Ngày 27/6/2022, Đức Thánh Cha đã gặp khoảng 5.000 thành viên của phong trào “Con đường Tân Dự tòng” và phê chuẩn các bài sai gửi các gia đình, linh mục, và chủng sinh của phong trào đang chuẩn bị trở thành các nhà truyền giáo ở nước ngoài. Ngài nói với họ: “Đừng quên ánh mắt của Chúa Giêsu, Đấng đã sai mỗi người trong số anh chị em đi rao giảng và vâng phục Giáo hội.”
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, với các bài hát và những giây phút cầu nguyện.
Sau khi cộng đoàn nghe đọc đoạn cuối của Tin Mừng thánh Mátthêu (28,16-20), trong đó Chúa Giêsu đã trao sứ vụ cho các tông đồ, cũng là sứ vụ dành cho Giáo hội: “Các con hãy đi, làm chứng, giảng dạy Tin Mừng,” Đức Thánh Cha nói rằng từ ngày đó, các tông đồ, các môn đệ, dân chúng, tất cả tiến bước với cùng sức mạnh mà Chúa Giêsu trao cho họ: đó là sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần.
Sự phong phú đa văn hóa của Phúc Âm
Đức Thánh Cha khuyến khích các nhà truyền giáo mới hãy để các cộng đoàn phát triển “theo cách của nó, trong văn hoá của nó.” Ngài nói tiếp rằng đây là lịch sử của việc loan báo Tin Mừng. Tất cả đều bình đẳng trong đức tin, có cùng đức tin. “Nhưng tất cả với phương thức của nền văn hóa riêng của họ hoặc nền văn hóa của nơi mà đức tin đã được rao giảng.”
Theo Đức Thánh Cha, sự phong phú đa văn hóa của Phúc Âm là câu chuyện của Giáo hội: “Rất nhiều nền văn hóa nhưng cùng một Phúc âm. Rất nhiều dân tộc, nhưng cùng một Đức Giêsu Kitô.”
Trong Giáo hội và với Giáo hội
Ngài cảm ơn các gia đình đã sẵn lòng chia sẻ Tin Mừng với tư cách là những nhà truyền giáo, và khuyến khích họ ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần và vâng phục Chúa Kitô và Giáo hội của Người thông qua giám mục địa phương. “Đây là linh đạo luôn phải đồng hành với chúng ta: rao giảng Chúa Giêsu Kitô bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và với Giáo hội.”
“Con đường Tân Dự tòng” là một phong trào Giáo hội được cảm hứng từ cách thực hành của Giáo hội sơ khai, cung cấp việc đào tạo Kitô hữu sau khi rửa tội. Phong trào được thành lập bởi ông Kiko Argüello và bà Carmen Hernández ở Tây Ban Nha vào năm 1964. Hiện nay Phong trào hiện diện khắp thế giới, trong khoảng 40.000 cộng đồng nhỏ ở các giáo xứ, và có hơn một triệu thành viên.
Các gia đình của Phong trào sẽ đi truyền giáo khắp các châu lục; một số chủng sinh của các chủng viện của Phong trào sẽ truyền giáo tại Trung Quốc. (CNA 27/06/2022)
Hồng Thủy – Vatican News