông lại đến trước mặt Thiên Chúa trên đỉnh núi. Đức Chúa được bao bọc trong khói và lửa, sét và kèn nổ, khi núi Sinai rung chuyển và run rẩy trước sự hiện diện của Ngài. Chính tại đây, trong khung cảnh kinh hoàng đó, Môsê nhận được Mười Điều Răn, và tiếng của Đức Chúa phán như sấm, ra lệnh cho loài người “không được dùng danh Thiên Chúa một cách bất xứng, và Ngài không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng.” (Xh 20:7) Cho tới nay, các tín đồ Do Thái giáo không nói tên của Thiên Chúa, nhưng họ gọi Ngài là Adonai – Chúa, hoặc đơn giản là Ha Shem – tên, danh xưng.

Việc mặc khải danh Thiên Chúa cho con người là dấu chỉ tin cậy và thân mật. (GLCG số 2143) Đó là một phần trong mầu nhiệm thánh của Ngài về việc bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Không gì ngạc nhiên khi Isaia tiên tri rằng một trinh nữ sẽ sinh Đấng Mêsia, và tên của Ngài sẽ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Is. 7:14) Để thực hiện điều này, khi Đức Trinh Nữ Maria đang mang thai, một thiên thần đã tiết lộ cho Joseph trong giấc mơ rằng họ nên đặt tên cho đứa trẻ là Giêsu, “vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội.” (Mt 1:21) Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố quyền bình đẳng với danh Thiên Chúa. Ngài nói với những người Pharisêu đang chất vấn Ngài rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8:58)

Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu. Như vậy, tên của Chúa Giêsu đồng nghĩa với tên của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Chính vì điều này mà Thánh Phaolô nói: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2:10-11) Vì chính danh Chúa Giêsu đã được thấm đẫm quyền năng. Tất cả những ai kêu cầu danh của Chúa Giêsu Kitô sẽ được cứu. (Cv 4:12) Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện và tầm quan trọng của danh Thiên Chúa. Ngài bắt đầu bằng lời xin cho “Danh Cha cả sáng.” Chúng ta nên tôn kính, tôn thờ và ngợi khen danh Chúa. Tương tự, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta đừng nhân danh Thiên Chúa mà tuyên thệ kẻo bị phán xét vì không đáp ứng lời hứa. (Mt 5:34)

Danh Chúa Giêsu Kitô đủ quyền năng và hiệu nghiệm để mang lại ân sủng trong Phép Rửa và trừ quỷ cho những người bị ám. Trong lời dạy cuối cùng của Chúa Giêsu cho các môn đệ, Ngài truyền lệnh: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19) Danh Thiên Chúa gắn liền với bí tích khai tâm vào Hội Thánh. Trong nghi thức Rửa Tội cũng có một nghi thức trừ quỷ được thực hiện. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.” (Mc 16:17) Chính Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều phép trừ quỷ bằng quyền riêng của Ngài, khiến nhiều người kinh ngạc trước quyền năng của lời Ngài: “Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” (Lc 4:36) Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đuổi quỷ nhờ quyền năng của danh Chúa Giêsu, như thánh Phaolô đã làm: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này!” (Cv 16:18)

Quyền năng của danh Chúa Giêsu cũng không chỉ có ở các trang của Kinh Thánh. Như những người trừ quỷ thời hiện đại đã chứng thực, họ có thể ra lệnh cho vong ma hồn quỷ ở trong các cuộc trừ quỷ bằng cách cầu xin uy quyền và sức mạnh của danh Chúa Giêsu Kitô. Lm. Jose Antonio Fortea, người trừ quỷ, giải thích: “Thay vì hỏi quỷ bất cứ điều gì, linh mục ra lệnh cho nó nhân danh Chúa Giêsu.” Với quyền này, con quỷ dưới lốt người bị ám buộc phải phục tùng danh Chúa Giêsu. Điều này xác nhận sự vui mừng thốt lên của các môn đệ: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con!” (Lc 10:17)

Danh Thiên Chúa và danh Chúa Giêsu Kitô là thánh và đầy quyền năng, chúng ta nên hết sức cẩn thận để không thốt ra chúng một cách cẩu thả hoặc vô cớ. Danh Thiên Chúa là phương tiện để chúng ta thánh hóa, thánh hiến và cứu rỗi. Danh Ngài nên được nói khi cầu nguyện, thờ phượng và ngợi khen, không phải trong những lời nói vu vơ hoặc trống rỗng, và chắc chắn không phải là một lời nguyền rủa! Ngay cả khi thấy trên mạng xã hội trong các cách diễn đạt hằng ngày, như OMG, điều này cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với Thánh Danh Thiên Chúa. Tôi thấy điều đó thật xúc phạm khi tôi nghe ai đó nói danh Chúa một cách vô ích hoặc dùng danh Ngài mà chửi rủa.

Tôi thích nói một lời cầu nguyện nhỏ để đền bù cho sự xúc phạm đối với Thiên Chúa và cho người đã nói điều đó, đại loại như “Sit nomen Domin benedictum” – danh Chúa là thánh. Thay vì sử dụng danh Chúa một cách vô ích, chúng ta nên dâng mọi lời nói và việc làm của mình nhân danh Chúa Giêsu. (Cl 3:17) Ngài là niềm hy vọng của chúng ta, vì “hễ ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu.” (Rm 10:13) Chúng ta cũng biết rằng Chúa Giêsu gọi tên mỗi chúng ta là chiên của Ngài. (Ga 10:3) Nếu chúng ta theo Ngài, Thiên Chúa sẽ ghi danh Ngài trên trán chúng ta, ghi ấn tín chúng ta là của Ngài cho đến muôn đời. (Kh 14:1) Đó là lời hứa của Ngài về sự sống đời đời và hy vọng của chúng ta về Thiên Đàng.

BRIAN KRANICK

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Kính Thánh Danh Chúa Giêsu – 2021