Nói đến chuyện đi tu, người đời hay bảo nhau: Tu là cõi phúc. Có một bà cụ nói với một sơ thế này: “Giờ con chỉ mong được ở cổng nhà sơ thôi cũng vui rồi. Giá mà ngày xưa con biết đi tu thích như thế thì con nhất định xin đi với các sơ.”
Đúng là phúc thật, bởi sáng lễ chiều kinh, tối ngày lo học, chẳng phải bận tâm đến chuyện cơm áo gạo tiền. Người tu giống như chim sẻ ngoài đồng, không cần lo thu lượm, tích trữ của cải, nhưng chắc chẳng đến nỗi túng quẫn, đói khát bao giờ. Cùng lắm là khi trong túi chỉ còn mấy đồng đổ xăng xe thì cứ chạy về đến nhà Dòng, là biết chắc kiểu gì cũng có phần cơm ăn, thức uống cho mình.
Người tu có phúc cũng bởi vì chẳng phải bận tâm ba cái chuyện hầm bà lằng nhằng của đời sống lứa đôi. Có giận ai, tức ai thì cùng lắm trở về phòng riêng của mình, khóa chặt cửa là khỏi phải lo bị ai làm phiền. Chẳng bù cho người lập gia đình, đến cái giường đi ngủ cũng phải sẻ chia nên nếu lỡ giận người rồi biết có ngủ ngon giấc được chăng?
Người tu đi đâu cũng được chào đón, lo lắng. Đi đến bất cứ chỗ nào, chỉ cần được giới thiệu là tu sĩ, à kìa sẽ có đầy người quí mến, hỏi han. Nhiều khi chẳng phải do mình tài giỏi, lanh lợi, khéo ăn khéo nói gì cho cam, vậy mà lại được tiếp đón nhiệt tình. Người ta quí người tu đơn thuần vì họ tin đó là người của Chúa, thuộc về Chúa.
Đấy, cứ nhìn bề ngoài là người ta cứ ngỡ “tu là cõi phúc, tình là dây oan.” Nhưng thật ra, chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Đúng là đời tu thì cũng nhiều niềm vui, nhiều ơn lành hồn xác, nhưng đó vẫn mãi là con đường chẳng mấy ai đi bởi con đường ấy đầy chông gai thách đố. Thầy Giê-su đã chẳng từng cảnh báo rất rõ ràng rằng: “Anh em hãy vác Thập giá của mình mà bước theo thầy.” Thầy cũng chẳng úp mở mà nói cho biết trước: “Ma quỷ sẽ sàng anh em như sàng gạo.” Thầy động viên những người bước theo Thầy: “Anh em hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào.”
Cái giá của người môn đệ phải trả luôn là một cái giá rất đắt bởi nước trời giống như viên ngọc quí, mà ân sủng thì không hề rẻ tiền.
Có người gặp sự khó với bề trên khó tính, với anh em trái nết, hay nhiều khi là những hiểu lầm trong đời sống chung. Chung thì luôn có đụng, ấy là chuyện thường ở huyện.
Có người gặp sự khó về phần gia đình. Đi rồi, mà ở nhà nào có yên cho người tu yên lòng. Có anh chẳng phải con một nhưng đi tu rồi, mà lòng cứ thấp thỏm lo cho cha mẹ vì mấy đứa em dại khờ. Có anh thì ngổn ngang lo toan về người thân. Nhiều lúc thấy mình vô dụng, chẳng biết làm sao. Thân ở nơi đây, nhưng lòng trí thì đang quặn thắt vì chuyện ở quê. Tôi biết có một cha giáo nọ có người em lâm vào cảnh nghiện ngập, ngài đau đớn mà chia sẻ: “Những sự ấy xảy ra là để dạy mình sống khiêm nhường hơn, không huyên hoang tự cao tự đắc.” Một sơ nọ khóc ròng đòi về chỉ vì ông bà cố không còn nhà để ở chỉ vì anh trai vỡ nợ.
Có người gặp sự khó về chính cá nhân mình. Công việc học hành nhiều lúc sao mà gian nan quá đỗi. Bằng đại học có đây rồi, nhưng mà Anh văn chưa đủ điểm, biết làm sao đây? Có người thì trầy trật, gian nan lắm mới qua được những cửa ải tri thức. Người ta cứ nghĩ người tu cái gì cũng cần phải biết nên đặt nhiều kì vọng. Bà con họ hàng mỗi lần về thăm là thường lặp lại lời khuyên: Cố gắng học cho giỏi nha con! Hình như nói đến tu là người ta nghĩ liền đến học vấn, tri thức. Coi chừng, nhiều anh ra trường tự biến mình thành ông thầy biết tuốt. Trong khi sự cam đảm của người trí thức lại nằm ở chỗ dám nói: Tôi không biết.
Tuy đã khấn lời khấn Khiết tịnh, nhưng trái tim đâu có ngủ yên bao giờ? Nhiều khi người ta cũng rất dễ cảm nắng, say nắng một ai đó. Con người chứ có phải sắt đá đâu mà không biết rung cảm yêu thương? Cái khó khăn của người tu ấy là: Nắm nhiều bàn tay nhưng không giữ lại cho mình bàn tay nào. Yêu thương mọi người nhưng không giữ lại cho mình một bóng hình riêng.
Ấy là chưa kể hoàn cảnh xã hội cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Có nơi có thời thì bị cấm đoán, bắt bớ. Có nơi thì tuy tự do đó nhưng chẳng ma nào thèm đi tu. Trái lại người tu bị nhìn dưới con mắt kì thị, nghi ngờ và bị đặt xuống hàng công dân hạng hai, một thứ ăn bám xã hội.
Nhiều lúc tự ngẫm: Sao lại là mình nhỉ? Sao không phải là ai khác mà cứ phải là mình? Sao không phải là một con đường nào khác mà cứ nhất định phải con đường này? Sao không thế này và tại sao lại không thế kia? Ôi chao, nghĩ thôi cũng đủ nhức đầu.
Có người hỏi: “Khó khăn như thế sao vẫn lao đầu vào? Thôi về đi.” Không biết tại sao nữa, chỉ biết nếu không bước vào con đường hẹp này, lòng mình sẽ không yên và tâm trí sẽ khắc khoải không thôi. Dường như có cái động lực gì đó, một bàn tay nào đó luôn níu kéo người tu ở lại, để không bị buông theo dòng nước xiết.
Đời tu quả là một cú lội ngược dòng, một cuộc chạy đua Marathon không ngừng nghỉ như lời thánh Phao lô quả quyết: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.”
Lạy Chúa, xin nguyện cho con là hạt lúa mẩy, để con kiên tâm bền vững trong ơn nghĩa Chúa vượt qua những lúc chông gai thử thách, không bị lọt sàng và rơi mất ra ngoài. Amen.
Duc Trung Vu, CSsR