Sáng thứ Năm 24/3, trong buổi tiếp các thành viên của Trung tâm Phụ nữ Ý, Đức Thánh Cha khẳng định: “Câu trả lời thực sự cho chiến tranh không phải là vũ khí, các biện pháp trừng phạt, nhưng là sự chăm sóc”; và “Phụ nữ như một kiểu mẫu cho một cách làm chính trị khác”.
Trung tâm Phụ nữ Ý được thành lập vào năm 1944. Đây là một hiệp hội phụ nữ hoạt động trong các lĩnh vực dân sự, xã hội và văn hoá nhằm góp phần xây dựng một nền dân chủ liên đới và chung sống dựa trên sự tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người.
Trong buổi tiếp 200 thành viên của Trung tâm nhân hội nghị bầu cử tại Roma, nói về sự dấn thân của phụ nữ trong xã hội, Đức Thánh Cha đề cập đến cuộc xung đột ở Ucraina, ngài nhận xét: “Một nền chính trị tốt không thể đến từ văn hóa quyền lực được hiểu là thống trị và áp bức, nhưng một nền chính trị tốt chỉ xuất phát từ văn hóa quan tâm, chăm sóc con người và nhân phẩm, và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Thật không may, cuộc chiến đáng xấu hổ mà chúng ta đang chứng kiến đã cho thấy điều ngược lại.”.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Lịch sử 70 năm qua cho thấy luôn có các cuộc chiến tranh khu vực; đây là lý do tại sao tôi nói rằng chúng ta đang ở trong chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh, ở khắp mọi nơi; cho đến này, có một chiều kích không gian lớn hơn và đe dọa toàn thế giới. Nhưng vấn đề cơ bản là giống nhau: người ta tiếp tục thống trị thế giới như một ‘bàn cờ’, nơi những kẻ mạnh nghiên cứu các nước cờ để mở rộng sự thống trị trước sự tổn hại của người khác”.
Ở điểm này, Đức Thánh Cha lên án sự trở lại của cuộc chạy đua vũ trang: “Tôi cảm thấy xấu hổ khi biết một nhóm các quốc gia đã cam kết chi 2% GDP cho vũ khí, như một phản ứng với những gì đang xảy ra bây giờ. Thật là điên rồ! Câu trả lời thực sự, như tôi đã nói, không phải là vũ khí khác, các biện pháp trừng phạt khác, các liên minh chính trị-quân sự khác, nhưng là một cách tiếp cận khác, một cách khác để điều hành thế giới hiện đang toàn cầu hóa, đó là chuyển quyền lực theo luận lý thống trị sang chăm sóc”.
Đức Thánh Cha mời gọi các phụ nữ trở thành “những người nắm giữ vai chính cho sự thay đổi này. Chính trường học của Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách Nước Thiên Chúa luôn được phát triển từ hạt giống bé nhỏ. Đó là trường học của Gandhi, người đã dẫn dắt một dân tộc đến tự do trên con đường bất bạo động. Đó là trường học của các vị thánh của mọi thời đại, những người làm cho nhân loại lớn lên bằng chứng tá của một đời sống phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng đó cũng là ngôi trường của nhiều phụ nữ đã vun trồng và bảo vệ cuộc sống; những người phụ nữ đã chăm sóc những người yếu đuối, những người chăm sóc các vết thương, những người đã chữa khỏi vết thương cho con người và xã hội; của những phụ nữ đã dành cả khối óc và trái tim cho sự nghiệp giáo dục thế hệ mới. Và vì thế phụ nữ như một kiểu mẫu cho một cách làm chính trị khác”. (CSR_1227_2022)
Ngọc Yến – Vatican News