Anh hùng chống lại Đức Quốc Xã

Khi Hitler và Đức Quốc Xã lên nắm quyền, hàng triệu người đã chống lại bằng nhiều cách khác nhau. Một số người nổi tiếng vì phản đối, thận trọng nói rằng những người khác vẫn bí mật. Một số người chống lại Đức Quốc Xã bằng vũ khí chiến tranh, những người khác đã chống trả bằng ngòi bút. Một số đổ bộ vào các bãi biển của đất nước xa lạ, một số không bao giờ rời khỏi thị trấn của họ.

Mặc dù hầu hết những người chống đối không bao giờ gặp nhau, nhưng họ đã hình thành một liên minh đẹp đẽ giữa sự thật và tình yêu. Khi chúng ta phải nhớ đến những tội ác khủng khiếp của thời kỳ này, chúng ta cũng phải nhớ những người đã chiến đấu chống lại.

Ngoài Thánh Lm Maximilian Kolbe, người anh dũng hy sinh mạng sống cho người khác tại trại Auschwitz, có ba đàn ông và một phụ nữ khác dường như là điều kỳ diệu đối với thời đại của chúng ta. Mỗi người trong số họ có thể can đảm hướng dẫn chúng ta tiến về phía trước khi thế giới của chúng ta nghiêng về sai lầm và thù hận.

1. NICHOLAS WINTON

Năm 1938, Hitler gửi quân tới Tiệp Khắc với nỗ lực thôn tính nước này cho Đức. Nhìn thấy quân đội Đức Quốc Xã tràn qua biên giới của họ và biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hàng ngàn người Do Thái đã đổ vào Praha với nỗ lực điên cuồng là đưa con cái họ đến nơi an toàn ở các quốc gia khác. Nhưng nỗ lực đó khó khăn vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả việc các quốc gia khác miễn cưỡng thực hiện hoặc thẳng thừng từ chối.

Nhìn thấy những mẩu tin tức và hình ảnh về những trại tị nạn với hàng chục ngàn trẻ em phải chịu đựng trong mùa đông lạnh giá ở Prague, một nhà môi giới chứng khoán ở London là Nicholas Winton đã quyết định đến Prague để xem có thể giúp đỡ bằng cách nào. Winton thuê một khách sạn ở Prague và thành lập một tổ chức đặc biệt với mục tiêu đưa lũ trẻ đến nơi an toàn. Các hoạt động của Winton nhanh chóng được lan truyền và gặp nhiều phụ huynh tại văn phòng tạm bợ.

Winton quay trở lại London với tên và hình ảnh của những đứa trẻ để kiến nghị chính phủ Anh cho chúng nhập cư. Lúc đầu, Winton tiếp tục kiến nghị với chính phủ. Cuối cùng, chính phủ Anh đã cảm thông và Winton đã cứu được 669 trẻ em – nhiều em chắc chắn đã chết vì là nạn nhân trong cuộc đàn áp của Đức Quốc Xã.

Trong 50 năm, Winton giữ im lặng về việc cứu mạng của mình, hầu như không kể cho ai nghe – kể cả vợ ông. Một ngày nọ, khi dọn dẹp gác mái, vợ của Winton xem được hồ sơ về những đứa trẻ, vừa bị sốc vừa bị mê hoặc. Vợ ông đã đến gặp các phóng viên Anh để kể lại câu chuyện, mặc dù một số người không tò mò về câu chuyện đó, nhưng một nhà báo đã bị cuốn hút và công khai câu chuyện.

Chẳng bao lâu, những đứa trẻ kia biết về người đàn ông đã cứu chúng. Năm 1988, đài BBC đã thực hiện một chương trình mang tên “That’s Life” và họ mời Winton, người bị lãng quên trong bóng tối về nội dung chương trình. Ông cũng không biết thực tế là những đứa trẻ đó (bây giờ đã có con, có cháu) cũng được mời. Tất cả điều này đã tạo nên một cảnh khá ấn tượng:

Winton đã được Nữ Hoàng phong tước hiệp sĩ năm 2002 để ghi nhận nỗ lực cứu mạng của ông. Mọi người có thể nói về Winton rằng, khi cứu rất nhiều người, ông ta đã lừa dối thần chết. Họ sẽ nói sự thật, một thực tế được nhấn mạnh bởi thực tế là Winton đã sống tới 106 tuổi.

2. IRENA SENDLER

Là người Công giáo, Irena Sendler là một nhân viên xã hội và là thành viên của Lực Lượng Kháng Chiến Ngầm Ba Lan. Sendler tự đặt cho mình nhiệm vụ cứu càng nhiều trẻ em Do Thái khỏi khu ổ chuột Warsaw càng tốt. Với nỗ lực làm như vậy, những đứa trẻ bị Đức Quốc Xã săn đón đã được Sendler giúp thoát khỏi bằng mọi cách, kể cả dùng hộp dụng cụ, quan tài và túi xách. Khi thoát khỏi khu ổ chuột, Sendler đã không ngừng tìm nơi để giấu lũ trẻ.

Cuối cùng, Sendler bị Gestapo bắt giữ nhưng bà từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào về những đứa trẻ – thậm chí bà còn bị giam gần ba tháng, bị tra tấn gãy tay, gãy chân và nhận án tử hình. Sendler nhất định không tiết lộ, về sau Sendler cho biết: “Tôi đã giữ im lặng. Tôi thích chết hơn là tiết lộ hoạt động của chúng tôi.” Vào ngày dự kiến bị Đức Quốc Xã giết, bà được thả tự do sau khi một thành viên của quân kháng chiến Ba Lan hối lộ đặc vụ do Gestapo chịu trách nhiệm giám sát việc xử tử Sendler.

Sendler được ghi nhận là đã cứu 2.500 trẻ em Do Thái – gấp đôi số lượng người so với anh hùng Oscar Schindler. Mặc dù bà đã nhận được nhiều danh hiệu và vinh dự sau chiến tranh, nhưng câu chuyện của Sendler – tương tự như câu chuyện của Winton – về cơ bản không được biết đến trong nhiều thập niên cho đến khi một nhóm học sinh trung học ở Mỹ nghiên cứu câu chuyện của bà và viết một vở kịch về cuộc đời bà. Tương tự Winton về tuổi thọ, Sendler sống tới 98 tuổi.

Cuộc đời Sendler là lời nhắc nhở rằng việc chống lại cái ác là sự phản kháng lớn nhất và là yêu thương.

3. EDITH STEIN

Edith Stein sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Ba Lan năm 1891. Stein là người vô thần trong những năm đầu thời thiếu niên, nhưng đã trở thành người Công giáo vào những năm đầu của tuổi 30, phần lớn nhờ đọc tự truyện của Thánh Teresa Avila.

Với lịch sử trí tuệ lừng lẫy của Giáo hội Công giáo, người ta thận trọng khi xếp hạng ai đó là một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội, nhưng làm sao chúng ta có thể xếp hạng Edith Stein? Bà ấy là một thiên tài bậc nhất, người phải vượt qua cả phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính để thăng tiến – và bà ấy đã làm được. Như Bách Khoa Toàn Thư Triết Học của Stanford nói: “Việc xuất bản 27 tập ‘Edith Stein Gesamtausgabe’ đã xác định Stein là một triết gia độc lập, sáng tạo và phong phú, là người đã có những đóng góp ban đầu về các chủ đề đa dạng như tính cách con người và sự e ngại của người khác về sự đồng cảm, có chủ ý, chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc và giá trị, bản chất của nhà nước, việc giáo dục phụ nữ, quyền của phụ nữ, bản chất của bản chất và tính chất.”

Thực sự đó là sự chứng thực mạnh mẽ, nhưng có lẽ điều đó nói nhiều hơn về Stein như một người mà bà ấy chọn để viết luận án tiến sĩ về chủ đề “sự đồng cảm.” Sự đồng cảm chắc chắn gần gũi với trái tim bà khi bà lấy tên Teresa Benedicta Thánh Giá và trở thành nữ tu Dòng Cát Minh năm 1934.

Sau 4 năm, vì bà là người gốc Do Thái, bà được lệnh chuyển đến Hà Lan để được bảo vệ. Năm 1942, Đức Quốc Xã ở Hà Lan bắt giữ tất cả những người Do Thái để trục xuất. Bà bị Đức Quốc Xã bắt giữ và đưa đến trại Auschwitz, và bà bị đưa vào phòng hơi ngạt chỉ 2 ngày sau đó.

Nữ tu Teresa có thể đã cầu xin rằng bà là người Công giáo đã được rửa tội, nhưng bà đã chọn chịu đau khổ với những đồng bào của mình. Trong bài giảng lễ phong thánh cho bà, ĐGH Gioan Phaolô II đã kể lại thời gian trước khi bà bị Đức Quốc Xã bắt: “Vài ngày trước khi bị trục xuất, nữ tu này đã bác bỏ câu hỏi về việc giải cứu: Đừng làm điều đó! Tại sao tôi nên được tha? Có phải là không đúng khi tôi không được lợi gì từ Phép Rửa? Nếu tôi không thể chia sẻ nhiều với anh chị em mình, thì theo một nghĩa nào đó, cuộc sống của tôi sẽ bị hủy hoại.”

Nữ tu Teresa đã nghiên cứu về sự đồng cảm trong phần lớn cuộc đời bà, nhưng chính trong những ngày cuối đời, bà đã dạy chúng ta bài học lớn nhất về sự đồng cảm.

4. DIETRICH VON HILDEBRAND

Xét về tính chất ma quỷ của Hitler và cái ác ghê tởm là Đức Quốc Xã thì Dietrich von Hildebrand bị coi là một trong những kẻ thù lớn nhất của Đức Quốc Xã, nhưng đối với con người thì đó là điều vinh dự. Von Hildebrand đã giành được huy hiệu đó, vì ông là một trong những nhà phê bình sớm nhất và nổi bật nhất về chủ nghĩa xã hội dân tộc ngay khi nó còn sơ khai. Đối với những lời chỉ trích công khai đó, vào những năm 1920 và được nhắc lại một lần nữa vào những năm 1930 sau khi Hilter nắm quyền, Đức Quốc Xã đã đưa ra bản án tử hình công khai đối với Hildebrand – nếu họ có thể tìm thấy ông. Như Franz von Papen, đại sứ Đức Quốc Xã tại Áo, đã nói: “Hildebrand chết tiệt đó là trở ngại lớn nhất cho chủ nghĩa xã hội dân tộc ở Áo. Không ai gây hại hơn.”

Sinh tại Florence, Ý, năm 1889, trong một gia đình phần lớn không theo tôn giáo, Dietrich von Hildebrand được Chúa ban cho món quà kỳ diệu và gần như có trực giác về chân lý của đức tin Công giáo. Gia nhập Giáo hội Công giáo với vợ là Margarete năm 1914, Hildebrand được ban cho thiên tài triết học cao ngất cùng với lòng cảm giác sâu sắc – ý thức đức tin. Điều đó chứng minh sự kết hợp mạnh mẽ chống lại sự dối trá của Đức Quốc Xã.

Sau khi đạt được bằng tiến sĩ triết học tại ĐH Gottingen ở Đức, Dietrich von Hildebrand đảm nhận vị trí giảng dạy tại ĐH Munich. Tuy nhiên, Đức Quốc Xã không mấy hài lòng với chương trình giảng dạy Công giáo của ông, vốn lên án sự dối trá và tệ nạn của Đức Quốc Xã.

Đức Quốc Xã muốn ông chết, nhưng trước tiên họ phải tìm thấy ông. Điều này chứng tỏ là nhiệm vụ không dễ. Hildebrand luôn có thể đi trước Hitler một bước. Ông trốn khỏi Đức năm 1923, sang Ý và đến Áo; sau đó ông sang Thụy Sĩ, Pháp, rồi Brazil – viết, dạy, tìm hiểu triết học và lên án chủ nghĩa xã hội dân tộc ở mọi điểm dừng. Không nghi ngờ gì nữa, điều này đã khiến Hitler tức giận, và hẳn đã nhận ra rằng mình không thể theo đuổi một giáo sư triết học Công giáo. Dietrich von Hildebrand tìm hiểu sự kết hợp giữa Aristotle và Jason Bourne.

Cuối cùng, Dietrich đến TP New York năm 1940, và giảng dạy tại Fordham trong 20 năm tiếp theo.

Dietrich von Hildebrand đã dành phần lớn cuộc đời để lên án những sai lầm khác nhau của Đức Quốc Xã, nhưng tại Mỹ năm 2020, một khía cạnh trong triết lý của ông có vẻ đặc biệt được áp dụng: lên án chủ nghĩa dân tộc. Về vấn đề đó, Dietrich von Hildebrand đã nêu bật sự khác biệt cơ bản giữa chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa dân tộc. Năm 1934, ông viết: “Chủ nghĩa ái quốc chân chính và chủ nghĩa dân tộc khác xa nhau như sự yêu mình được Thiên Chúa định sẵn là từ sự tự ái vị kỷ.”

Tình yêu đối với quốc gia là điều lành mạnh và có trật tự, nhưng chủ nghĩa dân tộc lại là sai lầm khủng khiếp thực sự: “Chủ nghĩa dân tộc là gì? Sai lầm khủng khiếp này tồn tại ở nhiều mức độ, bắt đầu từ việc xác định quốc gia và nhà nước, và tìm mọi cách để thực hiện hành vi sùng bái thần tượng đối với một quốc gia, tức là biến quốc gia trở thành tiêu chí cao nhất cho cả cuộc đời và biến nó thành mục tiêu cuối cùng và tốt nhất. Người từ chối trao cho các quốc gia khác quyền phát triển tự do, người cho rằng mình có thể làm ngơ các quyền và mong muốn chính đáng của họ, và người tưởng tượng rằng mình có thể chà đạp họ nếu điều đó có lợi cho đất nước của mình, do đó mâu thuẫn với chính nền tảng chứng thực tình yêu của người ấy đối với đất nước của mình.” (Dietrich von Hildebrand, Cuốc Chiến Chống Lại Hitler)

Đó là sự cân nhắc có giá trị cho thời đại của chúng ta, vì các khái niệm siêu việt về Chân-Thiện-Mỹ đã bị bác bỏ để ủng hộ tính chính trị. Nhưng theo quan điểm của Dietrich von Hildebrand, nếu một người thực sự yêu quốc gia của mình, người đó phải mong muốn những điều chân chính và tốt đẹp cho quốc gia. Đức Quốc Xã là sự từ chối dữ dội đối với thực tại siêu việt. Tất cả những ai chọn chủ nghĩa dân tộc thay vì chủ nghĩa ái quốc nên nhớ rằng họ đang trở thành con mồi cho sự sai lầm quan trọng của chính chủ nghĩa Đức Quốc Xã.

KẾT LUẬN

Thánh Phaolô xác định: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12:21)

Câu này coi như tiểu sử ngắn gọn của những con người mà chúng ta vừa thảo luận. Cho dù nó xuất phát dưới dạng lòng trắc ẩn và sự sáng tạo của Nicholas Winton, lòng dũng cảm của Irena Sendler, sự đồng cảm của Edith Stein, hoặc sự sáng suốt thẳng thắn của Dietrich von Hildebrand, tất cả đều đáp lại lời kêu gọi đó.

Hàng ngàn người khác, bao gồm cả những người mà lịch sử ghi nhớ và lãng quên, đã trả lời cùng một lời kêu gọi đó. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy thất vọng trước những nỗ lực cao cả nhất của mình, chúng ta cần nhắc nhở bản thân và nhắc nhở lẫn nhau rằng chúng ta đoàn kết với những con người này, bởi vì tất cả chúng ta có cùng một lời kêu gọi: ĐỪNG KHUẤT PHỤC TRƯỚC CÁI ÁC, NHƯNG PHẢI VƯỢT QUA CÁI ÁC BẰNG SỰ THIỆN.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Blog.MagisCenter.com)