Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Bề trên Tu viện DCCT Hà Nội, chánh xứ Giáo xứ Thái Hà đã chủ sự thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho cha cố Giuse Vũ Ngọc Bích, C.Ss.R
Thánh lễ được cử hành vào lúc 18 giờ 30, Thứ Tư, 08.06 tại Nhà Thờ Giáo xứ Thái Hà.
Cha cố Giuse Vũ Ngọc Bích sinh năm 1914 và mất năm 2004. Ngài là một trong những trụ cột của Giáo hội Miền Bắc từ năm 1954 cho đến đầu những năm 2000. Sự tồn tại của Tu viện và Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà ngày nay là nhờ công ơn của cha cố Giuse.
Để hiểu rõ hơn về ngài, mời quý vị và các bạn đọc tiểu sử của ngài dưới đây:
TIỂU SỬ CHA GIUSE VŨ NGỌC BÍCH
Cha Giuse Vũ Ngọc Bích tên khai sinh là Vũ Văn Tín, nguyên quán làng Hóa Lộc, sinh ngày 17 tháng 8 năm 1914 tại quê ngoại là làng Dưỡng Điềm, Kim Sơn, Ninh Bình.
Năm 1920 ngài được gửi đi học chữ quốc ngữ với một thầy giáo trong làng Dưỡng Điềm và được thầy giáo đổi tên thành Vũ Văn Nghị.
Năm 1921 ngài được gửi vào nhà xứ Tôn Ðạo ở với cha Pléneau.
Từ năm 1921 đến 1923 ngài được cha mẹ xin về lại gia đình.
Từ năm 1923 đến năm 1924 ngài được gửi đến ở với cha Phạm Bích Ðào, giáo xứ Thái Yên, Thanh Hoá và được cha xứ đổi tên thành Vũ Ngọc Bích.
Từ năm 1924 đến năm 1927 ngài học tại Trường Thử Ba Làng, Thanh Hoá.
Từ năm 1927 đến năm 1933 ngài học tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, Ninh Bình.
Từ năm 1933 đến năm 1935 ngài giúp mục vụ tại giáo xứ Ninh Bình.
Từ năm 1935 đến năm 1936 ngài học tại Ðại chủng viện Thượng Kiệm, Phát Diệm.
Tháng 4 năm 1936 ngài gia nhập Ðệ tử viện DCCT Huế.
Từ tháng 8 năm 1936 đến tháng 8 năm 1937 ngài được gọi vào Tập viện DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Ngày 15 tháng 8 năm 1937 ngài khấn lần đầu tại tu viện DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Từ năm 1937 đến năm 1942 ngài học tại Học viện DCCT, Thái Hà, Hà Nội.
Ngày 6 tháng 6 năm 1942 ngài được nhận chức linh mục tại nhà thờ DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Từ năm 1942 đến năm 1944 ngài phục vụ tại nhà thờ DCCT Thái Hà, Hà Nội và làm tuyên uý cho các hội đoàn tại Hà Nội.
Từ năm 1944 đến năm 1945, ngài dạy học tại Ðệ tử viện DCCT Huế.
Từ năm 1945 đến năm 1946 ngài làm Bề trên tu viện DCCT Nam Ðịnh (Nay là nhà thờ Anphong)
Từ tháng 12 /1946 đến tháng 6 năm 1947 ngài bị cộng sản bắt tại Nam Ðịnh và bị giam tại Thái Bình.
Từ 1947 đến 1949 ngài làm Phó Tập sư Tập viện DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Từ 1949 đến năm 1954 ngài làm chủ bút Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, sáng lập Nhà xuất bản Cứu Thế Tùng Thư, và làm quản lý tu viện DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Tháng 8 năm 1954 ngài đi học mục vụ tại DCCT Ðà Lạt.
Tháng 9 năm 1954 ngài tình nguyện trở lại tu viện DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Từ 1954 đến năm 1958, ngài phụ trách mục vụ tại nhà thờ DCCT Thái Hà, Hà Nội và đi giảng đại phúc tại Sơn Tây, Nghĩa Lộ và Bắc Ninh.
Từ năm 1958 đến năm 1993 ngài làm Bề trên-Chính xứ tu viện DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Từ năm 1993 đến năm 2004 ngài phục vụ tại tu viện DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Cha Giuse Vũ Ngọc Bích đã được gọi về nhà Chúa lúc 22: 30’, ngày 08 tháng 06 năm 2004, hưởng thọ 90 tuổi, sau 83 năm dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì và phục vụ, trong đó có 67 năm làm tu sĩ và 62 năm làm linh mục DCCT.
Cha Giuse Vũ Ngọc Bích là người hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng cũng hết sức dũng cảm và năng động.
Ngài là nhà tu nhưng cũng là nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà linh hướng và là nhà thừa sai hết sức chăm chỉ, cần mẫn và nhiệt thành.
Xuất phát từ tấm lòng mến Chúa yêu người lớn lao của mình, ngài đã chu toàn ơn gọi hiến dâng phục vụ bằng một đời sống tu đức khôn ngoan, bằng một đời sống chiêm niệm sâu xa và bằng một đời sống tông đồ liên lỉ cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời bất chấp tuổi cao sức yếu bênh tật. Ngài đã sống hết lòng vì Chúa, vì con người và vì Giáo hội.
Trong cuộc đời mình, ngài đã viết rất nhiều sách báo. Không kể các bài báo, ngài đã viết hơn 40 tác phẩm tu đức lớn nhỏ dành cho giáo dân, tu sĩ, chủng sinh và linh mục. Những tác phẩm của ngài, xuất bản từ những năm 40 của thế kỷ XX, đã dưỡng nuôi nhiều tâm hồn thành thiện và dẫn đưa nhiều người theo Chúa trong đời sống tu trì và phục vụ.
Ngài đi giảng nhiều nơi và thăm viếng và giúp đỡ rất nhiều người, đặc biệt là giảng tĩnh tâm cho các nữ tu, các chủng sinh và cho hàng linh mục của các giáo phận. Không một giáo phận nào tại Tại Miền Bắc không ghi dấu chân thừa sai của ngài. Đặc biệt tại Hà Nội, nơi ngài phục vụ và tại Phát Diệm, quê hương ngài, cũng là nơi Đức cha Bùi Chu Tạo mời ngài làm cố vấn đặc biệt – tại hai Giáo phận này ngài đã thăm viếng và/hoặc giảng dạy tại hầu hết các giáo xứ.
Ngài còn được biết đến như một cha giải tội uy tín và nhân từ và một vị linh hướng sáng suốt cho rất nhiều người, đặc biệt là cho các nữ tu, các chủng sinh và các linh mục, giám mục tại Miền Bắc Việt Nam.
Trong suốt gần 68 năm qua, vì muốn hy sinh cho sứ mạng rao giảng Tin mừng, vì yêu mến những người khốn khổ và vì yêu mến Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, ngài đã gần như liên tục gắn bó với tu viện DCCT Thái Hà, Hà Nội. Sự hiện diện bền bỉ và sự sống sót lạ lùng của ngài là một ân huệ cho Giáo Hội Miền Bắc và là yếu tố quyết định cho sự tồn tại của DCCT tại Miền Bắc trong những thập niên khó khăn nhất kể từ năm 1954.
Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 60 năm linh mục của ngài, Cha Joseph Tobin, Bề trên Tổng quyền DCCT đã viết như sau:
“Từ nhiều năm nay, giữa hoàn cảnh vô cùng khó khăn và đau thương, cha đã luôn luôn đảm bảo sự hiện diện của DCCT tại Hà Nội. Hội Dòng và Tỉnh Dòng của cha cũng như cộng đoàn tín hữu trong vùng vô cùng biết ơn cha. Nhờ gương chứng nhân và nhờ những cố gắng của cha, Tỉnh Dòng Việt Nam có một sức bật tông đồ mới mẻ mang lại điều lành cho toàn xứ sở của cha”.
Cha Giuse Vũ Ngọc Bích về với Chúa, dân tộc Việt Nam mất đi một thành viên tốt lành và hữu ích; DCCT và Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội mất đi người giữ đền trung kiên là chứng nhân của lịch sử tại đây trong gần 70 năm qua; anh em trong DCCT Việt Nam mất đi một vị niên trưởng đáng yêu và đáng kính; hàng linh mục và tu sĩ trong giáo phận Hà Nội mất đi một vị linh hướng và giải tội được tín cẩn; giáo dân xa gần mất đi một người cha nhân từ.
Chúng ta, những người đã từng sống với ngài hay biết ngài, không ai không cảm thấy tiếc thương.
Trong niềm tin vào sự sống đời đời, chúng ta hiệp thông cầu nguyện cho ngài, đồng thời cũng chia sẻ với ngài niềm vui vì đã hoàn tất tốt đẹp cuộc đời trong yêu thương và phục vụ./.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR