Chiều thứ Tư 23/3, phát biểu tại Hội nghị các Đại sứ của Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu cạnh Toà Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh tái kêu gọi đàm phán cho cuộc chiến ở Ucraina, và khẳng định Giáo hội vẫn tiếp tục gần gũi với những người tị nạn chiến tranh.
Tại Hội nghị, trước sự hiện diện của ông Aloysius John, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế, ông Martin Pacal Tine, Đại sứ của Senegal, Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi đã trình bày một loạt các chương trình bao gồm phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu đại dịch và nhắm cải thiện tình trạng sức khoẻ chung qua việc tăng cường các hệ thống lương thực, thăng tiến phụ nữ, thúc đẩy đối thoại và giáo dục trẻ vị thành niên.
Trả lời câu hỏi do Hãng tin Ansa của Ý đặt ra về cuộc điện đàm giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Ucraina, Đức Hồng y Parolin nói sự quan tâm mạnh mẽ được chia sẻ trong cuộc nói chuyện là an ninh cho các hành lang nhân đạo. Ngài nhấn mạnh: “Điều chúng tôi liên tục yêu cầu là chấm dứt ngay các cuộc giao tranh và thù địch. Và tiếp theo là cùng ngồi vào bàn đàm phán”.
Về nghi thức thánh hiến và phó dâng nước Nga và Ucraina cho Đức Mẹ sẽ được Đức Thánh Cha chủ sự vào ngày 25/3, Đức Hồng y nói rõ: “Trước hết, đó là một sự khẩn cầu hòa bình, xin Đức Mẹ hoán cải con tim, là một hành vi tôn giáo mạnh mẽ nhất phó thác nơi Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót và Nữ Vương hòa bình, để đến cứu giúp ở nơi mà nhiều khi khả năng hoặc ý muốn con người không đạt được. Đó là một nghi thức được thực hành nhiều trong Truyền thống Công giáo, trong Chính thống giáo tôi không chắc, nhưng điều này không nên tạo ra bất kỳ vấn đề nào trên bình diện đại kết. Trước đây, đã có quốc gia hoặc địa phương đã được thánh hiến không chỉ cho Đức Mẹ nhưng cả cho Chúa Giêsu, để cầu xin sự cứu giúp của Đức Mẹ trong một hoàn cảnh nghiêm trọng như hoàn cảnh mà chúng ta đang sống và dường như không có giải pháp, ít nhất là ngay lập tức”.
Đối với người tị nạn, Quốc vụ khanh Toà Thánh nhấn mạnh rằng cần phải tìm ra các hình thức hỗ trợ mới, như qua các hình thức cộng tác với nhà nước, nhưng không quên tìm kiếm các nhà hảo tâm bên ngoài. Về phần Giáo hội, Đức Hồng y khẳng định “Trước thảm trạng đang diễn ra tại Ucraina, Toà Thánh vẫn tiếp tục dấn thân mang lại hy vọng cho nhiều người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, cũng như nỗ lực khuyến khích đối thoại và mở ra những con đường hòa giải giữa các bên xung đột”.
Ngọc Yến – Vatican News